Yêu cầu ngừng các hoạt động quân sự tại Syria, Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt đối với hai bộ của Thổ Nhĩ Kỳ và một số lãnh đạo cao nhất của nước này, cũng như tăng thuế xuất khẩu đối với thép của Thổ Nhĩ Kỳ. Đáp lại, Ankara tuyên bố không có ý định chấm dứt hoạt động quân sự.
Phương Tây mạnh tay
Liên quan đến sự leo thang của cuộc xung đột, theo sáng kiến của các nước EU là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc - Bỉ, Pháp, Đức, Anh và Ba Lan, Hội đồng Bảo an tổ chức các cuộc tham vấn kín vào ngày 16/10 về hoạt động của Thổ Nhĩ Kỳ. Trước thềm cuộc thảo luận, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe đã gọi Chiến dịch Hòa bình của Thổ Nhĩ Kỳ là phá hoại an ninh khu vực và cho rằng hành động này sẽ dẫn đến sự hồi sinh của Nhà nước Hồi giáo (IS).
Cuộc xâm lược này là không thể chấp nhận được, nó đã phá hoại sứ mệnh quốc tế - tiêu diệt IS, khiến nhiều thành viên nguy hiểm của IS đang bị giam giữ trốn thoát - Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper nói với Thủ tướng Pháp. Ngay cả lời cam kết của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan rằng “không một thành viên IS nào có thể rời khỏi Syria” cũng không thể làm giảm bớt nỗi sợ hãi của các đồng minh phương Tây.
Theo tuyên bố của ông Edouard Philippe, để gây áp lực lên Ankara, Pháp và một số nước châu Âu “đã đình chỉ việc cung cấp vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ”.
Một trong những quốc gia NATO đầu tiên đóng băng việc cấp giấy phép cung cấp vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ là Vương quốc Anh. “Chúng tôi sẽ không cấp giấy phép xuất khẩu mới cho các loại vũ khí có thể được sử dụng trong chiến dịch quân sự ở Syria” - Bộ trưởng Ngoại giao Anh
Dominic Raab cảnh báo hôm 15/10. Tuy nhiên, ông Dominic Raab nhấn mạnh rằng, London sẽ “theo gương của Hoa Kỳ, không áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ”.
Theo Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo, Tổng thống
Donald Trump vừa ký một sắc lệnh trao quyền cho Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân, tổ chức hoặc cá nhân liên quan đến Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, những người có liên quan đến hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ. Theo lệnh của người đứng đầu Nhà Trắng, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa Bộ Quốc phòng, Bộ Năng lượng và Tài nguyên Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như người đứng đầu các bộ này như ông Hulusi Akar, Fatih Donmez và Bộ trưởng Nội vụ Suleyman Soylu vào danh sách trừng phạt.
Việc đưa các bộ hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ và các nhà lãnh đạo của nước này vào “danh sách đen” của Washington có nghĩa là tài sản của họ ở Hoa Kỳ sẽ bị đóng băng, cũng như cấm các công dân và công ty Mỹ làm ăn với những người có tên trong “danh sách đen”.
Ngoài ra, chính quyền Trump đã quyết định áp lại thuế đã hủy trước đó đối với thép Thổ Nhĩ Kỳ nhập khẩu vào Hoa Kỳ và đình chỉ công tác chuẩn bị một thỏa thuận thương mại quy mô lớn với Ankara. Thuế được áp cho thép của Thổ sẽ lại được tăng lên 50%.
Hoa Kỳ cũng sẽ chấm dứt các cuộc đàm phán do Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, người đã đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng trước, liên quan đến một thỏa thuận thương mại trị giá 100 tỷ USD - một quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho biết trong cuộc họp ngắn tại Washington.
Các biện pháp trừng phạt mới mà Tổng thống Trump buộc phải thực hiện là do sự yêu cầu tăng áp lực đối với Ankara của Đảng Dân chủ và Cộng hòa ở Washington. Động thái này đánh dấu sự khởi đầu của một cuộc khủng hoảng sâu sắc hơn trong quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ quyết không khuất phục
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự được bắt đầu từ ngày 9/10 tại các khu vực biên giới của Syria và sẽ không chịu khuất phục trước sức ép ngày càng tăng từ Mỹ và các đồng minh châu Âu - Chủ tịch Đại hội đồng quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ (Quốc hội) Mustafa Sentop tuyên bố hôm thứ Ba (15/7).
“Họ nghĩ rằng họ có thể kiểm soát chính trị quốc tế bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt, nhưng họ đã sai. Các biện pháp trừng phạt không phải là cách để đạt được kết quả trong chính trị quốc tế” - Chủ tịch Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo.
Ông Mustafa Sentop bày tỏ sự tin tưởng rằng, các biện pháp hạn chế do chính quyền ông Donald Trump áp đặt đối với Ankara trước đó nhằm mục đích ngăn chặn Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có tác dụng ngược lại. Nói về các mục tiêu của Chiến dịch Hòa bình, ông Mustafa Sentop lưu ý rằng, Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách “duy trì toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền chính trị của Syria, nhưng sẽ không cho phép tạo hành lang cho những kẻ khủng bố ở biên giới nước này”.
Các biện pháp trừng phạt mới của Washington với Ankara cho thấy chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng trở thành con tin cho cuộc đấu tranh chính trị nội bộ đang leo thang ở Mỹ. Tổng thống Erdogan, người không muốn trở thành nạn nhân của một cuộc thách đấu trong giới thượng lưu Mỹ, không thể không hiểu điều này.