Người thầy định hình giáo dục thế kỷ 20

GD&TĐ - Nổi tiếng với tác phẩm 'Bài ca sư phạm', ông Anton Makarenko, người Ukraine, được coi là bậc thầy giáo dục học sinh cá biệt.

Đài tưởng niệm nhà giáo dục Makarenko tại thành phố Kremenchuk, Ukraine.
Đài tưởng niệm nhà giáo dục Makarenko tại thành phố Kremenchuk, Ukraine.

Nổi tiếng với tác phẩm “Bài ca sư phạm”, ông Anton Makarenko, người Ukraine, được coi là bậc thầy giáo dục học sinh cá biệt. Phương pháp sư phạm của ông được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng cho đến ngày nay.

Đối phó với trẻ phạm tội

Chân dung nhà giáo dục Anton Makarenko.

Chân dung nhà giáo dục Anton Makarenko.

Sinh năm 1888 tại Ukraine, Anton Semyonovitch Makarenko lớn lên trong một gia đình thuộc tầng lớp lao động và được học hành đầy đủ. Năm 1904, ở tuổi 16, ông được nhận vào học dự bị chương trình đào tạo giáo viên tại thành phố Kremenchug. Chỉ một năm sau, ông trở thành giáo viên và được phân công về công tác tại quê nhà Kruikov.

Năm 1920, ông được chính quyền giao đảm nhận vị trí Giám đốc quản lý Poltava, trại tập trung dành cho thanh niên vô gia cư và phạm pháp. Sau đó, Makarenko đổi tên trại thành Trại Gorky vì ông vốn say mê các tác phẩm văn học của nhà văn Maxim Gorky.

Trại Gorky hoạt động trong một khu đất nông nghiệp cũ với những tòa nhà bỏ hoang, xuống cấp và những khu vườn um tùm cây dại. Vì thiếu điều kiện tài chính, nhân lực mỏng, Trại Gorky gặp nhiều hạn chế trong quá trình vận hành.

Tuy nhiên, điều khó khăn nhất là những thanh, thiếu niên trong trại đều có tiền án nghiêm trọng. Từ đầu, Makarenko đã kêu gọi thanh niên tham gia làm vườn, trồng cây, nuôi gia súc, gia cầm để tự trang trải sinh hoạt trong điều kiện thiếu thốn. Tuy nhiên, những người trẻ không muốn làm công việc này, họ chỉ muốn hưởng thụ thành quả hoặc ăn trộm. Chúng dành hầu hết thời gian trong ngày cho việc chơi bời hoặc đánh nhau.

Bất chấp những khó khăn, vất vả, Makarenko kiên trì đối phó với thử thách và xây dựng phương pháp giáo dục dành riêng cho những thành phần khó trị. Sau nhiều nỗ lực, Trại Gorky cũng đạt được một số bước tiến nhất định. Những đứa trẻ dần tham gia vào công việc sản xuất, học tập và giải trí có tổ chức.

Họ học cách trồng trọt với một người nông dân địa phương, mở xưởng thủ công và học cách may vá, làm nghề mộc... Sau một thời gian, Trại Gorky có thể tự đáp ứng nguồn cung lương thực, thậm chí, có thể bán nông sản ra bên ngoài.

Với số tiền kiếm được, từ nhân viên đến thanh niên cùng xắn tay dọn dẹp phòng ốc, trang hoàng các tòa nhà. Từ cổng vào, mọi người trồng những luống hoa dẫn đến các khu hiệu bộ, phòng học, phòng sinh hoạt.

Ở đây bắt đầu có phòng âm nhạc, phòng thư viện. Mỗi tối, những đứa trẻ ngồi thành vòng tròn xung quanh Makarenko và chăm chú nghe thầy đọc các tác phẩm của Maxim Gorky.

Trại Gorky có quy định tổ chức riêng. Thanh thiếu niên được chia thành các nhóm từ 10 đến 12 người. Mỗi nhóm cử ra một người đứng đầu, gọi là chỉ huy. Chỉ huy các nhóm sẽ thành lập một hội đồng đưa ra quyết định về các vấn đề quan trọng.

Dù Makarenko là Giám đốc của trại, ông vẫn tổ chức họp, lắng nghe ý kiến của các chỉ huy và tất cả cùng thống nhất đưa ra quyết định cuối cùng. Thông qua hệ thống này, những đứa trẻ hiểu được cách vận hành của một tổ chức và nâng cao ý thức, trách nhiệm với các vấn đề chung.

