Yêu thương khoả lấp khó khăn
Từ một xã đặc biệt khó khăn, đến nay Bản Sen đã thực sự “thay da đổi thịt” nhờ những bàn tay cần cù lao động và ý chí, quyết tâm kiên cường bám đảo của quân và dân nơi đây. Năm 2018, Bản Sen đã hoàn thành các tiêu chí để về đích nông thôn mới.
Khi Trà Bản (tên gọi khác của xã Bản Sen) về đích nông thôn mới thì mức thu nhập bình quân của người dân tăng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống nên chế độ bán trú cho học sinh bị cắt giảm. Chế độ phụ cấp đứng lớp, khu vực... của giáo viên cũng giảm.
Giáo viên tại Trường Tiểu học và THCS Bản Sen đa phần “đi nghĩa vụ” ngoài đảo. Đời sống của giáo viên xã đảo từ trước đến nay đều trông chờ vào đồng lương. Nhưng khi lương bị cắt, bị truy thu, nhiều thầy cô phải bươn trải, xoay xở vượt khó. Bên cạnh đó, cắt chế độ xã đảo khó khăn, học sinh không được hỗ trợ tiền ăn bán trú. Cũng từ đó, nhà ăn bán trú của Trường Tiểu học và THCS Bản Sen đóng cửa.
Cô Nguyễn Thị Nguyệt, giáo viên nhà trường chia sẻ: Trước khi lên nông thôn mới, con đường gập ghềnh toàn ổ trâu, ổ gà; đường vừa dốc, vừa sỏi đá. Hơn 2 năm trở lại đây, con đường về cơ bản được bê tông hóa, trường lớp được tu sửa. Nhưng xã đạt nông thôn mới, lập tức mọi chính sách hỗ trợ cho thầy trò không còn. Thậm chí nhiều giáo viên còn bị truy thu lại số tiền lương đã hưởng từ năm 2019. Có giáo viên phải nộp trên 30 triệu đồng, thậm chí gần 80 triệu đồng. Khó khăn chồng chất, nhiều cô không có khả năng trả lại.
Nghề sông nước lênh đênh, nhiều phụ huynh không đủ điều kiện đóng tiền cho con ăn tại trường thì nhờ người đưa đón hoặc để con đi bộ về nhà tự túc. Cũng không ít phụ huynh phó mặc cho nhà trường, sáng họ chở con đi, chiều tối mới đón. Bữa trưa, cha mẹ mặc định với 10 nghìn đồng, con “thích ăn gì thì ăn, ngủ hay chơi tuỳ ý”.
Cô Phạm Thị Nghệ - Phó Hiệu trưởng nhà trường tâm tư: Học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày. Trung bình nhà học trò cách trường 2 - 3km, nhưng có nhiều em ở khu Điền Sá, Đồng Gianh cách trường tới 7km. Phụ huynh không có điều kiện sát sao việc học hành của con, vì thế một số em đi học cùng bác xe ôm, thậm chí nhiều con phải “cuốc bộ” tới trường. Buổi trưa, các em ở lại trường. Cơm quán bữa đói, bữa no. Nhiều khi thầy cô trong khu tập thể thấy thương cảm nấu cơm gọi trò vào ăn. Có những trò ăn cơm thầy cô thành quen, các con ăn hết nhà cô này đến nhà cô khác.
Học sinh Trường Tiểu học và THCS Bản Sen trong giờ học. |
Cùng trò vượt khó
Cô Vũ Thuý Hảo - giáo viên nhà trường chia sẻ: Dẫu nhọc nhằn nhưng các thầy cô vẫn hết mình với công việc, luôn yêu nghề và mến thương học trò. Không chỉ tận tình với trò trên bục giảng, thầy cô còn thay bố mẹ các em làm “bảo mẫu” trông trưa.
Trong số những học sinh khó khăn, Xíu A Tiến (lớp 1) thường xuyên phải ở lại trường buổi trưa mà không có tiền ăn. Cô Nguyễn Thị Bích Luyến luôn đưa em đến nhà cơm. Nhiều lần thấy Tiến ngại ngùng, cô lại cho em tiền ra quán ăn tạm. Cô Nguyệt thương trò cũng hay tặng quần áo cho em.
Không riêng Tiến, rất nhiều học sinh Bản Sen ở lại trường buổi trưa. Sau bữa ăn, các em thường lang thang chơi tại trường. Nhiều khi học sinh còn rủ nhau ra khu vực sát mép bờ biển hay lên rừng chơi. Thầy cô lo lắng, bỏ cả giấc ngủ trưa, đội nắng đi tìm trò. Thời điểm dạy và học online, nhiều phụ huynh học sinh không có điện thoại thông minh, đường truyền mạng cũng không có. Nhiều em không thể tiếp cận được việc học, thầy cô lại xoay xở đủ cách để mang bài về nhà cho trò.
Cô Nguyệt nhớ lại: Đi học vào những ngày hè oi bức, nhiều em hay ngủ gật. Khi cô hỏi: Sao con mệt mỏi vậy? Nghe trò nói: “Mẹ con dậy lúc 4 giờ 30 phút sáng, con cũng dậy theo vì nóng không ngủ được, do cả nhà chỉ có một chiếc quạt điện. Do vậy, khi lên lớp con hay ngủ gật vì thiếu ngủ”.
Quá trình dạy học, các cô giáo thường xuyên đến nhà học sinh để nắm bắt thông tin và chia sẻ những vất vả, thiếu thốn với gia đình các em. Nhiều ngôi nhà dột nát, nhà lợp fibro xi măng mốc meo, cũ kĩ; thậm chí có nhà vỡ mái nhìn thấy trời, mỗi khi mưa gia đình thường lấy chậu để hứng nước….
Đời sống khó khăn nên nguy cơ học sinh bỏ học rất cao. Nhiều thầy cô không đủ điều kiện duy trì cuộc sống để dành tâm huyết cống hiến. Vì thế, chính sách thu hút cho giáo viên và hỗ trợ người dân xã đảo cần được các cấp xem xét một cách thỏa đáng để thầy cô yên tâm công tác, nhân dân có điều kiện cho con em đến trường.
Bản Sen về đích nông thôn mới từ năm 2018. Diện mạo xã đảo có phần đổi thay, hệ thống giao thông, hạ tầng được đầu tư, cải tạo. Nhờ đó, học sinh đến trường thuận lợi hơn, cô trò không còn vất vả trong việc đi lại. Nhưng khi xã đạt chuẩn nông thôn mới, theo quy định các khoản phụ cấp của giáo viên, học sinh bị cắt giảm nên cô trò gặp nhiều khó khăn. - Cô NGUYỄN THỊ GIANG HẬU (Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Bản Sen)