Người thầy của giáo dục vùng khó

GD&TĐ - Không biết từ lúc nào tình yêu với nghề “gõ đầu trẻ”đã thấm vào “máu thịt” của chàng trai Phạm Văn Tường. Để rồi, đứng trước quyết định chọn nghề, anh chỉ có nguyện vọng duy nhất trở thành thầy giáo cho dù sớm nhìn thấy nhiều thử thách, khắc nghiệt, vất vả của người thầy vùng cao.

Thầy Tường luôn quan tâm, sát sao với HS
Thầy Tường luôn quan tâm, sát sao với HS

Bắt đầu từ tình yêu nghề giáo

Tháng 4/1995, chàng trai trẻ Phạm Văn Tường vào học tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Yên Minh (Hà Giang) hệ đào tạo sơ cấp sư phạm. Tháng 7/1996, anh tốt nghiệp. Về nhận công tác một thời gian, năm 1998 thầy Tường quyết định tiếp tục đăng ký học hệ trung cấp sư phạm Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Giang. Anh hoàn thành khóa học vào tháng 8/2001.

Thời điểm đó, với những thầy cô giáo được đào tạo qua sơ cấp, lên trung cấp như thầy Tường không nhiều. Tuy nhiên, thầy Tường lại suy nghĩ, nếu tiếp tục củng cố, nâng cao chuyên môn nghề nghiệp hơn nữa thì sự cống hiến cho nghề nghiệp mới bền vững và đạt hiệu quả tốt nhất.

Vì vậy, tháng 6/2002, thầy giáo trẻ đăng ký học hệ đại học sư phạm tại Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên. Vừa đi học, vừa đi làm khiến điều kiện kinh tế gia đình nhà giáo vốn hạn hẹp càng trở nên khó khăn. Nhưng rồi, quyết tâm lớn cũng đến đích: Tháng 9/2006 thầy Tường tốt nghiệp sau 4 năm học tập miệt mài.

Trở về huyện Yên Minh, thầy Tường tham gia công tác giảng dạy 2 năm rồi quyết định dự thi vào học lớp Cao học Trường ĐH Sư phạm Hà Nội II chuyên ngành “Giáo dục học bậc tiểu học”. Tháng 11/2010 thầy Tường tốt nghiệp với tấm bằng thạc sĩ.

Thanh xuân trên vùng đất khó

Tính đến nay, thầy Phạm Văn Tường đã bước sang năm thứ 23 gắn bó với giáo dục vùng cao Yên Minh. Anh trải qua từ công tác giảng dạy đến vai trò quản lý ở hầu hết những địa bàn khó khăn nhất huyện Yên Minh. Thầy Tường nhớ lại những ngày đầu bước vào nghề giáo. Ra trường anh được phân công dạy tại điểm trường thôn Thẩm Lu, xã Du Già, địa điểm cách trường chính 18km.

Ngày đầu tiên đến với điểm trường anh phải đi bộ xuyên núi, luồn rừng mất 5 giờ đồng hồ mới đến nơi. Thực tế hiện ra trước mắt thầy giáo trẻ không hề nằm trong suy nghĩ. Tất cả đều là con số 0: Không lớp học, không chỗ ở cho GV, không HS, không điện nước, không điện thoại…

15 ngày đầu tiên vào điểm trường thầy Tường ăn ngủ nhờ nhà dân. Ban ngày cùng phó thôn đi khảo sát vị trí đất để làm lớp học. Khi chọn được chỗ thích hợp đặt lớp, thầy Tường lại ra sức vận động bà con trong thôn san đất, chặt cây, cắt cỏ tranh quây thành lớp học, bảng viết, bàn ghế tự cưa cắt rồi đóng… Sau 14 ngày, dưới sự hướng dẫn của thầy Tường, lớp học đầu tiên thôn Thẩm Lu đã được định hình.

Những người dân nghèo vui mừng vì lần đầu tiên có lớp cho con học tại thôn, được thầy giáo dưới xuôi lên dạy đọc, viết, làm tính. Đông đảo HS tới lớp xin học. Thầy Tường phải chia thành 2 lớp 1, mỗi lớp 30 HS, độ tuổi từ 6 - 14. Mỗi lớp học một ca sáng hoặc chiều. Sách giáo khoa được thầy xin từ trường chính cho HS. Các bậc phụ huynh chỉ phải bỏ tiền mua vở, bút mực cho con em tới lớp.

