Người thầy luôn trăn trở với sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt

GD&TĐ -'Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ làm thầy giáo cho đến năm cuối đại học được thầy cô trong khoa định hướng và gợi ý ở lại trường làm việc sau tốt nghiệp'.

TS Lê Minh Thống (bên phải), Phó trưởng khoa Kinh tế- Kinh doanh, Trường Đại học Mỏ- Địa chất chụp ảnh cùng sinh viên của mình. Ảnh MT.
TS Lê Minh Thống (bên phải), Phó trưởng khoa Kinh tế- Kinh doanh, Trường Đại học Mỏ- Địa chất chụp ảnh cùng sinh viên của mình. Ảnh MT.

Đó là chia sẻ của TS Lê Minh Thống, Phó trưởng khoa Kinh tế- Kinh doanh, Trường Đại học Mỏ- Địa chất.

Cơ duyên đến với nghề giáo

Năm 2004, trong khi gần bảo vệ khóa luận tốt nghiệp, chàng sinh trẻ viên Lê Minh Thống được lãnh đạo khoa đề nghị với nhà trường giữ lại làm việc sau khi tốt nghiệp. Trước đó, thầy và một người bạn thân đã được một công ty dầu khí đến trường phỏng vấn tuyển dụng. Công ty đó cũng đã liên lạc để lấy thông tin, đặt vé máy bay và hỗ trợ sắp xếp chỗ ăn ở.

“Lúc đó, tôi đã cảm xúc vỡ oà, không nghĩ mình may mắn lại đến với mình một lúc như vậy”, TS Lê Minh Thống chia sẻ.

Cùng lúc nhận được hai lời đề nghị làm việc, chàng sinh viên năm cuối Lê Minh Thống không khỏi hoang mang, nên chọn như thế nào cho hợp lý. Theo đó, anh đã gọi điện nhờ sự tư vấn của người thân. “Chính câu nói “không nghề nào thiêng liêng và cao quý bằng nghề giáo, nếu có cơ hội con không nên từ bỏ” của bố tôi đã giúp tôi đưa ra quyết định”, TS Lê Minh Thống kể lại.

TS Lê Minh Thống trong một chuyến từ thiện ở vùng cao. Ảnh NVCC.
TS Lê Minh Thống trong một chuyến từ thiện ở vùng cao. Ảnh NVCC.

Thế rồi, tốt nghiệp anh ở lại trường làm việc, lương tháng đầu tiên nhận được chỉ vọn vẹn 700 nghìn đồng, trong khi đó, các bạn cùng khoá làm ở công ty dầu khí hay các công ty nước ngoài lương gấp nhiều lần.

“Khi quyết định ở lại trường chính thầy cô đi trước của tôi cũng chia sẻ cho tôi những khó khăn, thu nhập… Song thứ lớn nhất, quý giá nhất mà người làm nghề giáo có được chính là tình cảm, sự trân quý từ học trò, tâm hồn luôn trẻ, năng lượng luôn lớn là được tiếp xúc với thế hệ trẻ. Do đó, tôi đã chuẩn bị với tâm thế là làm nghề giáo là vinh quang nhưng cũng sẽ đối mặt với nhiều khó khăn và áp lực kể cả trong công việc và cuộc sống”, TS Lê Minh Thống tâm sự.

Sau khi bảo vệ xong thạc sĩ, năm 2013, TS Lê Minh Thống được cử đi Pháp làm nghiên cứu sinh. Thời gian học ở nước ngoài giúp cho thầy giáo trẻ hiểu ra rằng bản thân may mắn được tiếp cận với kiến thức, phương pháp mới trong giáo dục cũng như làm việc nên càng phải trân trọng và nỗ lực để có thể mang kiến thức cho sinh viên.

Trăn trở với sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt

20 năm gắn bó với bao thế hệ sinh viên, nhưng trong tâm thức của TS Lê Minh Thống là dùng cái tâm của người thầy để giảng dạy, truyền cảm hứng học tập cho sinh để qua đó các em biết định hướng, xây dựng kế hoạch học tập cho bản thân.

