Hãy dành tình yêu cao quý nhất cho nghề giáo

GD&TĐ - Đó là nhắn nhủ của GS.TS Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tại Lễ trao bằng tốt nghiệp cho 54 tiến sĩ và 862 thạc sĩ.

GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội (thứ 7 từ trái qua phải) và PGS.TS Nguyễn Đức Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội (thứ 7 từ phải qua trái) trao bằng tiến sĩ cho các học viên.
GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội (thứ 7 từ trái qua phải) và PGS.TS Nguyễn Đức Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội (thứ 7 từ phải qua trái) trao bằng tiến sĩ cho các học viên.

Học tập, nghiên cứu để làm giàu tri thức, để tạo dựng cách thức làm việc hiệu quả là không có điểm cuối cùng, nhất là trong thời kỳ công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay.

GS.TS Nguyễn Văn Minh.

Sự kiện diễn ra ngày 24/3, tại Hà Nội. Gửi lời chúc mừng đến các tân tiến sỹ, thạc sỹ, GS.TS Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội – bày tỏ, kết quả này, ngoài sự nỗ lực của mỗi cá nhân học viên, còn là tình cảm, sức lực và trí tuệ của thầy cô đã dành cho các bạn. Đó còn là sự đồng hành của những người đi trước luôn mong mỏi thế hệ sau tiến xa hơn mình.

GS.TS Nguyễn Văn Minh chia sẻ, trong số các học viên nhận bằng hôm nay, rất nhiều bạn đã vượt qua nghịch cảnh, vượt qua khoảng cách địa lý, vượt qua những thiếu thốn và có cả những mất mát để đạt được mong muốn của mình.

Theo Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, đối với các bạn, điều quan trọng là các bạn đã có một nền tảng nhưng quan trọng hơn là các bạn lan tỏa nền tảng tốt đẹp đó đến với người học, đến với đồng nghiệp, đến với xã hội bằng việc làm cụ thể và đó chính là sự thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội.

Đó cũng là hành động thiết thực để chung tay phát triển đất nước thân yêu của chúng ta. Các bạn đã tạo dựng cho mình một nhãn quan, biết nhìn xa, trông rộng nhưng cũng biết nhìn gần và thấu hiểu với bà con.

PGS.TS Nguyễn Đức Sơn trao bằng thạc sỹ cho các học viên.

PGS.TS Nguyễn Đức Sơn trao bằng thạc sỹ cho các học viên.

“Tôi mong rằng, các bạn sẽ là những người luôn tôn trọng sự thật, tôn trọng cái đúng và tiến bộ; do đó cần bản lĩnh. Khi biết tôn trọng quyền năng đó thì mới đóng góp vô tư và cảm nhận được hạnh phúc. Hiểu biết hơn để tạo ra sự tăng tốc, chứ không phải tạo ra lực cản”- GS.TS Nguyễn Văn Minh chia sẻ.

Nhắn nhủ với các tân tiến sỹ, thạc sỹ, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội bày tỏ, hãy làm việc và cống hiến vì sự chân chính, chứ không phải vì sự tâng bốc, khoe khoang. Không phải lúc nào chúng ta cũng dễ dàng bảo vệ cái đúng, cái tiến bộ, nhưng hãy bền chí.

Tiến bộ thường là cái mới. Do đó, chắc chắn sẽ gặp cản trở. Chính vậy, cần có bản lĩnh, cần bền bỉ và kiên trì. Nếu chỉ một mình biết đúng, biết tiến bộ mà đồng nghiệp, người xung quanh chưa nhận thức đầy đủ thì không thể làm gì được. Chính thế cần giải thích, thuyết phục để có sự đồng lòng trong hành động của nhiều người.

Toàn cảnh buổi lễ.

Toàn cảnh buổi lễ.

Các bạn cũng nhớ rằng, khoan dung có sức mạnh diệu kỳ, có khi nó mạnh hơn cả những kỷ luật khắt khe nhất, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục. Biết mà làm sai thì đáng trách, không biết mà làm sai thì điều đáng buồn.

Các bạn đã chọn nghề giáo, hãy dành tình yêu quý cao nhất cho nghề và chỉ có bạn mới tự sắp xếp được công việc ưu tiên của mình và làm việc gì nhiều hơn.

Tất nhiên, trong mọi hoàn cảnh, chúng ta có quyền tự hào về nghề của mình. Vì rằng, giáo dục không chỉ tác động đến trẻ ở thời điểm hiện tại mà còn đến cả tương lai của các em.

Một đứa trẻ lớn khôn, tiến bộ hơn, lễ phép hơn, trung thực hơn và biết thương yêu cha mẹ, ông bà hơn; trưởng thành trở thành người tử tế, đó là hạnh phúc của chúng ta. Hạnh phúc này không tiền bạc nào mua được.

Các bạn luôn nhớ rằng, công nghệ mãi mãi là công cụ, làm chủ công nghệ, ứng dụng nó trong công việc để giáo dục, phát triển con người là điều phải quan tâm, nhất là hiện nay.

Các tân thạc sỹ, tiến sỹ trong lễ trao bằng tốt nghiệp.

Các tân thạc sỹ, tiến sỹ trong lễ trao bằng tốt nghiệp.

GS.TS Nguyễn Văn Minh lưu ý, tấm bằng các bạn nhận hôm nay là cao quý, là giá trị nhưng bản thân tấm bằng không tiếp tục tạo ra giá trị, tạo nên ý nghĩa, mà chỉ chủ nhân của nó với những gì đã có để hành động mới có thể tạo ra những điều tốt đẹp.

"Những gì các bạn có đến nay không bao giờ là đủ. Đây chỉ là sự đánh dấu cho một chặng đường tiếp theo. Ai đó coi thời gian tới là sự nghỉ ngơi trong đầu óc thì chính người đó sẽ tạo ra khoảng trống trong hiểu biết của mình.

Mong các bạn luôn nhớ, nghĩ bất cứ điều gì, làm bất cứ điều gì cũng trong sự biết ơn, trong tình yêu thương thì việc làm luôn chân chính”- GS.TS Nguyễn Văn Minh nhắn gửi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Ứng xử nơi tôn nghiêm

GD&TĐ - Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam vừa mới khai trương đã thu hút sự chú ý của nhiều người.