Người thầy tận tâm cùng học trò và khoa học

GD&TĐ - 14 năm gắn bó với Trường THPT chuyên Lào Cai (Lào Cai), thầy Phạm Văn Điệp có nhiều thành tích đáng tự hào trong việc phát hiện bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia và hướng dẫn HS nghiên cứu khoa học môn Vật lý.

Người thầy tận tâm cùng học trò và khoa học

Thầy Điệp được đồng nghiệp, học trò ghi nhận như một điển hình của đam mê khoa học, tâm huyết, sáng tạo và vững vàng trong nghề giáo.

Tình yêu nghề giáo

Thầy Phạm Văn Điệp đến với nghề giáo và gắn bó cùng bộ môn Vật lý như duyên nghiệp. Từ khi học bậc THCS, THPT cậu học sinh (HS) Phạm Văn Điệp đã yêu thích và gặt hái được thành tích nhất định ở môn Vật lý. Cùng đó, trong quá trình học tập, anh may mắn gặp một số tấm gương thầy cô dạy Vật lý đức độ, tài năng, không ngừng vượt khó để gắn bó cùng khoa học, nghề giáo… khiến anh ngưỡng mộ. Tình yêu nghề giáo, hình ảnh cao đẹp người thầy đã ảnh hưởng và “ngấm” vào anh  tự nhiên như thế. 

Tốt nghiệp THPT, anh thi đỗ Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên khóa 2001 - 2006. Năm 2006 ra trường, anh được nhận về giảng dạy môn Vật lý tại Trường THPT chuyên Lào Cai cho tới nay.

Trên hành trình sư phạm của mình, thầy Phạm Văn Điệp luôn tâm niệm khoa học phát triển, giáo dục trên hành trình đổi mới… đồng nghĩa người thầy phải không ngừng tìm tòi phương pháp dạy học mới, tâm huyết với nghề, tự học,  cập nhật kiến thức để đáp ứng tốt nhất yêu cầu công việc. Đặc biệt, Vật lý là môn khoa học thực nghiệm, trong quá trình dạy học phải gắn với thực tiễn, tích hợp giáo dục STEM… 
“Là GV của trường THPT chuyên, thầy Phạm Văn Điệp luôn ý thức rõ vai trò trách nhiệm của mình trong đào tạo “nhân tài”. Từ việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), vận dụng kĩ thuật dạy học hiện đại đều được thầy nghiên cứu, triển khai. Thầy cũng không ngừng rút kinh nghiệm và nâng cao kĩ năng, phương pháp dạy học… nhằm mang tới hiệu quả tối đa cho từng tiết dạy. Thầy Phạm Văn Điệp cũng là một trong số những GV đi đầu trong việc chủ động tìm tòi, sáng tạo, ứng dụng thiết bị vào giảng dạy...”, cô Lại Thị Hương, Tổ trưởng bộ môn Vật lý Trường THTP chuyên Lào Cai cho biết.

Với sự nỗ lực của mình, thầy Phạm Văn Điệp đã ghi dấu ấn trên cả 2 lĩnh vực: Đào tạo HS giỏi quốc gia và hướng dẫn HS nghiên cứu khoa học. Dưới sự hướng dẫn, đào tạo của thầy, HS Trường THPT chuyên Lào Cai  có hàng chục giải thưởng từ khuyến khích đến nhất, nhì, ba trong các cuộc thi HS nghiên cứu khoa học (NCKH) toàn quốc; HS giỏi quốc gia; HS giỏi Duyên hải Bắc Bộ.

Vững vàng cùng thử thách

Thầy Phạm Văn Điệp cùng HS Bùi Thị Bích Thương, chuyên Lý K14, đạt giải Đồng tại kỳ thi HS giỏi Duyên hải Bắc Bộ. Ảnh: NVCC
Thầy Phạm Văn Điệp cùng HS Bùi Thị Bích Thương, chuyên Lý K14, đạt giải Đồng tại kỳ thi HS giỏi Duyên hải Bắc Bộ.     Ảnh: NVCC