Dạy cả ngày vẫn không đáp ứng hết nhu cầu học tập của người dân mù chữ trong thôn, thầy Tường lại bàn với chính quyền thôn mở lớp học xóa mù buổi tối để giảng dạy. Vừa mở lớp đã có 40 học viên đủ lứa tuổi đăng ký theo học. Có học viên nhiều tuổi hơn thầy Tường. Sau giờ học, bà con ngồi lại trò chuyện thì thầy Tường tranh thủ vừa học tiếng Mông cho mình vừa dạy tiếng Kinh cho bà con…

Trên hành trình 23 năm qua, khoảng thời gian thầy Tường được điều động dạy học tại trường nội trú dân nuôi xã Sủng Thài, huyện Yên Minh (năm 1997) cũng để lại những kỷ niệm sâu đậm. Điểm trường Há Lau cách trường chính Sủng Thài hơn 1 giờ đi bộ đường rừng. Đời sống của bà con dân tộc nghèo khó, lạc hậu, điều kiện sinh hoạt của GV cắm bản thiếu thốn, vất vả.

Trong khi nhiều đồng nghiệp vì những lý do riêng đều ngần ngại và từ chối lên dạy điểm trường này thì thầy Tường lại xung phong vào dạy. Lớp học năm ấy có 14 HS lớp 5, thầy trò say sưa dạy học sáng chiều. Buổi tối, dưới ngọn đèn dầu leo lét, thầy trò vẫn tranh thủ bồi dưỡng, trao đổi thêm những kiến thức trên lớp HS chưa hiểu hết. Kết quả cuối năm thi tốt nghiệp cả 14 HS của thầy Tường đều đỗ. Đến nay trong số HS đó, có HS trở thành lãnh đạo ở huyện, xã…

Quản lý thời đổi mới

Tháng 12/2000, thầy Tường chuyển từ vai trò GV sang trọng trách quản lý nhà trường ở vai trò phó hiệu trưởng. Từ tháng 3/2003 đến nay đảm nhiệm cương vị hiệu trưởng. Trên cương vị quản lý nhà trường, thầy Phạm Văn Tường luôn ý thức học hỏi kinh nghiệm, không ngừng bồi dưỡng nâng cao kiến thức.

Hai ngôi trường thầy Tường đảm nhiệm vai trò quản lý đều có khó khăn về cơ sở vật chất: Phòng học không đủ, trang thiết bị thiếu thốn… ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục. Để giải quyết vấn đề nan giải này, thầy Tường đẩy mạnh cải tạo, làm mới cơ sở vật chất thông qua tham mưu cấp ủy chính quyền địa phương cùng huy động người dân vào cuộc. Với tinh thần ấy, nhiều lớp học ở các điểm trường lẻ đã được xây dựng tôn tạo, tại các điểm trường chính được kiên cố hóa. Cơ sở vật chất ổn định đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Là hiệu trưởng nhưng thầy Tường không nề hà tham gia vào mọi việc trong trường từ lao động dọn dẹp, sinh hoạt chuyên môn, đẩy mạnh tự bồi dưỡng kiến thức GV. Thầy Tường còn đặc biệt quan tâm tạo điều kiện để đồng nghiệp có cơ hội học tập, nâng cao chuyên môn. Những kiến thức, kĩ năng từ khi đi học, thông qua các lớp bồi dưỡng… đều được thầy vận dụng sáng tạo linh hoạt vào thực tế và thu được hiệu quả đáng tự hào.

Trong quá trình công tác, thầy Phạm Văn Tường đã đạt được nhiều thành tích. Tại Trường Lũng Hồ, anh cùng đồng nghiệp xây dựng và hoàn thành chương trình phổ cập THCS; Tại Trường Mậu Duệ A xã Mậu Duệ, xây dựng phát triển nhà trường đạt chuẩn quốc gia mức độ I; Được nhận bằng khen của UBND tỉnh Hà Giang về công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia; Đạt giải Nhì cấp huyện trong cuộc thi công đoàn cơ sở giỏi; Năm 2008 và 2012 đạt danh hiệu quản lý giỏi tại cuộc thi CBQL giỏi cấp huyện…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