Ở anh một sự hiểu biết rất sâu sắc về đời sống, về văn hóa của các dân tộc Pa Cô, Tà-ôih, Vân Kiều dù anh sinh ra và lớn lên ở vùng đồng bằng.
Say với nghề, với người
Tốt nghiệp ngành Văn học, Trường Đại học Khoa học (Đại học Huế) khóa 1996 - 2000, tháng 4/2001, thầy Trần Nguyễn Khánh Phong rời quê hương - thị trấn Tứ Hạ (huyện Hương Trà - tỉnh Thừa Thiên - Huế) lên công tác ở huyện miền núi A Lưới (Thừa Thiên – Huế).
Lúc đầu thầy dạy ở Trường Dân tộc nội trú, sau chuyển qua làm giáo viên ở Trường Trung học phổ thông của huyện. A Lưới, hơn mười năm trước đây là vùng khó khăn nhiều mặt của tỉnh, từ kinh tế, giao thông đi lại đến việc học hành của con em các làng bản.
A Lưới cũng là nơi đã từng diễn ra những trận đánh ác liệt trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Tám anh hùng lực lượng vũ trang của huyện đều là người các dân tộc thiểu số: Hồ Vai, Kan Lịch, A Nun, A Vầu, Kan Tréc…
Vùng đất này còn lữu giữ và bảo tồn được rất nhiều sinh hoạt, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số cư trú ở dọc dải Trường Sơn, như lễ hội mừng mẹ Lúa, các ngôi nhà gươl, nhà dài, các nhạc cụ thuộc bộ thổi, bộ gõ, các làn điệu dân ca: Cha chấp, ba boji, nghề dệt zèng, các bộ váy áo, khố được may thêu rất công phu, các phong tục cưới xin, tang lễ cổ truyền…
Những ngày đầu xa nhà lên dạy học ở một huyện miền núi còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, thầy giáo Trần Nguyễn Khánh Phong không khỏi lúng túng, bỡ ngỡ và cũng có lúc có cả sự buồn nản nữa…
Nhưng rồi công việc dạy học đã cuốn hút thầy từ việc soạn bài đến việc đứng lớp. Với sự nhạy cảm của một thầy giáo dạy Văn, và của một người có dịp đi điền dã văn học nhiều ngày từ hồi còn là sinh viên, anh Trần Nguyễn Khánh Phong đã sớm nhận ra những giá trị, những nét đặc sắc của văn hóa các dân tộc miền núi ở miền Tây Thừa Thiên - Huế.
Anh tìm gặp các đồng nghiệp, các học sinh, các cán bộ huyện, xã là người dân tộc thiểu số để tìm hiểu nhiều mặt của văn hóa người Tà- ôih, Pa Cô, Cơ Tu…
Những ngày chủ nhật, ngày nghỉ lễ, nghỉ tết, rỗi lúc nào là anh
lặn lội về tận các vel (làng) để tìm hiểu, nghiên cứu đời sống và văn hóa của cư dân các địa phương, dù có phải trèo đèo, lội suối, băng rừng, vượt núi hàng bao nhiêu cây số.
Chỉ trong ít năm, anh đã học nói được tiếng Tà-ôih và có thể trò chuyện với bà con người dân tộc bằng ngôn ngữ của họ.
Trong những chuyến đi về các vel đó, anh đã thu thập, ghi chép được hàng ngàn trang tư liệu về văn hóa của bà con các dân tộc ở huyện mà anh đang dạy học.
Để có nhiều tư liệu giúp cho công việc nghiên cứu của mình, thầy Phong còn tìm mua, hoặc xin lại của bạn bè hàng trăm cuốn sách, tờ tạp chí viết về lịch sử, địa lý, văn hóa, văn học…
Từ những nguồn tư liệu điền dã ở các làng xã miền núi mà anh sưu tầm được, thầy giáo Trần Nguyễn Khánh Phong, đêm đêm, thức khuya, dậy sớm viết nên những bài báo, bài nghiên cứu để giới thiệu với độc giả gần xa đời sống, ngôn ngữ, sinh hoạt văn hóa vật thể, phi vật thể… của nhân dân các dân tộc thiểu số ở Thừa Thiên - Huế.
