Gửi tháng Tư nhiều màu sắc!
Tháng Tư mùa khô, chạy xe vào rẫy nhà mình. Rẫy là nơi từng in dấu chân tuổi thơ. Chính mảnh đất nơi đây đã nuôi dưỡng tâm hồn mình từ bé và là bối cảnh của nhiều truyện ngắn, tản văn và thơ mình viết.
Dưới chân vườn là sông Sêrêpôk. Nguồn nước dồi dào phục vụ tắm tưới cà phê mùa khô. Anh trai là ngư dân chèo thuyền nan, có thể giăng lưới, đánh cá để ăn, hoặc đem ra chợ bán. Rẫy và sông đã cho nhà mình sự sống, cho riêng mình ăm ắp đầy thơ mộng.
Buổi trưa ăn cơm ở rẫy. Ngồi ở hiên nhà. Vừa ăn vừa ngắm sông còn gì bằng. Nắng nhảy nhót qua tán cây, lá khô xào xạc rớt đầy sân mùa Hạ. Cánh đồng cỏ ven sông xanh mơn mởn theo lối gió thổi lên hiên nhà mát rượi.
Món “chụp xổm lôm” của người Thái đã lâu không làm. Giờ làm, ăn sao ngon quá. Mà lạ, chẳng hiểu sao ăn cơm ở rẫy kiểu gì cũng ngon. Nhiều khi thầm nghĩ, vài năm nữa nếu chán khói bụi thành thị thì về đây ở ẩn sống xanh. Viết văn lai láng luôn. Với mình! Đời như vậy biết đâu lại vui.
Xuất thân từ một đứa trẻ nông thôn, gia đình mình lại không có truyền thống nghề giáo. Khi 8 tuổi, mình đã phụ mẹ đi chợ, thổi cơm.
Ngoài mẹ ra, nhà không có phụ nữ, 7 anh em trai. Mình là út. Các công việc bếp núc, chợ búa, nhà cửa... mình “cân” cùng mẹ. Khoảng năm 1997, nhà mình bắt đầu “hạ” cà phê. Sáng, mình phải lục đục xách giỏ đi chợ.
Hồi đó còn nhớ, cá nục hấp 8 ngàn một kí, thịt heo ba rọi 14 ngàn một kí, bún tươi 2 ngàn rưỡi một kí. Mình mua nửa kí cá, nửa kí ba rọi, một kí bún, 5 trăm đồng rau sống thái rối. Một ngày chợ mất khoảng 10 mấy ngàn đồng là ăn thoải mái hồi đó, nấu cho khoảng chục người ăn.
Vài năm sau, cà phê hái bói, và rớt giá thảm hại. Ba mình phải mượn tiền Nhà nước để chi trả và đóng lãi hằng tháng. Cho đến tận bây giờ, hai mươi mấy năm, cây cà phê đã hết hạn sử dụng, trái nhỏ, năng suất thấp, nhà mình phải đốn đi và trồng lại vườn mới.
Mình không nghĩ sẽ theo nghề Sư phạm mà theo nghề Báo chí. Mơ ước của mình là trở thành một biên tập viên của Đài truyền hình. Tréo ngoe hồi đó nhà mình không đủ điều kiện cho mình thi và học Báo chí ở Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh bây giờ.
Nhưng mình rất nhanh trí chọn ngành Ngữ văn ở Trường Đại học Tây Nguyên, vì gần nhà, đỡ chi phí và ngành này có thể viết báo, viết văn, làm thơ, thậm chí có thể đi dạy được nữa. Nhưng mình chưa bao giờ nghĩ mình làm trong lĩnh vực giáo dục.
Khi tốt nghiệp, mình có tới 2 năm làm ở Nhà sách Fahasa, vì lúc đó mình thích đọc sách. Sau mình chán, nghỉ ngang làm tay buôn bên Chợ Lớn rồi rẽ ngang xuống Sài Gòn học thêm và dạy một trường quốc tế bên Bình Chánh bây giờ. Nhà mình lục đục, mình lại phải về, làm công ty gỗ, bán gỗ, thủ kho, đo đạc gỗ tại phòng kế toán. Ngoài ra, mình còn viết văn, làm thơ kiếm sống qua ngày.
Cực chẳng đã, đời cứ trôi nổi buông xuôi, trời xui đất khiến thế nào mình lại... có duyên công tác với một ngôi trường ngay phố núi, gần nhà mình.
Đáng yêu nhất là có phụ huynh làm cùng công ty gỗ, có con học ở trường mình đang công tác. Thấy mình lảng vảng ở sân trường, bèn lân la tới hỏi:
“Ủa, em có con hay cháu học trong này hả?”.
“Dạ không, em học Sư phạm và công tác trong trường đó chị” - Mình tủm tỉm đáp.
“Trời, thế bữa giờ ở công ty cũ, chị cứ tưởng em học kế toán chứ, thấy làm ở phòng kế toán mà” - Chị ấy nói mà không giấu được sự ngạc nhiên.
Làm trong môi trường giáo dục nhiều năm, mình có những phụ huynh, học sinh khá thân thiết. Nhiều năm trôi qua, với bao biến động đời sống nhưng mình luôn sống có trách nhiệm.
Đôi khi, vài học sinh cá biệt không ưa mình, nhưng khi ra trường, chúng va vấp với đời, sự trưởng thành va chạm đã cho chúng một bài học. Chúng đã thức tỉnh và gọi điện cho mình… nức nở.
Cảm ơn những phụ huynh và các em học sinh luôn đồng hành với mình. Thỉnh thoảng, mình vẫn nhận được tin nhắn của phụ huynh bởi sự tin cậy và cảm mến. Với mình, nghề giáo như vậy là hạnh phúc.
Trải qua nhiều công việc trong cuộc sống, mình thấy, mình là người may mắn. Được làm việc ở nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người đã cho mình ít nhiều kinh nghiệm và vốn sống dồi dào, phong phú.
Gởi tháng Tư nhiều màu sắc. Tháng Tư dĩ vãng. Tháng Tư hiện tại và tháng Tư đang chầm chậm trôi qua!