Tìm ra cách nuôi dạy trẻ phù hợp thật không dễ, đặc biệt là khi mọi người xung quanh thường đưa ra những lời khuyên rất khác nhau, thậm chí là còn mâu thuẫn với nhau. Ngay cả quan điểm của các giáo viên và nhà tâm lý học nổi tiếng cũng có thể khác nhau. Tuy vậy, hầu hết mọi người đều gặp nhau ở một điểm chung rằng: Nếu bạn cho trẻ tự do và tôn trọng tính cá nhân, chúng sẽ lớn lên tự tin và trở thành những đứa trẻ hạnh phúc.
Mới đây trang Brightside đã tổng hợp quan điểm của 6 nhà giáo dục nổi tiếng thế giới, những người đã tự mở trường học với triết lý giáo dục của riêng mình và tư tưởng của họ vẫn ảnh hưởng đến nhiều thế hệ sau. Những quan điểm, gợi ý này có thể sẽ rất hữu ích để bạn nuôi dạy con tốt hơn.
1. Maria Montessori, người sáng lập ra hệ thống giáo dục Montessori
Maria Montessori là người phụ nữ đầu tiên ở Ý tốt nghiệp trường y, đây cũng là nơi bà đã làm việc với những đứa trẻ bị bệnh. Bà nhiều lần được đề cử giải Nobel và cách tiếp cận giáo dục của bà đến nay vẫn còn rất nổi tiếng ở nhiều nước trên thế giới.
Cách tiếp cận giáo dục của bà Maria Montessori đến nay vẫn còn rất nổi tiếng ở nhiều nước trên thế giới.
Quan điểm của Maria Montessori:
- Một đứa trẻ xứng đáng được tôn trọng, vì vậy những yêu cầu lịch sự sẽ tốt hơn là những câu mệnh lệnh.
- Đừng nhìn những đứa trẻ từ trên cao xuống. Cố gắng để tầm mắt của bạn ngang bằng với chúng khi nhìn và nói chuyện.
- Bàn, ghế và móc treo quần áo nên được làm phù hợp với chiều cao của trẻ để chúng có thể tự làm việc. Trẻ sẽ cảm thấy hạnh phúc trong môi trường như thế.
- Đừng làm hộ những việc mà trẻ có thể tự làm.
- Nếu bạn phạt trẻ vì mọi lỗi lầm, chúng sẽ luôn cảm thấy có lỗi vì mọi thứ.
- Nếu bạn hỗ trợ con và để cho con thể hiện cảm xúc của mình, chúng sẽ lớn lên rất tự tin.
- Hãy để con giúp bạn làm các công việc nhà.
- Cố gắng không mua đồ chơi bằng nhựa cho trẻ. Vật liệu tự nhiên sẽ tốt hơn nhiều.
2. Loris Malaguzzi, người đưa ra phương pháp tiếp cận Reggio
Nhà tâm lý học người Ý Loris Malaguzzi đã có một quan sát rất thú vị rằng: một đứa trẻ có thể nói một trăm "ngôn ngữ", có nghĩa là trẻ em có thể nói chuyện với thế giới và thể hiện suy nghĩ của mình theo nhiều cách khác nhau: thông qua tranh vẽ, ca hát, trò chơi. Nhưng người lớn thường cố gắng làm im lặng 99 "ngôn ngữ" của chúng. Cha mẹ nên lắng nghe con và dạy chúng sử dụng những "ngôn ngữ" khác này trong cuộc sống hàng ngày.
Nhà tâm lý học người Ý Loris Malaguzzi - "cha đẻ" của phương pháp giáo dục Reggio Emilia.
Quan điểm chính của Malaguzzi:
- Không có câu trả lời sai, chỉ có những quan điểm khác nhau. Đừng nói với trẻ rằng chúng sai về một điều gì đó. Hãy hỏi tại sao chúng nghĩ theo cách đó và nói với chúng về một cách suy nghĩ khác.
- Trước khi giải thích điều gì đó, hãy hỏi ý kiến con của bạn nếu chúng đã biết về điều này. Nếu bạn nói với chúng những điều chúng đã biết, chúng sẽ mất hứng và không nghe. Điều này cũng giống như người lớn vậy.
- Đặt thêm nhiều câu hỏi đòi hỏi phải có những câu trả lời chi tiết. Bằng cách này, trẻ sẽ học cách suy nghĩ và thể hiện những suy nghĩ của mình.
- Hãy để con bạn được có quyền lựa chọn thường xuyên hơn. Ví dụ, những gì chúng muốn mặc và màu sắc ba lô chúng thích.
3. Rudolf Steiner, người đưa ra phương pháp giáo dục Waldorf
Waldorf là phương pháp do nhà giáo dục người Áo Rudolf Steiner đề xuất, dựa trên ý tưởng tạo ra một người tự tin, yêu thích làm việc và có thể khám phá những khả năng sáng tạo của bản thân. Những trường học theo phong cách Waldorf không yêu cầu trẻ làm bài kiểm tra, cũng không chấm điểm, nhưng trẻ vẫn vượt qua các kỳ thi chung giống như học sinh ở trường khác.
