Người thầy giáo, cán bộ Đoàn nhiệt huyết, tận tụy với nghề

GD&TĐ - Điều mà ThS. Nguyễn Ký Viễn, giảng viên Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng gửi gắm đến sinh viên là tri thức, vốn sống để các em làm hành trang vào đời.

Thầy giáo Nguyễn Ký Viễn - Phó trưởng Khoa Du lịch, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) trong tiết dạy.
Thầy giáo Nguyễn Ký Viễn - Phó trưởng Khoa Du lịch, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) trong tiết dạy.

Cơ duyên đến với nghề giáo

Thạc sĩ Nguyễn Ký Viễn (SN 1990) - Phó trưởng Khoa Du lịch, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) cho hay, bản thân từng hình dung tốt nghiệp ra trường sẽ theo đuổi nghề khách sạn bởi niềm đam mê về dịch vụ của mình.

Thầy Viễn cho rằng, trong 4 năm học, chính hình ảnh từ những người thầy, người cô tận tâm, tận tình chia sẻ, truyền đạt kiến thức và dẫn dắt các thế hệ sinh viên đã để lại trong thầy nhiều ấn tượng sâu sắc và tình cảm về nghề giáo, nghề truyền lửa. Để rồi, cái duyên của nghề giáo đến với thầy Viễn từ lúc nào chẳng hay.

Sau khi tốt nghiệp năm 2012, thầy Viễn nộp hồ sơ ứng tuyển vào trường với mong ước được trở thành giảng viên. Thời gian đầu, thầy Viễn được tham gia hỗ trợ các công tác Đoàn của Khoa, rồi bắt đầu học Cao học. Sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ, thầy Viễn trở về trường và đảm nhiệm giảng dạy một số môn học.

15 năm học tập và làm việc dưới mái trường Đại học Kinh tế, Thạc sĩ Nguyễn Ký Viễn nhận ra rằng, “khai phóng” là một trong những triết lý giáo dục nổi bật nhất của trường mà mình cảm nhận được chính là giáo dục nhằm tạo ra con người tự do - tư duy tự do - suy nghĩ tự do - lựa chọn tự do.

Thạc sĩ Nguyễn Ký Viễn - Phó trưởng Khoa Du lịch, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng).

Thạc sĩ Nguyễn Ký Viễn - Phó trưởng Khoa Du lịch, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng).

“Tại Trường Đại học Kinh tế, sinh viên được học tập trong môi trường giáo dục mà ở đó có thể giúp các bạn đặt một nền móng kiến thức vững chắc và đủ rộng để các bạn sau khi ra trường có thể tự do phát triển hướng nghề nghiệp mà mình lựa chọn.

Trong một môi trường giáo dục khai phóng, sinh viên không bị gò bó vào một lĩnh vực chuyên môn duy nhất, mà có thể được mở ra nhiều cơ hội tiếp cận với nhiều lĩnh vực khác nhau, giúp các bạn có thể thỏa sức khám phá những đam mê của bản thân trước khi bắt đầu khám phá thế giới. Cũng từ đó, các bạn sẽ nhạy bén hơn và có thể thích ứng tốt hơn với những gì đang thay đổi ngoài kia”, Thạc sĩ Nguyễn Ký Viễn chia sẻ.

Đối với thầy Viễn, điều mong muốn lớn nhất là truyền tải kiến thức cơ bản cho học sinh, còn lại là định hướng nghề nghiệp, rèn luyện cho các em trở thành những công dân tốt, người có ích cho gia đình và xã hội.

Nhưng có lẽ, điều mà thầy muốn gửi gắm lại cho các thế hệ học trò của mình không chỉ là tình cảm, lòng biết ơn, mà còn là tri thức, vốn sống để làm hành trang vào đời.

Gần 15 năm qua, từ một sinh viên cho đến khi là giảng viên của trường, thầy Viễn đã vận dụng và biến tiết học thành những buổi trao đổi, trò chuyện thẳng thắn giữa giảng viên và sinh viên. Những tiết học trở nên sôi động và lôi cuốn, giúp sinh viên tiếp thu bài tốt hơn.

Thạc sĩ Nguyễn Ký Viễn cùng các sinh viên của mình.