Chia sẻ về vai trò bồi dưỡng HS giỏi và hướng dẫn HS NCKH, thầy Điệp cho rằng ở mỗi lĩnh vực có những thuận lợi, khó khăn riêng đòi hỏi người thầy trong quá trình giáo dục luôn sáng tạo, tự nâng cao chuyên môn, đúc rút kinh nghiệm để điều chỉnh hoạt động giáo dục phù hợp.
Ví như, trong đào tạo HS giỏi, đặc điểm của giáo dục Lào Cai là mặt bằng chất lượng còn khó khăn; nhiều HS dân tộc khi vào trường tiếng Kinh còn chưa sõi; HS chưa có nhiều cơ hội tiếp cận nhiều với các chuyên gia, GV có trình độ sư phạm cao, chuyên môn sâu. Vì vậy, GV không chỉ dạy kiến thức cơ bản, nâng cao mà phải tăng cường nhiệt huyết, cố gắng hỗ trợ HS tiếp cận với nguồn học liệu tiên tiến. Tạo điều kiện cơ sở vật chất tối đa, thậm chí hỗ trợ tài chính để khuyến khích HS yên tâm, đam mê với học tập. 

Trong NCKH, HS vùng cao còn bộc lộ tâm lý tự ti. Một phần do các em chưa được tiếp cận nhiều với trang thiết bị nghiên cứu hiện đại, mặt khác thiếu những sân chơi, tìm hiểu khoa học, gặp gỡ các chuyên gia đầu ngành… dẫn tới quyết tâm, nỗ lực trong học tập và nghiên cứu chưa trọn vẹn. Do đó để tạo những sản phẩm NCKH có chất lượng, HS đạt thành tích cao với môn Vật lý, GV luôn nhiệt huyết, phát huy kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn để thúc đẩy sự nỗ lực, say mê của học trò. Người thầy phải truyền “lửa” để học trò “bùng cháy”, ngoài ra có định hướng, chiến lược, mục tiêu nhiệm vụ học tập phù hợp theo từng giai đoạn, thuyết phục, động viên và yêu cầu HS thực hiện…

Ngay như trong việc giảng dạy môn Vật lý bằng tiếng Anh, để đạt hiệu quả thầy Phạm Văn Điệp cũng cho rằng: Đó là nhiệm vụ, yêu cầu bắt buộc của GV Trường THPT chuyên Lào Cai và cơ bản GV đã đáp ứng được yêu cầu này. Tuy nhiên, Vật lý là môn khoa học có nhiều thuật ngữ chuyên ngành khó, trình độ tiếng Anh của HS chưa tốt hoàn toàn để có thể tiếp thu được hết. Do đó, GV vừa nâng cao khả năng ngoại ngữ, tìm cách tiếp cận giúp học trò dễ hiểu, đồng thời tạo hứng thú trong học tập bằng nhiều phương pháp giảng dạy thay vì triển khai kiến thức cứng nhắc, làm đủ nhiệm vụ.

Thầy Phạm Văn Điệp chia sẻ: Thành công của HS chính là niềm vui, hạnh phúc, phần thưởng lớn nhất của người thầy. Khi HS đạt được thành tích, bản thân tôi cũng vỡ òa niềm vui sướng, hạnh phúc cùng các em. Lúc các em gặp thất bại, tôi phải tìm ra nguyên nhân và dạy cách đứng dậy, không nản trí, biến thất bại thành động lực để tiếp tục phấn đấu. Có như vậy, các em mới tự tin và sẵn sàng vượt khó để chinh phục những “đỉnh cao” mới trong học tập và NCKH. 

Thầy Điệp luôn tâm huyết với học trò, quan tâm nắm bắt tâm lý HS, chia sẻ cùng đồng nghiệp. Đặc biệt ở lĩnh vực NCKH trên cơ sở ý tưởng HS, thầy Điệp biết cách hỗ trợ và phát triển ý tưởng của học trò. Dù được giao nhiệm vụ gì thầy luôn chỉn chu, tận tụy. Chính vì vậy, những dự án NCKH thầy hướng dẫn, đội tuyển HS giỏi được thầy bồi dưỡng trong nhiều năm qua luôn đạt được kết quả đáng tự hào. Cô LẠI THỊ HƯƠNG 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trao quà Tết cho học trò nghèo tại huyện Krông Bông, Đắk Lắk. (Ảnh: HT)

Lặng thầm trao gửi yêu thương

GD&TĐ - Thời gian qua, Báo GD&TĐ tại miền Trung - Tây Nguyên thường xuyên phối hợp Hội nội thất ô tô Tây Nguyên hỗ trợ học bổng, quà cho học trò nghèo.

Trịnh Ngọc Thanh Tú nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Ảnh: TT

Nữ sinh phố núi ước mơ thành cô giáo

GD&TĐ - Trịnh Ngọc Thanh Tú - lớp 12A1, Trường THPT Lê Quý Đôn (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) luôn nuôi ước mơ làm cô giáo để nối tiếp truyền thống gia đình.