Nhà giáo dục người Áo Rudolf Steiner đề xuất phương pháp giáo dục Waldorf.
Quan điểm chính của Rudolf Steiner:
- Không cuốn sách nào có thể dạy phụ huynh cách giao tiếp với trẻ. Mỗi đứa trẻ là duy nhất, vì vậy bạn phải có khả năng đối xử khác nhau với từng đứa trẻ.
- Những câu chuyện thú vị có thể dạy trẻ tốt hơn các chương sách nhàm chán.
- Trẻ nên dành thời gian ở ngoài trời nhiều hơn để học cách quan sát, nhìn ngắm vẻ đẹp và sống hòa hợp với thế giới.
- Những đồ chơi đơn giản, ví dụ như khúc gỗ, giúp phát triển trí tưởng tượng của trẻ tốt hơn.
- Các nghi thức đơn giản hàng ngày giúp trẻ cảm thấy an toàn và dạy chúng trở thành người có tổ chức. Đó là lý do mỗi ngày học nên bắt đầu bằng cách đọc lại những bài thơ.
4. Alexander Neill, người thành lập trường Summerhill
Trường Summerhill do Alexander Neill thành lập năm 1921 dựa trên triết lý về sự tự do đã gây tranh cãi ở Anh một thời gian. Học sinh của trường có thể không học và thậm chí không bắt buộc phải tham dự các lớp. Trung bình, trẻ ở Summerhill thường trải qua ba tháng không làm gì, sau đó bắt đầu tham dự lớp học. Ngoài các môn học quen thuộc, ngôi trường kỳ lạ này còn dạy các em cách Photoshop, trồng cây, thực hiện ảo thuật và học thêm những kỹ năng khác.
Trường Summerhill do Alexander Neill thành lập năm 1921 dựa trên triết lý về sự tự do đã gây tranh cãi ở Anh một thời gian.
Quan điểm của Alexander Neill:
- Khi chúng ta nói "không" với một đứa trẻ, đứa trẻ bắt đầu nói "không" với cuộc sống.
- Một đứa trẻ khó chịu là một đứa trẻ không vui, không thể hòa hợp với thế giới hoặc với chính bản thân mình.
- Cha mẹ của những đứa trẻ khó chịu nên ngồi lại và trả lời trung thực những câu hỏi sau: "Mình đã hỗ trợ con hay chưa?", "Mình có tin tưởng con không?".
- Những gì một đứa trẻ nên làm là sống cuộc sống riêng của mình, không phải cuộc sống mà bố mẹ hay các giáo viên vạch ra.
- Trẻ không cần thích nghi với trường học, nhưng trường học nên điều chỉnh để phù hợp với trẻ.
- Con người cần tự do. Nhưng tự do và làm bất cứ điều gì bạn muốn là hai điều khác nhau.
- Cha mẹ thường cố dọa trẻ bằng những hậu quả đáng sợ nếu mắc phải sai lầm. Nhưng tốt hơn hết, bạn hãy dạy trẻ đừng sợ điều gì cả.
5. John Dewey, người sáng lập ra Công cụ luận Instrumentalism:
Ở Mỹ, Dewey được mệnh danh là "cha đẻ của giáo dục tiến bộ". Ông tin rằng mục đích chính của trường học là dạy trẻ tìm đường thoát ra khỏi mọi tình huống bằng cách thích nghi với môi trường. Công cụ luận (Instrumentalism) do ông phát triển, áp dụng vào giáo dục, cho thấy trẻ nên được dạy để làm những nhiệm vụ cụ thể thay vì tiếp thu kiến thức trừu tượng từ sách vở.
John Dewey tin rằng mục đích chính của trường học là dạy trẻ tìm đường thoát ra khỏi mọi tình huống bằng cách thích nghi với môi trường.
Quan điểm của Dewey về giáo dục:
- Trẻ nên làm gì đó thay vì được dạy gì đó. Hành động sẽ dẫn đến kết quả.
- Đừng khiến trẻ xấu hổ vì thất bại của chúng. Thất bại giúp ta trở nên tốt hơn.
- Tất cả khám phá khoa học vĩ đại đều được thực hiện bởi những người không e ngại sử dụng trí tưởng tượng của mình.
6. Célestin Freinet, chủ nhân phương pháp giáo dục Freinet
Nhà giáo dục Pháp Célestin Freinet mở trường học ở tuổi 24, nhằm giúp đỡ những trẻ em chậm phát triển. Trường học của ông không có sách hay bài tập về nhà, nhưng học sinh được giáo dục đầy đủ và đạt kết quả nổi bật.
Célestin Freinet, chủ nhân phương pháp giáo dục Freinet.
Ý tưởng chính của Freinet bao gồm:
- Các hoạt động dễ chịu nhất có thể trở thành cực hình nếu bạn bị buộc phải làm điều đó.
- Hình phạt làm bẽ mặt cả người phạt và người bị phạt.
- Trẻ học cách làm việc nhà thường xuyên càng sớm thì sẽ càng tự tin trong tương lai.
- Thay vì cấm đoán và trừng phạt, bạn nên thương lượng với trẻ. Trẻ sẽ nhận ra ý kiến của bản thân quan trọng như thế nào.