Từng dẫn dắt nhiều học sinh tham gia sân chơi trí tuệ ở trong nước và quốc tế, đạt thành tích cao, mang về vinh quang cho nhà trường, thầy Lê Công Long nói rằng, thành công trong giáo dục trước hết nhờ học trò giỏi, có nền tảng kiến thức vững chắc và niềm đam mê...
17 năm trồng người ở miền đất lửa
Sinh ra và lớn lên ở huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa, nhưng thầy giáo Lê Công Long (SN 1982, hiện là giáo viên Trường THPT thị xã Quảng Trị) lại “bén duyên” và gắn bó với mảnh đất Quảng Trị.
Vào năm 2005, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Huế, thầy Lê Công Long được tuyển dụng và công tác tại Trường cấp 2 - 3 Tân Lâm (nay là Trường THPT Tân Lâm, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị). Những năm đầu về trường công tác, thầy Long được bố trí ở nội trú để thuận tiện cho việc dạy học.
Thầy Long cho biết: “So với nhiều trường học ở miền núi, Trường THPT Tân Lâm đóng ở địa bàn thuận lợi hơn, nhưng điều kiện cơ sở vật chất vẫn còn nhiều khó khăn. Hầu hết, học sinh theo học tại trường là con em của bà con nông dân, công nhân khai thác đá nên điều kiện kinh tế khó khăn. Hơn nữa, chất lượng học sinh của trường có sự chênh lệch khá lớn so với vùng trung tâm”.
8 năm tham gia giảng dạy ở Trường THPT Tân Lâm là khoảng thời gian đáng nhớ đối với thầy Long. Dù gia đình ở xa, cuối tuần thầy Long mới được về thăm vợ con, nhưng bằng trách nhiệm của một giáo viên, thầy đã vượt qua mọi khó khăn, trở ngại để cống hiến sức trẻ, tâm huyết dạy chữ cho học sinh.
Đến năm 2013, thầy Long chính thức chuyển về giảng dạy bộ môn Vật lý tại Trường THPT thị xã Quảng Trị. Đây là một ngôi trường có bề dày truyền thống, với nhiều thế hệ thầy cô, học sinh đã thành đạt trong công việc lẫn cuộc sống. Đó là niềm vinh dự nhưng cũng là thử thách lớn đối với những giáo viên trẻ như thầy Long.
Với kinh nghiệm nhiều năm dạy học, thầy Long đã phát huy tinh thần trách nhiệm, nỗ lực cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đặc biệt, trong giai đoạn này, Ban giám hiệu Trường THPT thị xã Quảng Trị đang chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn, đòi hỏi các cán bộ, giáo viên tâm huyết với nghề, tích cực đổi mới phương pháp dạy học. Đây cũng chính là cơ hội để những giáo viên trẻ như thầy Long phát huy kinh nghiệm, năng lực của bản thân nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy.
Thầy Long cũng tích cực đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy với nhiều sáng kiến nổi bật trong dạy học. |
Dìu dắt học sinh bước lên đỉnh cao
Thầy Lê Công Long nói rằng, thành công trong giáo dục trước hết nhờ học trò giỏi, có nền tảng kiến thức tốt và niềm đam mê, sau mới kể đến sự dạy dỗ của thầy, cô. Người giáo viên với tư duy sáng tạo của mình, cùng những kỹ năng, phương pháp giảng dạy phù hợp sẽ chắp cánh cho học sinh đạt được mục đích trong học tập, hoàn thành ước mơ.
Xác định việc giảng dạy lấy học trò làm trung tâm, thầy Lê Công Long đã chú trọng phát hiện những học sinh ưu tú để bồi dưỡng, giúp các em đạt được kết quả cao trong học tập.
Năm 2013, khi mới chuyển về Trường THPT thị xã Quảng Trị, thầy Lê Công Long đã nhận được sự tín nhiệm từ Ban giám hiệu nhà trường phân công phụ trách chương trình “Chinh phục đỉnh cao”, nhằm tuyển chọn, bồi dưỡng những học sinh xuất sắc cho chương trình “Đường lên đỉnh Olympia”.
“Khi nhận trọng trách, tôi luôn nghĩ sẽ cố gắng tìm tòi các giải pháp tốt nhất làm sao để tạo được một sân chơi thực sự trí tuệ cho các em học sinh, đồng thời tổ chức sao cho hiệu quả nhất”, thầy Long chia sẻ.
Theo thầy Lê Công Long, để có được học sinh ưu tú nhất tham dự “Đường lên đỉnh Olympia” hay bất cứ các cuộc thi ở mọi cấp độ, BGH Trường THPT thị xã Quảng Trị đều rất tâm huyết, vạch ra chiến lược và phân công nhân sự một cách khoa học, đúng việc, đúng người.
Đặc biệt là luôn có thầy cô phụ trách, đồng hành cùng các em học sinh trong các sân chơi tri thức. Những thành tích vượt bậc của học sinh Trường THPT thị xã Quảng Trị ở đấu trường Olympia không tự nhiên đến mà phải trải qua quá trình tuyển chọn, ôn luyện kỹ càng từ công sức của cả thầy và trò.
