Tiếp nối sự nghiệp trồng người của thế hệ đi trước, TS. Nguyễn Tường Huy đang ngày đêm trao truyền năng lượng tích cực tới các thế hệ học trò và những người có hoàn cảnh khó khăn.
Từ cậu học trò được truyền lửa
Nguyễn Tường Huy sinh ra và lớn lên trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Sơn Công, huyện Ứng Hoà, thành phố Hà Nội. Mặc cảm với hoàn cảnh đặc biệt của mình, cậu học trò Tường Huy có tính cách nhút nhát, tự ti, ít giao tiếp với bạn bè. Lấy việc học làm niềm vui, cậu học trò này luôn nằm trong nhóm học sinh khá giỏi của lớp.
Năm học 1984-1985, khi Tường Huy học lớp 7, thầy giáo Ngô Mạnh Cường được phân công làm giáo viên chủ nhiệm và giảng dạy môn Toán của lớp. Là một giáo viên trẻ, thầy Cường đã tìm hiểu hoàn cảnh và chủ động gần gũi với học trò.
“Thầy Cường sống ở làng Chùa còn tôi ở làng Sóc, cách nhau khoảng 2 km. Thầy Cường thường đạp xe xuống nhà thăm hỏi, tìm hiểu hoàn cảnh gia đình và động viên tôi. Sự quan tâm của thầy giáo chủ nhiệm khiến mẹ con tôi rất cảm động và phấn khởi”, thầy Huy chia sẻ.
Không chỉ động viên, khích lệ học trò vượt qua trở ngại về hoàn cảnh, thầy Cường còn âm thầm quan sát, tìm ra những ưu điểm và khích lệ học trò phát huy năng lực cá nhân để tự tin hơn. Thầy Cường đã giao Huy sáng tác và dàn dựng những vở kịch cho lớp nhân ngày 15/5, 26/3, ngày 20/11... Những vở kịch hồn nhiên, trong sáng xoay quanh chủ đề học trò được Huy cùng bạn bè tự tin biểu diễn trên sân khấu nhà trường.
Không chỉ vậy, nhận thấy học trò có khiếu làm thủ công, thầy Cường đã động viên Huy làm những sản phẩm trang trí để tham gia các cuộc thi ở trường hoặc đem bán tại các phiên chợ quê, chợ Tết.
Sự quan tâm, động viên và giúp đỡ của thầy giáo chủ nhiệm lớp đã giúp Huy từng bước mở lòng và học tập tốt hơn. Bằng nguồn năng lượng tích cực, thầy Cường đã từng bước phát huy được năng lực của học trò.
Tại vùng quê thuần nông Sơn Công khi ấy, đa số học trò là con nhà nghèo. Trong trí nhớ của thầy Huy, thầy Cường luôn quan tâm, động viên, chia sẻ tình thương yêu với tất cả các bạn trong lớp. Với cách tiếp cận gần gũi, cởi mở, thầy Cường đã truyền được năng lượng tích cực đến các thế hệ học trò để họ nỗ lực vượt qua khó khăn, trở thành những công dân có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.
“Mỗi lần gặp mặt, tôi và các bạn học cùng cấp 2 khi ấy đều cảm thấy bùi ngùi, xúc động về thời học trò của mình. Thầy Cường đã truyền cho chúng tôi nhiều cảm hứng và để lại nhiều kỉ niệm sâu sắc.”, TS. Nguyễn Tường Huy bày tỏ.
Đến người thắp lửa cho thế hệ sau
Sau khi tốt nghiệp THPT, thầy Huy trở thành sinh viên khoa Địa lý, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Trên hành trình mới, thầy Cường vẫn luôn quan tâm, chia sẻ, động viên học trò phấn đấu vượt qua khó khăn. Trong thời gian là sinh viên, thầy Huy đã phải đi làm thêm nghề mộc để có thu nhập trang trải cho học tập và sinh hoạt. Mặc dù phải đi làm thêm, thầy Huy luôn tận dụng tối đa thời gian cho việc học. Với thành tích học tập tốt, thầy Huy đã được nhà trường cấp học bổng trong suốt 4 năm học đại học.
Sau khi tốt nghiệp đại học loại giỏi, thầy Huy được Trường ĐH Sư phạm Hà Nội giữ lại làm giảng viên tại Khoa Địa lý. Trải qua quá trình 25 công tác tại cơ sở đào tạo giáo viên uy tín hàng đầu của cả nước, thầy Huy đã không ngừng rèn luyện, học tập và nghiên cứu để đảm trách vai trò của một giảng viên tại Bộ môn Địa lý Kinh tế - Xã hội, khoa Địa lý.
