Người thầy đặc biệt 31 năm gắn bó cùng học trò ốc đảo khó khăn

GD&TĐ - 31 năm công tác, thầy giáo Đặng Văn Bửu dành toàn bộ gắn với công việc giảng dạy môn Lịch sử, Địa lý tại xã đảo đặc biệt khó khăn.

Thầy Bửu cùng các em học sinh Trường THCS Hưng Phong. (Ảnh: NVCC).
Thầy Bửu cùng các em học sinh Trường THCS Hưng Phong. (Ảnh: NVCC).

Người thầy đặc biệt

Cứ mỗi độ sáng sớm, người dân xã đảo Hưng Phong, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre lại thấy Bửu trên chiếc xe đạp cũ đến lớp. Ít ai nghĩ rằng, ông giáo bình dị ấy nay tuổi đã ngoài 50.

Chưa kể, những ngày trời trở gió, đôi chân của thầy lại xuất hiện những cơn đau nhức, đi lại phải nhờ sự trợ giúp của chiếc nạng gỗ. Thế nhưng, thầy vẫn miệt mài lên lớp, mang chữ, kiến thức đến với trò.

Thầy Đặng Văn Bửu, sinh ra và lớn lên cũng tại chính xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, từ nhỏ đã ốm yếu bệnh tật, tuổi thơ không được vui chơi như bạn bè đồng lứa mà gắn liền với chiếc giường ở bệnh viện cùng mẹ. Có khi, thầy phải nằm đến cả tháng trời.

Với tình trạng sức khỏe đó, lại trưởng thành trong gia đình gồm 5 anh chị em, cha mẹ thầy Bửu vất vả bươn chải nuôi các con nên người.

“Những giọt mồ hôi ướt trên áo cha, những tiếng thở dài của mẹ khi đếm những đồng bạc lẻ sót lại sau một ngày nặng lo cơm - áo - gạo - tiền đã thôi thúc tôi cố gắng học tập”, thầy Bửu tâm sự.

Năm 1993, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Bến Tre, thầy được phân về quê nhà dạy học và từ đó đến nay là giáo viên dạy Lịch sử tại Trường THCS Hưng Phong, xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm, Tỉnh Bến Tre.

Gọi là xã, thế nhưng thực chất Hưng Phong là một cù lao nằm ở cuối nguồn sông Hàm Luông, từ đất liền ra chỉ có thể đi phà. Những năm qua, nước triều dâng mạnh làm đất nhiễm mặn nên cuộc sống người dân đã nghèo lại càng khó khăn hơn.

Nhìn tình cảnh đó, thầy Bửu lại nhớ về thời điểm 31 năm trước: “Quê hương tôi khi ấy còn thiếu giáo viên lắm. Thầy cô từ xa đến chỉ ở lại dạy 1 đến 2 năm lại luân chuyển đi, không ai muốn ở lại vì điều kiện đường xá quá bất tiện. Một số đồng nghiệp thì bỏ nghề giữa chừng.

Trước điều đó, thầy Bửu luôn nhắc nhở bản thân dù có khó khăn, vất vả mấy cũng phải quyết tâm gắn bó với nghề, cố gắng đóng một phần công sức nhỏ cho giáo dục của quê nhà. Thế là người giáo viên trẻ năm đó, bước lên chuyến phà định mệnh trực chỉ Cù Lao Ốc - tên gọi thân thương của hòn đảo nằm giữa dòng Hàm Luông.

Thầy Bửu kể lại những ngày mới vào nghề: “Học sinh miền sông nước đi học lạ đời lắm, các em bữa đi học, bữa nghỉ để ở nhà phụ cha mẹ làm vườn. Đặc biệt những ngày cận kề Tết, các em nghỉ thường xuyên học”.

Theo đó để học sinh đi học đầy đủ, thầy đã phải đến tận nơi vận động, thuyết phục phụ huynh. Có những học trò chỉ kém thầy Bửu vài tuổi do học muộn khiến bầu không khí vô cùng ngượng nghịu.

“Các em trong xã đi vận động còn thuận tiện, chứ có những em ở đất liền ra học hay ở Cồn Đeo (Cù lao nhỏ phía bắc Cồn Ốc) thì ngày ngày phải bắt vội chuyến đò sang sông rồi quay về vô cùng khổ cực”, thầy cho hay.

Mặc dù khó khăn, vừa dạy học, vừa vận động thế nhưng,31 năm qua thầy bồi dưỡng cho rất nhiều học trò đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh.

Để có được thành tích đó, thầy Bửu kể: “Kiến thức nếu chỉ nằm trong sách giáo khoa thì quả thực khô khan. Là một nhà giáo, tôi không chỉ dạy các em những cái đã có mà còn mở rộng ra, kết hợp các kiến thức liên môn. Khi các em mệt mỏi, thầy trò lại cùng nhau thi sáng tác những bài ca chủ đề kháng chiến, như thế việc tiếp thu bài học đỡ căng thẳng hơn nhiều”.

oc-2.jpg
Một tiết học của thầy Bửu và học trò. Ảnh NVCC.