Năm 2015 trở thành dấu mốc quan trọng đối với nhà trường khi lần đầu tiên em Văn Viết Đức, học sinh của Trường THPT thị xã Quảng Trị lọt vào chung kết “Đường lên đỉnh Olympia” và đạt Quán quân. Tiếp đó, em Lê Thanh Tân Nhật cũng đạt Á quân năm 2018, em Văn Ngọc Tuấn Kiệt cũng lọt vào chung kết và về thứ tư trong cuộc thi này.
Chia sẻ về 3 học sinh ưu tú mang về niềm vinh dự cho Trường THPT thị xã Quảng Trị, thầy Lê Công Long cảm thấy tự hào. Cả 3 học sinh này đều có niềm đam mê, kiến thức sâu rộng và toàn diện ở mọi lĩnh vực. Cùng với đó là sự thông minh, tinh thần thi đấu bản lĩnh. Không chỉ là học sinh xuất sắc, các em còn chăm ngoan, lễ phép và là những người con tuyệt vời của gia đình.
Cùng với cuộc thi “Chinh phục đỉnh cao”, thầy Long cũng được giao phụ trách học sinh nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Cuộc thi này cũng trải qua quá trình tuyển chọn gắt gao, những dự án được chọn dự thi phải hoàn chỉnh về mặt hình thức, tập trung trí tuệ của học sinh lẫn thầy, cô hướng dẫn.
Nhiều năm liên tục từ 2016 - 2022, thầy Long tham gia hướng dẫn, bồi dưỡng học sinh thực hiện các dự án nghiên cứu khoa học kỹ thuật có chất lượng và đạt giải cao. Thành tích cao nhất là Dự án “Cánh tay robot cho người khuyết tật” của em Phạm Huy đạt giải Nhất tỉnh, Nhất quốc gia lĩnh vực robot và máy thông minh, đạt giải Ba quốc tế tại Hoa Kỳ năm 2017.
Khơi dậy niềm đam mê sáng tạo
Theo thầy Lê Công Long, cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” hay cuộc thi Khoa học kỹ thuật là sân chơi trí tuệ bổ ích cho các em học sinh bậc trung học phổ thông. Thông qua những cuộc thi này nhằm phát huy khả năng, năng lực của học sinh. Đặc biệt, với cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia đòi hỏi học sinh có kiến thức tổng hợp cao.
“Đây là những sân chơi thể hiện năng lực của học sinh, vừa học vừa nghiên cứu, phù hợp chương trình giáo dục phổ thông mới. Với cuộc thi Khoa học kỹ thuật sử dụng kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Chính vì vậy, đây là sân chơi phù hợp với học sinh có năng lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, thầy cô cần đổi mới phương pháp dạy học, vì học tập hiện nay phải thoát khỏi 4 bức tường, kéo các em ra gần với cuộc sống, gần với thực tế, đồng thời khơi dậy niềm đam mê đối với học sinh”, thầy Long chia sẻ.
Không những giữ vai trò trong việc tuyển chọn, bồi dưỡng học sinh tham dự những cuộc thi trí tuệ, mà trong công tác chuyên môn, thầy Long có nhiều năm tham gia tốt các cuộc thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên ứng dụng CNTT trong dạy học đạt kết quả cao. Nổi bật như, thầy đạt giáo viên dạy ứng dụng CNTT giỏi cấp tỉnh năm học 2011 - 2012. Thầy Long cũng tích cực đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy với nhiều sáng kiến nổi bật trong dạy học.
Gần 2 thập kỷ gắn bó với giáo dục Quảng Trị, thầy Long chia sẻ, Quảng Trị là địa phương còn nhiều khó khăn so với nhiều tỉnh khác. Điều kiện cơ sở vật chất phục vụ dạy học còn thiếu, thiên tai xảy ra thường xuyên nên vất vả. Thế nhưng, học sinh nơi đây có truyền thống hiếu học, khát khao vươn lên.
“Từ nền tảng truyền thống hiếu học, ý chí vươn lên của học sinh, cùng với tinh thần cống hiến của thầy cô, các thế hệ lãnh đạo tâm huyết nên chất lượng giáo dục của địa phương ngày càng được cải thiện, nâng cao. Ngày càng có nhiều học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, các sân chơi trí tuệ ở trong nước và quốc tế. Tôi mong muốn có thêm nhiều sân chơi để học sinh phát huy năng lực học tập của bản thân”, thầy Long tâm sự.
Với những cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, nhiều năm liền thầy giáo Lê Công Long được nhận giấy khen từ Sở GD&ĐT, Bằng khen của UBND tỉnh về thành tích trong bồi dưỡng học sinh giỏi tại cuộc thi KHKT năm 2016 - 2017, năm 2019 - 2020, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, cùng nhiều danh hiệu, phần thưởng khác...