TS Lê Minh Thống kể lại: “Tôi từng có một bạn sinh viên do hoàn cảnh gia đình đặc biệt dẫn đến có những thay đổi trong tâm lý. Sau khi đỗ vào trường, bạn ấy bị sang chấn tâm lý, luôn trong tình trạng lo lắng, bất ổn, muốn nghỉ học, dẫn đến kết quả học năm đầu không tốt.

Khi phát hiện trường hợp đó, tôi luôn cố dành thời gian rảnh rỗi trong các giờ nghỉ giải lao của các tiết học hoặc gặp gỡ riêng để trò chuyện, hỗ trợ tư vấn tâm lý giúp em ấy có thể vững tin hoàn thành chương trình học.

Ngày sắp ra trường, bạn ấy đã tặng tôi một chiếc bút kèm theo một câu em cảm ơn thầy. Chiếc bút đó, tôi vẫn đặt trang trọng trên bàn làm việc của mình ở nhà. Nó nhắc tôi, trong giáo dục muốn thành công phải dùng sự chân thành và nhiệt huyết”.

TS Lê Minh Thống (bên trái, ngoài cùng) tham gia hội thảo cùng sinh viên. Ảnh NVCC.
TS Lê Minh Thống (bên trái, ngoài cùng) tham gia hội thảo cùng sinh viên. Ảnh NVCC.

Theo TS Lê Minh Thống, sinh viên mới bây giờ môi trường học tập tốt hơn rất nhiều so với trước đây nhưng chính điều kiện tốt đó khiến cho một số sinh viên có tính ỷ lại, lười nghiên cứu, tính chủ động không cao. Bởi vậy, bản thân người thầy buộc phải chủ động để khơi gợi, tạo sự cởi mở với trò nhằm có những tiết học thu hút, tránh sự tương tác một mình trên bục giảng.

“Đã không ít lần tôi “tăng xông” vì tiết học chỉ mình đối thoại, bởi vậy tôi đã phải dừng lại. Thay vì quát nạt, tôi sẽ kể các câu chuyện, vấn đề xoay quanh nội dung đang học nhằm kích thích hứng thú cũng như sự tương tác của sinh viên. Từ đó, tiết học sẽ rôm rả hơn, có sự tương tác nhiều giữa thầy trò”, TS Lê Minh Thống cho biết.

Gắn bó với TS Lê Minh Thống từ khi còn là sinh viên năm hai, Lê Huy Hoàng – ngành Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Mỏ- Địa chất chia sẻ: “Trong thầy luôn có một nguồn năng lượng tích cực, tạo cho sinh viên cảm thấy cần phải nỗ lực học tập.

Thầy luôn gần gũi, hoà đồng với sinh viên như chính những người anh đi trước. Quá trình chúng em làm đồ án tốt nghiệp gặp khó khăn về tìm tài liệu hay tính toán phân tích số liệu không ổn gọi điện nhờ sự giúp đỡ lúc nào thầy cũng nhiệt tình.

Trên lớp, những tiết học của thầy luôn khuấy động sinh viên. Thầy không chỉ dùng công nghệ hay cách giảng truyền thống mà sử dụng ngôn ngữ hình thể để biểu đạt các vấn đề. Kết thúc một buổi học, thầy luôn chốt lại các vấn đề cơ bản, cần nắm được để cho sinh viên hiểu”.

“Để có tôi như bây giờ là nhờ sự tin tưởng, chỉ bảo của thầy cô. Từ thực tế đó, tôi nhận thấy rằng cha mẹ cho con cái sự sống, thầy cô là người định hướng tương lai, hỗ trợ chắp cánh ước mơ cho mình là người cha, mẹ thứ hai.”, TS Lê Minh Thống, Phó trưởng khoa Kinh tế- Kinh doanh, Trường Đại học Mỏ - Địa chất chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