Bậc thầy giáo dục học sinh cá biệt

Thầy Makarenko được UNESCO bình chọn là một trong 4 nhà giáo quyết định tư duy sư phạm của thế giới trong thế kỷ 20.

Thầy Makarenko được UNESCO bình chọn là một trong 4 nhà giáo quyết định tư duy sư phạm của thế giới trong thế kỷ 20.

Thành công của Trại Gorky đã thu hút sự quan tâm, chú ý của nhiều học giả, quan chức và chính trị gia. Nhiều người đã đến thăm nơi đây để nghiên cứu về các phương pháp mà Makarenko tổ chức.

Mùa Hè năm 1928, nhà văn Maxim Gorky đã đến thăm trại. Ông kể lại rằng: “Anton Makarenko là một người thầy vĩ đại. Những đứa trẻ trong trại rất yêu quý anh ấy và nhắc đến anh ấy bằng giọng đầy tự hào như thể Makarenko đã sinh ra họ”.

Kể từ đó, Makarenko được mời tham dự các hội thảo, tọa đàm về giáo dục để chia sẻ phương pháp của mình. Ông được gọi là bậc thầy về giáo dục học sinh cá biệt. Ngoài là một nhà giáo dục, Makarenko còn là nhà văn. Ông nổi danh với cuốn sách “Bài ca sư phạm”, kể những câu chuyện thực về hành trình di dạy của mình.

Makarenko qua đời năm 1939, hưởng dương 51 tuổi. Trong đám tang của ông, học sinh cũ đi viếng rất đông. Mọi người đều bày tỏ sự buồn thương, tiếc nuối xen lẫn sự tri ân, xúc động trước những cống hiến của ông dành cho giáo dục trẻ cá biệt nói riêng và giáo dục nói chung.

Ông Semyon Kalabalin, học trò cũ của Makarenko, nhận xét: “Thầy tôi, Makarenko, là một người tuyệt vời với tính cách mạnh mẽ, thông minh, dũng cảm và tầm nhìn xa trông rộng. Thầy không ngần ngại đến nhà tù thăm chúng tôi – những đứa trẻ ngỗ nghịch và đưa chúng tôi đến một hành trình mới”.

Cho đến nay, Makarenko vẫn được biết đến với quan điểm giáo dục phải thức tỉnh điều thiện, người thầy luôn làm gương, đối xử tôn trọng dù đứa trẻ nhiều tội lỗi và luôn nuôi dưỡng nhân cách, làm người chuyển hóa được những đứa trẻ phạm pháp thành người có ích cho xã hội. Các phương pháp giáo dục của Makarenko vẫn được áp dụng trên thế giới cho đến ngày nay.

Các phương pháp giáo dục của Makarenko được xây dựng dựa trên nền tảng lý thuyết rộng, chắc chắn. Về mặt kiến thức, Makarenko cho rằng kiến thức là sản phẩm của kinh nghiệm và thực hành, do đó, kiến thức phải được thu thập thông qua việc quan sát người khác về thế giới. Đó là sự kết hợp của nhiều ý kiến của nhiều người khác nhau và đạt được sự đồng thuận.

Vì vậy, Makarenko thường xuyên khuyến khích học sinh chia sẻ ý kiến cá nhân, kể cả đó là ý kiến chưa đúng. Ông không trách phạt nếu học sinh nói sai vì thông qua lỗi sai đó, học sinh có thể khám phá ra các kiến thức thực sự. Ngược lại, nếu trách phạt, những đứa trẻ sẽ từ chối tiếp thu cái mới, cố ý bảo vệ quan điểm sai của mình.

Dù chấp nhận học sinh mắc lỗi nhưng Makarenko không dung thứ cho sự dối trá. Ông tin rằng, một sai lầm không phải là cố ý, mà là một phần của quá trình trưởng thành, là sự khám phá bản thân. Nhưng nói dối là hành động có chủ ý.

Nuôi dưỡng cảm xúc tích cực

Về bản chất con người, Makarenko tin rằng mọi đứa trẻ đều có phần “thiện” và có thể trở thành người tốt nếu được chỉ dẫn đúng hướng. Khi những đứa trẻ mắc lỗi, Makarenko cho họ cơ hội nhận sai và bù đắp lỗi lầm của mình để học cách giải quyết hoặc sửa chữa sai lầm.

