Song, khi được cô dạy môn Địa lý, ấn tượng trong tôi về cô có phần thay đổi. Cô dạy rất hay, rất khoa học khiến đám học sinh rất thích thú vì dễ dàng tiếp thu bài vở. Tôi hào hứng học tiếp, dần bớt đi ác cảm dành cho cô.
Nhưng, khả năng tiếp thu của tôi với một số môn học có hạn. Ngay tháng đầu tiên, kết quả học tập của tôi rất kém. Đang lo sợ ba mẹ mắng, tôi lại nhận lấy câu nói như mỉa mai của cô trước bao nhiêu ánh mắt. Lời cô nhẹ nhàng, nhưng tôi nghe cay đắng.
Cô bảo: “Mọi người trông gương Vân mà xem. Một học sinh giỏi mà giờ lại học kém thế này”. Tôi đứng lặng, khóc nghẹn trong sự xấu hổ, mong có ai đó an ủi, vỗ về.
Nhưng, chẳng có ai cả. Tôi nghĩ bụng, tất cả sự xấu hổ này đều là do cô Hà ban cho. Trong tâm trí tôi cứ vang mãi câu nói “Con ghét cô. Cô không đáng để học trò tôn trọng”.
Vì sự lầm lẫn nào đó, cô lại tưởng tôi là một học sinh giỏi từ năm trước. Mỗi lần tôi làm không tốt điều gì, cô lại dùng câu nói: “Sao năm nay con học kém thế, từng là học sinh giỏi mà”.
Mấy lần như vậy, tôi cố im lặng vì muốn giữ chặt phẫn nộ trong lòng. Nhưng “tức nước vỡ bờ”. Lần nọ, tôi nói lớn cho cô nghe: “Con chỉ là học sinh khá năm trước thôi. Cô đừng đem con lên cao rồi làm con té đau, xấu hổ lắm”. Cô giận tím ruột, dọa mời phụ huynh, cuối cùng lại thôi.
Cũng từ trường hợp của tôi, cô bắt đầu áp dụng chiến thuật mới. Cô dùng những lời lẽ ngọt ngào nhất khuyên lơn các học sinh yếu kém, trong đó có tôi.
Mỗi tháng, cô yêu cầu trích quỹ lớp ra phát thưởng khích lệ cho học sinh nào tiến bộ trong học tập. Cô căn cứ theo số phẩy để phát thưởng chứ không quan trọng thứ hạng của học trò.
Cứ thế, mỗi lần có sổ báo điểm về, lớp tôi lại náo nhiệt vì những hoạt động phát thưởng. Mặt đứa nào đứa nấy tươi như hoa. Đứa này thấy đứa kia có phần thưởng to, lại dặn lòng cố gắng tháng sau kết quả học tập phải tốt như vậy.
Nhờ đó, lớp tôi dần học tốt hơn, không còn học sinh yếu. Riêng tôi, bảng điểm tăng lên đáng kể. Niềm vui và động lực cô truyền cho làm tôi cảm thấy đầu óc minh mẫn, tiếp thu bài nhanh chóng. Mỗi ngày đến lớp, tôi lại hăng say học, hăng hái phát biểu ý kiến xây dựng bài.
Thấm thoắt kỳ thi tốt nghiệp cũng đến. Chúng tôi đối mặt với nỗi lo lắng vô hạn. Phần lo không biết mình có giữ được bình tĩnh để đối mặt với kỳ thi đầy cam go. Phần nuối tiếc khoảng thời gian vui vẻ bên cô chỉ còn ngắn ngủi. Những buổi học cuối cùng, được cô Hà quan tâm, động viên, tôi chỉ mong khoảnh khắc ấy có thể dừng lại. Cô đem đến cho chúng tôi một cảm giác vô cùng ấm áp, như thể một người mẹ hiền.
Bữa tiệc vui nào cũng có lúc tàn. Buổi học cuối cùng, tôi khóc sưng cả mắt, ôm chầm lấy cô bịn rịn không muốn xa. Cô đưa khăn giấy để tôi lau nước mắt, thế mà khóe mắt cô ươn ướt. Cô im lặng một lúc như để ngăn tiếng nấc nghẹn ngào, cô lại khuấy động lớp học, xua tan không khí ảm đạm của ngày chia xa.
Cả lớp được gọi đến trước chiếc bàn học được bày biện nào gà, vịt, trái cây, nhang đèn. Cô bảo đó là nghi thức cầu may cho kỳ thi của chúng tôi suôn sẻ.
Các học trò lần lượt đến trước bàn thắp nhang. Căn phòng nghi ngút khói. Mắt chúng tôi cay xè. Ai nấy đều cảm động bởi tấm lòng tận tụy, lo lắng cho học trò từ những điều nhỏ nhặt nhất của cô.
Chúng tôi lấy quà tặng cô làm kỷ niệm. Song, tất cả quà đều bị chối từ, mọi người đều buồn thắt ruột, thất vọng vì quà kỷ niệm mà cô lại không muốn nhận.
Cô bảo: “Đợi khi có kết quả thi tốt nghiệp, các con hãy tặng quà. Các con phải thi tốt, đứa nào cũng phải đỗ tốt nghiệp. Khi đó, quà của trò ấy cô nhận mới ý nghĩa”.
Chúng tôi càng quyết tâm cao độ cho kỳ thi. Và năm ấy, cả lớp đều tốt nghiệp, 2/3 trong số đó vào được trường trung học phổ thông danh tiếng.
Tôi cũng trúng tuyển vào hệ công lập của Trường Nguyễn Du, quận 10 với số điểm rất cao. Ngày học trò về trường báo tin cho cô, nụ cười trên môi cô tỏa nắng như bình minh. Cô đồng ý nhận tấm lòng của các học trò. Chiếc thiệp tôi tự làm đã được trao đúng chủ là cô giáo đáng kính.
Mới đó mà đã hơn một thập kỷ trôi qua. Tôi giờ đã có gia đình riêng và vì những bận rộn không tên mà tôi chưa một lần đặt chân về trường cũ, gặp lại cô. Cô bây giờ cũng đã có tuổi, tóc điểm thêm rất nhiều sợi bạc, nhưng hình ảnh đẹp đẽ của cô mãi vẹn nguyên trong ký ức tôi.
Cô đã biến tôi từ đứa yếu kém hay tự ti trở nên tin tưởng vào sự phấn đấu của bản thân. Cô dạy cho tôi biết: Chỉ cần bền chí, mọi khó khăn nào cũng sẽ vượt qua.
Và tôi luôn vin vào đó mà cố gắng sống tốt, vươn lên trong mọi nghịch cảnh. Đến nay, mái ấm nhỏ của tôi luôn rộn rã tiếng cười. Cuộc sống của tôi thay đổi từ khi gặp cô Hà – người lái đò thầm lặng của đời tôi.