Tích cực đổi mới sáng tạo trong dạy học
Là giáo viên của tỉnh miền núi gặp nhiều khó khăn trong công tác nghiên cứu khoa học nhưng thầy Quảng luôn có tinh thần vượt khó, có rất nhiều cố gắng trong việc thực hiện đổi mới sáng tạo dạy và học. Trong 3 năm học gần đây, thầy tham gia hướng dẫn học sinh dự thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp tỉnh. Học sinh của thầy đều đạt giải.
Trong đề tài đổi mới sáng tạo dạy học, thầy Quảng đã tập trung nghiên cứu: “Một số giải pháp nghiên cứu khoa học sinh học và hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học sinh học ở Trường THCS Bình Xa, huyện Hàm Yên”.
Bên cạnh đó thời gian qua, thầy đã hướng dẫn học sinh nghiên cứu đề tài khoa học như “Điều tra các loại lan rừng ở Khu bảo tồn thiên nhiên Cham Chu và đánh giá thực trạng bảo tồn, khai thác, nuôi trồng lan rừng trên địa bàn huyện Hàm Yên, Chiêm Hóa” và “Nghiên cứu một số đặc điểm sinh học loài trà hoa vàng tại khu bảo tồn thiên nhiên Cham Chu, Tuyên Quang”.
Tuy năm học 2014 - 2015, lần đầu dự giải nhưng học sinh do thầy Quảng hướng dẫn đã đạt giải Nhất; để rồi chỉ một năm sau, năm học 2015 - 2016 là giải Nhì. Còn năm học vừa qua có em HS đoạt giải Ba. Đặc biệt, đề tài nghiên cứu của học sinh do thầy hướng dẫn năm học 2014 - 2015 được lựa chọn tham gia thi cấp Bộ.
Năm học 2016 - 2017, thầy Chu Hồng Quảng đã tiến hành nghiên cứu và hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học tham gia Hội thi Khoa học Kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp huyện Hàm Yên và cấp tỉnh Tuyên Quang với đề tài “Xác định thành phần loài lan rừng (Orchidacea) ở Khu bảo tồn thiên nhiên Cham Chu và đánh giá thực trạng công tác khai thác, bảo tồn và nuôi trồng lan rừng trên địa bàn Hàm Yên và Chiêm Hóa”. Kết quả học sinh đạt 1 giải Nhì cấp huyện và 1 giải Ba cấp tỉnh.
Đầu năm 2017 thầy cũng đã hoàn thành được đề tài “Nghiên cứu một số đặc điểm sinh học và đánh giá thực trạng khai thác, bảo tồn loài trà hoa vàng Camellia sp. tại Khu bảo tồn thiên nhiên Cham Chu, Tuyên Quang”. Sau hơn 2 năm thực hiện, đề tài khoa học này được Hội đồng khoa học huyện Hàm Yên đánh giá cao và đã vinh dự được lựa chọn là một trong những sản phẩm nghiên cứu khoa học đại diện cho Liên đoàn Lao động huyện Hàm Yên tham gia Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tuyên Quang năm 2017.
Đôi điều trăn trở
Những đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến kinh nghiệm của thầy Quảng được Hội đồng khoa học huyện đánh giá cao về tính hiệu quả và có thể nhân rộng điển hình trong toàn ngành. Tuy nhiên, là giáo viên bộ môn, đam mê và hướng dẫn học sinh của mình tham gia nghiên cứu khoa học nhưng thầy vẫn còn nhiều trăn trở ở công việc này.
Theo thầy Quảng, công tác nghiên cứu khoa học và hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học ở trường phổ thông là việc làm rất quan trọng giúp cho học sinh có thể lĩnh hội kiến thức một cách tích cực, chủ động, sáng tạo. Các kiến thức lí thuyết ở các môn học không còn khô cứng rời rạc mà liên hệ mật thiết với nhau tạo thành nền tảng và niềm tin cho các em xử lý các tình huống nghiên cứu.
Qua việc tham gia nghiên cứu khoa học, học sinh còn phát triển được các kỹ năng sống, kỹ năng làm việc trong xã hội hiện đại như làm việc theo nhóm, thu thập, phân tích, xử lý thông tin, các kỹ năng tin học, ngoại ngữ và tư duy khoa học, sáng tạo. Đồng thời, giúp ban giám hiệu nhà trường hiểu rõ hơn về công việc nghiên cứu và hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học để tổng kết kinh nghiệm chỉ đạo việc thực hiện phong trào này trong nhà trường.
Bên cạnh đó, giúp giáo viên và học sinh tự học, tự nâng cao trình độ và kỹ năng làm việc như quản lí, phân công nhiệm vụ, làm việc độc lập, làm việc theo nhóm, tích cực chủ động vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề nảy sinh trong nghiên cứu như xử lý số liệu, tranh ảnh bằng công nghệ thông tin, các kiến thức chuyên ngành, tiếng Anh... qua đó kích thích hứng thú tự học, tích cực, chủ động và sáng tạo trong công việc và cuộc sống.
Song, thầy Quảng vẫn trăn trở: “Hiện nay việc nghiên cứu khoa học ở Trường THCS Bình Xa nói riêng hiện nay gặp rất nhiều khó khăn và hạn chế bởi nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan như việc nghiên cứu và sáng tạo khoa học kỹ thuật trong nhà trường chưa được coi là công việc thường xuyên giống như dạy học và giáo dục, công việc này của các thầy cô chỉ là công việc phát sinh, làm thêm của mỗi người hoặc nhận nhiệm vụ từ cấp trên vì thế không có đủ điều kiện cơ sở vật chất, thời gian, nhân lực và tài chính cho công tác nghiên cứu và sự sáng tạo của giáo viên.
Về phần học sinh THCS cũng có nhiều hạn chế, các em còn nhỏ mới chỉ học đến trình độ cơ sở ban đầu nên thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng vận dụng thực tiễn, vì vậy lựa chọn và hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học ở đối tượng này là tương đối khó để có thể thỏa mãn các yếu tố vừa sức và đủ hàm lượng khoa học”.