Thạc sĩ Nguyễn Ký Viễn cùng các sinh viên của mình.

“Mình từng được tiếp xúc với các bạn sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Mình hướng dẫn để bạn nộp hồ sơ xin học bổng hoàn cảnh khó khăn của trường, nhưng bạn sinh viên nói rằng em thấy nhà em vẫn còn ổn, và nhiều bạn sinh viên khác còn khó khăn hơn nên em không làm hồ sơ.

Hay trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, nhà trường đã có những chính sách hỗ trợ cho các bạn sinh viên tạm trú lại tại Đà Nẵng không thể về quê ở thời điểm đó được, một số bạn sinh viên thuộc diện khó khăn nhưng không đăng ký để được nhận hỗ trợ vì bạn thấy bản thân vẫn tự lo được, và nhường lại cho các bạn khác có hoàn cảnh khó khăn hơn. Đây chính là điều mình quý nhất ở sinh viên. Một thế hệ sinh viên vô cùng năng động, vô cùng sáng tạo, và có hoài bão lớn. Mình rất tự hào về các bạn sinh viên đó ở sự chính trực, sự bao dung và tinh thần cộng đồng.

Trong quá trình giảng dạy, mình may mắn khi được tiếp xúc với các bạn sinh viên đến từ nhiều khoa khác nhau, mỗi sinh viên có những bản sắc rất riêng của từng khoa, từ những hình thái nhỏ đó đã hình thành nên một bản sắc muôn màu của trường, giúp mình có những trải nghiệm thú vị về nghề hơn”, Thạc sĩ Nguyễn Ký Viễn tâm sự.

Một cán bộ Đoàn nhiệt huyết

Trong gần 15 năm qua, với vai trò là một giảng viên trẻ, một cán bộ Đoàn năng nổ, thầy Nguyễn Ký Viễn đã cùng với sinh viên tạo ra nhiều hoạt động phong trào Đoàn mang đậm dấu ấn.

"Nếu được lựa chọn lại, mình vẫn sẽ theo nghề giáo. Đôi khi nhìn thấy sự tiến bộ của các bạn sinh viên, hay đơn giản là sự hào hứng trong ánh mắt của các bạn ấy vào mỗi buổi học, và dõi theo những thành công mà họ đạt được là mình đã mãn nguyện và tự hào về nghề mà mình đã chọn”, Thạc sĩ Nguyễn Ký Viễn.

Thầy Viễn cho biết, ngoài công tác giảng dạy, thầy được tin tưởng giao phụ trách mảng hoạt động Liên chi đoàn. Đây là khoảng thời gian được đồng hành với các bạn sinh viên trong các hoạt động phong trào Đoàn, từ những hoạt động gây quỹ, những chuyến đi tình nguyện xa, đến những chương trình, cuộc thi do Liên chi đoàn tổ chức, bản thân thầy cũng học được ở các bạn sinh viên nhiều điều mới mẻ, và đặc biệt là cảm giác được trẻ lại đi rất nhiều.

Thầy Viễn cảm thấy may mắn và tự hào khi trở thành một thành viên của đại gia đình Khoa Du lịch, nơi mà có những người thầy, người cô vô cùng đáng kính, những người đồng nghiệp vô cùng dễ thương. Tất cả đều đồng lòng, hết mình vì sự phát triển chung của Khoa.

Thạc sĩ Nguyễn Ký Viễn luôn mang đến cho sinh viên sự mới mẻ trong những tiết học.

Thạc sĩ Nguyễn Ký Viễn luôn mang đến cho sinh viên sự mới mẻ trong những tiết học.

Thầy Viễn tâm sự: “Từ những đóng góp của mỗi cá nhân trong một tập thể đoàn kết, mình luôn tâm niệm làm sao bản thân có thể tiếp tục gìn giữ và phát huy những điều tốt đẹp của ngôi trường 48 năm tuổi này trong công việc. Cố gắng mỗi lần đến lớp sẽ mang đến những điều tích cực, gặt hái được sự hứng thú của các bạn sinh viên, và mang nó về như một động lực cho những tiết học tiếp theo”, thầy Viễn chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.