Makarenko không bao giờ phạt học sinh bằng hình thức bỏ đói. Ông cho rằng theo tháp nhu cầu Maslow, nếu những nhu cầu cơ bản như ăn, ngủ không được đáp ứng, con người thậm chí sẽ không nghĩ đến việc đáp ứng những nhu cầu cao hơn. Do đó, Makarenko luôn cho bọn trẻ ăn no trước khi nói chuyện nghiêm túc với họ về sai lầm. Ông cũng đảm bảo những thanh thiếu niên trong Trại Gorky được đáp ứng những nhu cầu cơ bản, được cảm thấy an toàn.

Điều này cũng giúp nuôi dưỡng cảm xúc tích cực. Thanh thiếu niên trong Trại Gorky đều là trẻ mồ côi, không được coi trọng và được trao cho quá nhiều tự do đến sinh hư. Thông qua lao động, ông giúp chúng khơi gợi nên những cảm xúc tốt đẹp như tự hào, trân trọng, yêu thương, hạnh phúc...

Makarenko thể hiện tình cảm với những đứa trẻ bằng cách nói với chúng rằng Trại Gorky là nhà. Sau khi giao nhiệm vụ, Makarenko thường khen ngợi những đứa trẻ. Phương pháp của Makarenko đã thành công vì nhiều thanh thiếu niên sau khi rời Trại Gorky đã “hoàn lương”, học đại học và tìm được những công việc ổn định.

Về mặt giáo dục, Makarenko hạn chế lý thuyết và tập trung vào việc áp dụng kiến thức trong thực tế. Ngay cả với những môn học như Lịch sử hay Văn học, sau khi học sinh đọc xong một đoạn văn, ông sẽ hỏi các em có thể vận dụng nó như thế nào trong đời sống. Học sinh không chỉ đọc sách về trồng trọt hay xây hàng rào mà thực sự “xắn tay” vào làm trong Trại Gorky. Do đó, với học sinh, việc học không đơn giản là ghi nhớ thuật ngữ, kiến thức, mà là áp dụng các kiến thức đã học. Điều này đảm bảo những kiến thức đó được lưu lại trong trí nhớ dài hạn.

Lý thuyết về giáo dục của Makarenko chú trọng vào cách tiếp cận “tập thể”, đây cũng là trung tâm trong phương pháp sư phạm của ông. Ông cho rằng, giáo viên phải biến lớp học thành tập thể có chung mục tiêu bởi tập thể là sợi dây liên kết giữa cá nhân và xã hội.

Theo Makarenko, tính tập thể không có nghĩa là bỏ qua cá nhân. Nếu một tập thể hoạt động tốt, mỗi người đều là một công dân năng động, có nền tảng đạo đức tốt và có tinh thần trách nhiệm. Tập thể cũng giúp mỗi cá nhân xây dựng ý thức kỷ luật, ý thức tổ chức.

Bảo tàng Makarenko tại thành phố Kremenchuk, Ukraine.

Bảo tàng Makarenko tại thành phố Kremenchuk, Ukraine.

Mang tính cấp tiến

Ở nhiều cơ sở giáo dục ngày nay, trẻ vị thành niên được khuyến khích chơi nhạc cụ, tập hát, múa hoặc các môn thể thao... nhằm phát huy năng lực, tìm kiếm niềm vui và sự giải trí. Các hoạt động trên đã được Makarenko áp dụng vào Trại Gorky thông qua phòng học Âm nhạc, Thư viện.

Ông thường mời các đoàn hát đến biểu diễn và hướng dẫn học sinh chơi các loại nhạc cụ khác nhau. Vào những dịp đặc biệt, học sinh sẽ tự tổ chức biểu diễn các tác phẩm văn nghệ. Theo Makarenko, ông nhận thấy học sinh đã hình thành được khả năng học hỏi, say mê tìm hiểu từ việc tham gia các hoạt động âm nhạc, giải trí.

Phương pháp giáo dục của Makarenko được dịch sang nhiều thứ tiếng và chia sẻ trên toàn thế giới. Vào thời điểm ông đang giảng dạy, những phương pháp trên được đánh giá là mang tính cấp tiến, đồng thời được các học giả Scandinavi áp dụng trong mô hình hỗ trợ thanh niên lạm dụng ma túy, những người không thể giáo dục bằng phương pháp tiếp cận thông thường.

Năm 1988, Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã bình chọn Makarenko là một trong 4 nhà giáo dục quyết định tư duy sư phạm của thế giới trong thế kỷ 20.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