Sau khi hoàn thành Chương trình Thạc sĩ Địa lí Kinh tế và Chính trị tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội (1999), thầy Huy đã tự học tiếng Anh để đủ điều kiện nhận học bổng Thạc sĩ Quản lý Phát triển Nông thôn của Chính phủ Hoàng gia Thái Lan (2002). Sau khi về nước và làm việc tại trường, thầy Huy lại được Chính phủ Việt Nam cấp học bổng để tiếp tục hành trình học tập tại trường Đại học Sydney, Australia, và nhận bằng Tiến sĩ chuyên ngành Địa lí Nhân văn vào năm 2013.
“Với cậu học trò nhút nhát năm nào thì hành trình mà tôi đã trải qua đẹp như một giấc mơ. Nhưng tôi hiểu rằng, bên cạnh sự nỗ lực không ngừng của bản thân, những gì tôi có hôm nay còn được vun đắp bằng sự tin tưởng và khích lệ từ thầy cô, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và những người tôi may mắn được gặp trong suốt những năm tháng đã qua. Tôi thấy cuộc đời này tươi đẹp vô cùng.”, TS. Nguyễn Tường Huy bày tỏ.
Trên bục giảng, thầy Huy luôn truyền cảm hứng cho học trò về một ngày mai tươi sáng, tốt đẹp hơn ngày hôm nay nếu chúng ta nỗ lực để vươn lên. Năng lượng vô tận cho những nỗ lực không ngừng nghỉ đó là sự thấu hiểu và yêu thương lẫn nhau. Là người rất nghiêm khắc nhưng thầy Huy lại rất độ lượng và bao dung với học trò. Khi học trò mắc lỗi, thay vì áp dụng ngay các hình thức xử lí theo quy định, thầy Huy luôn dành thời gian để tìm hiểu, để thấu hiểu, đồng cảm, chia sẻ và giúp đỡ học trò có hoàn cảnh đặc biệt vươn lên trong học tập và cuộc sống.
“Đối với sinh viên đại học, học làm người và phát triển năng lực tự học suốt đời là những bài học đặc biệt quan trọng, cần được nhấn mạnh xuyên suốt quá trình học tập bên cạnh việc trau dồi kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ. Do đó, để góp phần giúp học trò phát triển toàn diện, tôi luôn kết nối với họ bằng sự nêu gương, thấu hiểu, đồng cảm và chia sẻ. Tôi luôn nghiêm khắc nhưng tôi cũng luôn yêu thương, độ lượng và bao dung với học trò của mình.”, thầy Huy cho biết.
Trong nghiên cứu khoa học, từ rất sớm thầy Huy đã định hướng nghiên cứu về sinh kế của người dân ở vùng nông thôn, đặc biệt là vùng nông thôn ven biển Việt Nam. Trong quá trình nghiên cứu, thầy Huy may mắn có cơ hội tiếp cận những người có hoàn cảnh khó khăn và lắng nghe những câu chuyện, để đồng cảm và chia sẻ với họ. Từ những kết quả nghiên cứu của mình, thầy Huy đã đưa ra những gợi ý chính sách và kiến nghị giải pháp góp phần giúp người dân phát triển sinh kế và thoát nghèo.
Nhờ nghiên cứu khoa học, TS. Nguyễn Tường Huy đã đưa những ví dụ từ thực tiễn sinh động vào bài giảng của mình. Dù với sinh viên hay những người có hoàn cảnh khó khăn, thầy Huy luôn tâm niệm phải khơi gợi, lan tỏa và chuyển hoá niềm tin về tương lai tươi sáng, tốt đẹp hơn.
Nhớ lại quãng thời gian đi học, thầy Huy bùi ngùi chia sẻ: “Bên cạnh sự ủng hộ của người thân, tôi may mắn gặp được những người thầy, người cô tâm huyết, yêu thương và truyền cho học trò nguồn cảm hứng lớn lao. Trong thời gian học đại học, tôi cũng có cơ hội được làm việc và sinh hoạt với những bác thợ mộc chất phác và tốt bụng. Những nguồn năng lượng tích cực từ mọi người đã giúp tôi vượt khó để vươn lên, sống tử tế và sống hạnh phúc.”