Biến cố

Năm 2012 gần 20 năm, thầy Đặng Văn Bửu đứng trên bục giảng, hàng ngày say mê ôn luyện cho học trò khiến thầy quên mất cả hạnh phúc riêng tư. Thế nhưng, ngay khi thầy Bửu chuẩn bị lập gia đình một biến cố ập xuống, khiến chân phải thầy gặp chấn thương nặng phải nhập viện.

“Đó là thời điểm đen tối nhất trong đời tôi còn khủng khiếp hơn khi sau đó bác sĩ thông báo phát hiện u xương có thể phải cắt bỏ một chân. Lúc đó, mẹ tôi phải trốn xuống gầm giường bệnh viện và khóc nức nở vì bà sợ tôi thêm đau lòng. Nghe tiếng mẹ khóc mà lòng tôi đau như dao cắt.

Ngày trước mỗi khi tôi đi dạy về muộn, mẹ tôi ngồi tựa cửa nhìn ra đường chờ tôi về, dù đêm mưa gió rét, bị muỗi đốt… bà vẫn cứ chờ”, mỗi khi nhắc đến mẹ, cánh tay thầy không khỏi run lên vì xúc động.

Chưa kể, đang trong quá trình điều trị thầy nhận được những lời xì xào, bàn tán cho rằng khi xuất viện, thầy phải lui về thư viện làm công việc văn phòng, không được tham gia giảng dạy...

"Nằm trên bàn mổ được bác sĩ gây tê, nỗi sợ không được đến lớp bao trùm lên tất cả, lúc này đột nhiên nhớ về những gương mặt học trò yêu mến dường như thúc giục thầy giáo điều gì đó. Khi bác sĩ hỏi xác nhận lần cuối, thầy đã từ chối cuộc phẫu thuật.

Cho đến giờ này, quyết định khi đó với tôi vẫn là đúng đắn, nếu ngày đó đồng ý không biết tôi đã đi về đâu”, thầy chia sẻ và cho biết thêm sau đó, thầy vẫn gắng sức hồi phục, đi dạy với một bên nạng nhưng vẫn hoàn thành bài giảng đã hoàn toàn thuyết phục được các cán bộ dự giờ cho thầy tiếp tục dạy học", thầy Bửu kể lại và cho biết thêm cũng từ đó, cây nạng theo thầy đến trường tới ngày hôm nay.

Thấu hiểu những thiệt thòi của thầy, nhiều thế hệ học sinh Trường THCS Hưng Phong đã biết ơn và ghi sâu vào tâm trí hình ảnh người thầy bước đi tập tễnh trên bục giảng truyền cảm hứng cho học trò,

Em Nguyễn Văn Đạt, học sinh lớp 9 Trường THCS Hưng Phong tâm sự, thầy Bửu rất hiền, luôn tận tâm với học sinh. Đặc biệt, trong khoảng thời gian ôn thi học sinh giỏi cấp huyện gần đây, em bị đau mắt khiến thầy Bửu vô cùng lo lắng. Trong thời gian đó, em phải nghỉ học để bù lại kiến thức cho em, thầy tranh thủ các buổi tối dạy trực tuyến".

Nhìn thấy được sự nỗ lực và cống hiến tận tụy của thầy giáo, trong lòng cậu bé 14 tuổi quyết tâm dành thành tích cao để không phụ lòng mong mỏi của thầy.

"Kết thúc kỳ thi học sinh giỏi, em đạt giải Nhất. Em muốn gửi đến thầy lòng biết ơn sâu sắc nhất. Nhờ sự tận tụy và nhiệt huyết của thầy, môn lịch sử với em trở thành những bài học sống động, ý nghĩa và tự hào. Dù mai này mỗi người có thể đi những con đường khác nhau, nhưng những bài học, tình cảm và lòng biết ơn dành cho thầy sẽ mãi là hành trang quý giá; là động lực để em sống có trách nhiệm và tiếp bước trên đường đời”, Đạt tâm sự.

Thành tích của thầy giáo Đặng Văn Bửu:

Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong công tác giáo dục và đào tạo năm học 2017-2018.

Huy chương “Vì thế hệ trẻ” do Trung ương Đoàn cấp (số 64/QĐ/TƯ ĐTN).

Thầy giáo Đặng Văn Bửu là một trong 60 tấm gương nhà giáo được tuyên dương trong Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024, do Trung ương Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ GD&ĐT và Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thoát hiểm qua khe cửa hẹp

GD&TĐ - Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba đã giữ được cương vị cầm quyền qua cuộc bầu thủ tướng ở quốc hội, cho dù liên minh của ông không chiếm đa số.