Người thầy đặc biệt của những học trò trót lầm lỡ

GD&TĐ - 11 năm dạy nghề cho những học viên lầm lỡ tại trường giáo dưỡng, thầy giáo Trần Đại Lượng đã giúp không ít học trò thay đổi số phận.

Đại úy Trần Đại Lượng - đang giảng dạy cho học viện ở Trường Giáo dưỡng số 2 – Cục C10 – Bộ Công an (xã Mai Sơn, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình). Ảnh NVCC.
Đại úy Trần Đại Lượng - đang giảng dạy cho học viện ở Trường Giáo dưỡng số 2 – Cục C10 – Bộ Công an (xã Mai Sơn, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình). Ảnh NVCC.

Những học sinh đặc biệt

Cứ 7 giờ sáng hàng ngày, tại lớp học nghề hàn tại Trường Giáo dưỡng số 2 – Cục C10 – Bộ Công an (xã Mai Sơn, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) lại bắt gặp hình ảnh thầy giáo - Đại úy Trần Đại Lượng trong bộ cảnh phục công an nhân dân đang cầm máy cắt, máy hàn trực tiếp chỉ dạy học trò. Tính đến nay, đại úy Lượng đã trực tiếp giảng dạy 12 lớp học nghề như vậy.

Qua trò chuyện, anh chia sẻ: “Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo khó tại huyện Kim Sơn (Ninh Bình). Tuổi thơ tôi vì công việc của bố mẹ mà thường xuyên phải chuyển nơi ở.

Đến khi đang học năm 3 Trường Cao đẳng Lilama 1, mẹ tôi bệnh nặng qua đời, trước lúc nhắm mắt bà vẫn tha thiết căn dặn tôi cố gắng học hành để theo nghiệp sư phạm”.

Để thực hiện di nguyện cuối cùng của mẹ, năm 2013, sau khi ra trường đi bươn chải nhiều nơi, anh quay về tỉnh nhà xin công tác tại Trường Giáo dưỡng số 2 và được phân vào đội Kế hoạch hướng nghiệp và Dạy nghề từ đó đến nay.

“Các em khi vào đây phần thì sợ hãi, phần xa cách với thầy giáo khiến tôi trăn trở làm sao để thay đổi được tình hình đó”, thầy Lượng chia sẻ.

Để xoay chuyển tình cảm của học trò, thầy Lượng đã tranh thủ giờ giải lao tâm sự với học viên của mình. “Bên cạnh việc chia sẻ câu chuyện bản thân tôi cũng lắng nghe hoàn cảnh các em, vì sao các em vào đây, hiểu được điều đó giúp tôi nắm bắt được tư tưởng và suy nghĩ và có phương pháp giúp thầy trò ít khoảng cách hơn”, thầy cho hay.

f4d34c81043cbc62e52d.jpg
Đại úy Trần Đại Lượng.

Cảm hóa học trò

Căn xưởng nhỏ nơi thầy Lượng giảng dạy nghề hàn cho học viên đến nay vẫn hoạt động hết công suất, từ những cánh cửa, mái tôn trong đơn vị hỏng hóc đều là cơ hội cho những học viên được thực hành thực tế.

11 năm nay, thầy Lượng đã giúp gần 300 học viên được cấp chứng chỉ nghề hàn ra xã hội làm lại cuộc đời. Trong số những học sinh ấy, có một gương mặt khiến thầy nhớ mãi không quên.

Đó là Nghĩa, nhập trường tháng 9/2016 vì gây rối trật tự. Khi mới gặp thầy Lượng, Nghĩa đã gây ấn tượng là một học trò lầm lì, ít nói, ở đội số 1 anh từ chối đi học nghề với lí do đã thạo việc.

Khi ấy, Nghĩa được chọn vào Đội Sao đỏ của trường có nhiệm vụ đôn đốc học sinh giữ nề nếp, nội quy. Trong quá trình đó, thầy trò đã cùng tâm sự để Nghĩa hiểu rằng học nghề là cơ hội để anh tái hòa nhập cuộc sống sau khi rời trường.

Nửa năm sau đó, khi đã hiểu ra ý nghĩa của việc đi học, anh đã chủ động viết đơn xin vào lớp thầy Lượng và có nhiều sáng kiến đổi mới sáng tạo trong công việc.

“Nghĩa tốt nghiệp với chứng chỉ loại Giỏi, nhận ra tiềm năng của em nên tôi ngỏ ý giữ Nghĩa lại làm lớp trưởng cho 3 khóa sau đó và truyền lại hết những gì tôi học được”, thầy Lượng tâm sự.

Sau khi ra trường, Nghĩa lại bị bạn bè rủ rê và dính vào một vụ ẩu đả ở địa phương. Thầy Lượng nhớ lại khi đó anh rất sợ nên đã gọi điện cho thầy xin lời khuyên và hướng giải quyết.

“Sau vụ việc đó Nghĩa quyết tâm mở xưởng kinh doanh và thường liên hệ nhờ tôi giới thiệu những học sinh giống em tới xưởng em làm việc”, thầy chia sẻ và cho biết thêm cứ mỗi dịp lễ, Nghĩa lại về trường thăm thầy và thầy trò hàn huyên vô cùng thân thiết

Nhớ lại những năm tháng ở Trường Giáo dưỡng số 2, anh Hoàng Minh Nghĩa luôn nhắc đến tên người thầy giáo cũ: “Thầy Lượng là người đã dạy tôi cách sống, cách ứng xử, dù thầy còn trẻ nhưng cực kỳ tâm lý, tâm huyết với học trò, nếu không có thầy dìu dắt không biết cuộc đời tôi đã đi về đâu”.

Hoàng Minh Nghĩa chỉ là 1 trong số hàng trăm học viên lớp nghề hàn ra trường đã tự kiếm sống bằng nghề chân chính đã gửi thư, gọi điện cảm ơn công giáo dục của thầy Trần Đại Lượng.

Thầy giáo Trần Đại Lượng là một trong 60 tấm gương nhà giáo được tuyên dương trong Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024, do Trung ương Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ GD&ĐT và Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.