Những tuyên bố làm Moscow phật ý
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã trì hoãn tiếp nhận lô hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumph thứ hai. Điều này đã được người đứng đầu ban thư ký của ngành công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Ismail Demir công bố vào ngày thứ Hai (4/11).
Theo ông Demir, sự chậm trễ có thể liên quan đến các cuộc đàm phán về chuyển giao công nghệ và kế hoạch sản xuất chung hệ thống phòng không S-400 giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Đồng thời, Ismail Demir nhận định rằng, giai đoạn thứ hai của việc cung cấp S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ có thể được thực hiện vào cuối năm 2020.
“Về giai đoạn 2 của việc chuyển giao S-400, chúng tôi xếp lịch cho năm tới. Trong trường hợp này, không giống như giai đoạn đầu tiên, chúng ta đang nói về sản xuất chung và chuyển giao công nghệ.
Việc sản xuất chung có thể thay đổi một chút lịch dự kiến, thay đổi một chút về thời gian, có thể là vào cuối năm 2020” - Ismail Demir cho biết. Ông Demir bổ sung thêm rằng, các cuộc tham vấn kỹ thuật giữa Moscow và Ankara về khả năng sản xuất một phần linh kiện S-400 ở Thổ Nhĩ Kỳ đang diễn ra.
Cũng vào sáng ngày 4/11, Ismail Demir tuyên bố: Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn nối lại đàm phán với Washington về việc cung cấp máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ. Ông Demir khẳng định, Ankara không đồng ý với các tuyên bố rằng F-35 và S-400 không thể tồn tại trong cùng một quốc gia.
“Chúng tôi không thấy bất kỳ vấn đề nào từ quan điểm pháp lý” – ông Demir nhấn mạnh. Tuy nhiên, Ismail Demir không quên nhắc lại rằng, Ankara đang xem xét đề nghị của Moscow trong việc cung cấp máy bay chiến đấu của Nga cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Tại sao Erdogan thực hiện chính sách “đu dây”?
Còn nhớ, vào tháng 7, khi Thổ Nhĩ Kỳ mua lại S-400 của Nga, Washington đã tuyên bố “đẩy” Ankara ra khỏi chương trình F-35. Chưa hết, Hạ viện Mỹ ủng hộ dự luật trừng phạt chống lại Thổ Nhĩ Kỳ.
Những động thái của Washington thực sự làm tổn thương tình cảm của không chỉ giai cấp thống trị Thổ Nhĩ Kỳ mà cả giới trí thức địa phương.
Theo Andrei Kortunov - Tổng Giám đốc Ủy ban Đối ngoại Nga (RIAC), thực tế đang buộc chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và cá nhân Tổng thống Erdogan phải tìm kiếm sự thỏa hiệp với Washington.
Những tuyên bố của Ankara về S-400 và F-35 cho thấy, họ không muốn làm trầm trọng thêm cuộc xung đột với Hoa Kỳ, bởi nó đe dọa Thổ Nhĩ Kỳ với những hậu quả kinh tế và chính trị - ông Kortunov khẳng định.
Ở góc độ khác, Thổ Nhĩ Kỳ thực sự muốn sản xuất S-400 cùng với Nga. Tuy nhiên, những tuyên bố từ các cơ quan Chính phủ Nga cho thấy, Moscow không thực sự thích ý tưởng này.
Trên thực tế, có một hàng dài các nước chờ mua S-400, nếu Thổ Nhĩ Kỳ từ chối mua hệ thống phòng không này, chúng tôi sẽ tìm khách hàng khác - người cung cấp tin cho tờ “Tầm Nhìn” (giấu tên) tuyên bố.
Ông Kortunov cho rằng, Tổng thống Erdogan có thể rút khỏi thỏa thuận S-400 với tổn thất danh tiếng tương đối nhỏ. Tuy nhiên, các quốc gia này có những bất đồng không chỉ về thiết bị quân sự mà còn về tình hình ở Syria nói chung và người Kurd nói riêng, về các mối quan hệ trong NATO và về các vấn đề kinh tế.
Ngoài ra, ở Washington ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng, Erdogan đang trở thành một nhà lãnh đạo độc đoán. Và trong tình huống này, ông Erdogan mong muốn nối lại các cuộc đàm phán về F-35 để giữ lấy uy tín của mình trước những con mắt cú vọ từ Washington.
Theo các nhà phân tích, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ sẽ dung hòa giữa lợi ích của Moscow, Washington và NATO ít nhất đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, dự kiến diễn ra vào tháng 11/2020.
Tuy nhiên, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông và Trung Á Semyon Baghdasarov lại tin rằng, Tổng thống Erdogan có thể “đu dây” trong mối quan hệ giữa Nga, Hoa Kỳ và các nước NATO.
“Recep Tayyip Erdogan là một trong những chính trị gia mạnh mẽ và khôn khéo nhất thời đại chúng ta. Ông ấy rất khéo sử dụng mâu thuẫn của các cường quốc thế giới ở Syria để giải quyết vấn đề của chính mình” - ông Bagasasarov khẳng định.
Đồng thời, Semyon Bagasasarov kêu gọi lãnh đạo Nga không chia sẻ với Thổ Nhĩ Kỳ công nghệ sản xuất tổ hợp S-400.
“Người Mỹ cũng nhìn thấy hành vi của Erdogan và trong Nhà Trắng, nó gây ra sự phẫn nộ. Nhưng họ cũng phải nhắm mắt làm ngơ rất nhiều, vì vai trò và sức nặng của Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO.
Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không bị loại khỏi liên minh. Thứ nhất, Ankara sẽ không muốn rời khỏi đó; và thứ hai, các nước NATO cũng không muốn để Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi khối. Do đó, tất cả sẽ phải chịu đựng Erdogan cho đến khi quyền lực được thay đổi ở Thổ Nhĩ Kỳ” - ông Bagasasarov kết luận.