Người thầy dành cả thanh xuân nghiên cứu Nano trong Y học

GD&TĐ - Bên cạnh hàng loạt những công trình nghiên cứu khoa học nổi bật, Vòng Bính Long (sinh năm 1984) còn đạt nhiều thành quả nghiên cứu ở lĩnh vực về vật liệu nano - polymer có hoạt tính sinh học để điều trị các bệnh viêm nhiễm, ung thư.

Tiến sĩ Vòng Bính Long
Tiến sĩ Vòng Bính Long

Cơ duyên nghiên cứu công nghệ nano

Tiến sĩ Vòng Bính Long hiện là Giảng viên Khoa Sinh học - Công nghệ Sinh học Trường ĐH Khoa học Tự nhiên Đại học Quốc gia TP.HCM, lấy bằng tiến sĩ ngành vật liệu sinh học (Đại học Tsukuba - Nhật Bản) năm 31 tuổi.

Chuyên ngành hóa sinh nhưng lại có duyên với nghiên cứu công nghệ nano trong điều trị bệnh, giảng viên Vòng Bính Long đã dành tâm huyết và công sức của mình để nghiên cứu vật liệu nano - polymer có hoạt tính sinh học để điều trị các bệnh viêm nhiễm, và cả bệnh ung thư. Trong đó, phải kể đến hai hướng nghiên cứu chính của anh được công bố trên những tạp chí uy tín như Phát triển liệu pháp thuốc nano dùng để trị bệnh viêm và ung thư đại tràng đăng trên tạp chí Gastroenterology năm 2012, Biomaterials năm 2015; Và Gel có khả năng làm tăng sinh mạch máu tại những vùng mô bị thiếu máu trong điều trị bệnh tim mạch được công bố năm 2018 trên tạp chí Biomaterials.

35 tuổi với 6 bằng sáng chế, Tiến sĩ Vòng Bính Long còn là Chủ nhiệm 1 dự án nước ngoài đã báo cáo nghiệm thu; Chủ nhiệm 01 đề tài cấp Nhà nước và thành viên chính 1 dự án nước ngoài đang triển khai; Chủ nhiệm 2 đề tài cấp cơ sở đã nghiệm thu đạt loại giỏi.

Thầy Long còn là đồng tác giả 6 bằng sáng chế về vật liệu polymer - nano ứng dụng trong Y học.

Tò mò và đam mê là đức tính quan trọng của nhà khoa học

Khó khăn trong nghiên cứu khoa học không kể hết, đặc biệt là việc cân bằng giữa đam mê và thời gian bên người thân, thế nhưng, mục tiêu nào đặt ra TS Vòng Bính Long cũng hoàn thành. Anh cho rằng, để thực hiện được những công trình nghiên cứu ấy là nhờ sự giúp đỡ rất lớn của các thầy cô, đồng nghiệp...

18 bài báo khoa học đã công bố trên các tạp chí quốc tế, 5 báo cáo Oral xuất sắc và 08 báo cáo Poster xuất sắc tại các hội nghị khoa học quốc tế; 3 chương sách quốc tế; Giải thưởng nhà nghiên cứu trẻ tại Hội nghị Vật liệu Sinh học châu Á, Đài Loan (Trung Quốc) 2015; Giải thưởng Taylor & Francis dành cho nhà khoa học trẻ tại Hội nghị châu Á về Nghiên cứu các Gốc tự do, Thái Lan, 2015; Giải thưởng Young Scientist Award tại Hội nghị Vật liệu Sinh học, Nhật Bản,...là hàng loạt những thành tựu mà anh đem về cho ngành và trở thành niềm tự hào của đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Gần 9 năm theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học, Tiến sĩ 35 tuổi cho biết, anh chưa từng có ý định đi theo một công việc khác bởi: “Nghiên cứu khoa học là quá trình lâu dài, vì thế đòi hỏi người nghiên cứu phải có lòng kiên trì bền bỉ. Ngoài ra, sự tò mò và đam mê cũng là những đức tính quan trọng để tạo nên các nhà khoa học tầm cỡ”.

Mới đây, Tiến sĩ Vòng Bính Long được Trung ương Đoàn chọn là đại biểu tiêu biểu của Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác năm 2018. Năm 2018, anh được trao Giải thưởng Khoa học Công nghệ Thanh niên “Quả cầu vàng”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.