Hơn 10 năm qua, anh đã được đăng 70 bài viết ở nhiều tờ báo và tạp chí nghiên cứu ở địa phương và Trung ương. Đề tài trong các bài viết của anh rất phong phú và đa dạng.
Thầy Phong bên một già làng người Tà Ôi |
“Tài sản” của người thầy nhiệt huyết
Không dừng lại ở việc viết các bài báo, bài nghiên cứu, mấy năm gần đây thầy giáo Trần Nguyễn Khánh Phong còn đầu tư rất nhiều công sức để viết các tập sách chuyên đề về văn hóa các dân tộc.
12 đầu sách do anh viết và tham gia viết đã được xuất bản. Chẳng hạn: “Ca dao, câu đố, tục ngữ, đồng dao và trò chơi dân gian dân tộc Tà-ôih” (2013), “Người Tà-ôih ở A Lưới” (2013), “Văn học dân gian A Lưới - Thừa Thiên - Huế” (2 tập) (2014), “Truyện cổ Pa Cô” (2011)…
Ngoài niềm đam mê tìm hiểu, nghiên cứu, viết báo, viết sách, thầy giáo Trần Nguyễn Khánh Phong còn có một sự hứng thú rất đáng trân trọng.
Đó là việc sưu tầm các hiện vật có liên quan đến đời sống và văn hóa của các dân tộc thiểu số. Trong một lần tới nhà thăm cha mẹ của một học sinh người Tà- ôih thấy mấy chiếc gùi, giỏ (Ate), cối giã gạo (tupal) đã cũ của gia đình bỏ lăn, bỏ lóc ở góc nhà, thầy đã nảy ra ý tưởng sưu tầm các hiện vật văn hóa này.
Nghĩ là làm. Đến nay thầy Phong đã sưu tầm khoảng 500 hiện vật bao gồm rất nhiều loại khác nhau được bà con người Pa Cô, Tà- ôih, Cơ Tu… dùng trong lao động sản xuất, nấu nướng, săn bắn, biểu diễn nghệ thuật, thờ cúng…
Đầu năm học 2011 - 2012, chuyển từ A Lưới về Hương Thủy dạy học để có điều kiện gần gũi, gúp đỡ, chăm sóc cha mẹ, vợ con. Nhưng rỗi được lúc nào là thầy lại tìm về các làng xã cả đồng bằng lẫn miền núi ở tỉnh nhà để tiếp tục công việc mà mình yêu thích, say mê từ bao năm nay.
Gần đây, có dịp tới thăm nhà thầy, nhìn 9 cái tủ kính dày sách báo và các hiện vật văn hóa trong phòng làm việc của một người thầy giáo mới 39 tuổi tôi thật khâm phục và quý mến anh.
Trân trọng cầm trên tay 4 tập bản thảo Văn học dân gian của hai huyện A Lưới và Nam Đông mà anh mới hoàn thành (trong đó có 1 tập vừa được xuất bản), tôi cầu chúc cho anh luôn sức khỏe, giữ trọn niềm nhiệt huyết, say mê để còn cho ra đời nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa dân gian có giá trị phục vụ cho quê hương, đất nước.
Chuyên mục nhằm giới thiệu, tôn vinh các tấm gương người tốt, việc tốt trong đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và học sinh, sinh viên; những điển hình tiên tiến xuất sắc tại các cơ sở giáo dục...
Sau khi đăng tải trên các ấn phẩm của báo Giáo dục và Thời đại, những tấm gương, những bài báo xuất sắc nhất sẽ được tuyển chọn vào tuyển tập sách do báo Giáo dục và Thời đại phát hành. Ban Biên tập mong muốn nhận được bài viết của các nhà báo, cộng tác viên cùng đông đảo bạn đọc.
Bài, ảnh tham gia chuyên mục xin gửi về địa chỉ: thiduayeunuoc@gmail.com; hoặc: Báo Giáo dục và Thời đại, 29B Ngô Quyền, Hà Nội.