Đường đến trường khó khăn
* Qua thực tế khảo sát ở các địa phương, ông có nhận định gì về những khó khăn mà GD vùng dân tộc thiểu số của Việt Nam đang phải đối mặt?
-UNESCO đã thực hiện nhiều khảo sát trực tiếp tại những nơi có đông đảo trẻ em dân tộc thiểu số sinh sống. Ví dụ, ở tỉnh Hà Giang, UNESCO nhận thấy có nhiều thách thức trong việc học hành của trẻ em nơi đây. Mặc dù các gia đình đã có thay đổi về nhận thức, cha mẹ là người dân tộc thiểu số cũng mong muốn cho trẻ em đến trường. Tuy nhiên việc tiếp cận với GD và được học lên cao vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là với trẻ em gái.
Thêm nữa, ở nhiều khu vực đường đến trường rất xa, đi lại khó khăn, trong hoàn cảnh thời tiết khắc nghiệt; việc huy động HS dân tộc thiểu số (DTTS) đi học đều đặn là một vấn đề không dễ dàng.
Dù ngành GD Việt Nam và các địa phương đã có nhiều nỗ lực trong đầu tư trường lớp nội trú cho HS DTTS, nhưng thực tế đòi hỏi cần tăng thêm hơn nữa những điều kiện để trẻ em vùng khó khăn nói chung và vùng DTTS nói riêng, nhất là trẻ em gái DTTS có cơ hội tiếp cận GD tốt hơn.
Một vấn đề nữa liên quan đến hoàn cảnh kinh tế và nhận thức của người dân. Tại một số địa phương, việc trẻ đi bán hàng lưu niệm ở khu du lịch hay bỏ học ở nhà trông em bé vẫn diễn ra. Hiện còn nhiều trẻ hàng ngày phải tham gia lo kinh tế cùng gia đình. Thậm chí có những em phải bỏ học để kiếm sống, hoặc trẻ em gái lấy chồng từ rất sớm. Tất cả những điều này đều tác động không nhỏ đến nỗ lực phát triển GD dân tộc thiểu số.
*Từng công tác ở nhiều quốc gia, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ của UNESCO trong việc cải thiện các khó khăn, tạo cơ hội tiếp cận GD cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số?
-Ở những nơi tôi từng làm việc, việc tiếp cận GD cho trẻ em cũng bị giới hạn bởi những khó khăn. Điều đáng chú ý là ở một số nơi UNESCO đã hỗ trợ để có thể tổ chức các lớp học từ xa, tiếp cận GD qua Internet, qua radio, truyền hình.
Tại Việt Nam, trong dự án mới đây có sự chung tay của UNESCO với Bộ GD&ĐT, chúng tôi chưa bàn đến các hình thức hỗ trợ GD tương tự. Nhưng theo tôi, về sau này Việt Nam cũng cần cân nhắc đến mô hình “mobile learning” cho những vùng DTTS đi lại khó khăn. Bởi, hiện nay gia đình Việt Nam nào cũng có điện thoại. Cha mẹ và thậm chí trẻ em DTTS cũng sử dụng thành thạo điện thoại.
Thực tế ở mỗi địa phương của Việt Nam đều có khó khăn riêng. UNESCO cho rằng cần có phương thức tiếp cận toàn diện về GD. Điều đáng mừng là những ưu tiên của Chính phủ Việt Nam về bình đẳng giới, trẻ em, đói nghèo, giáo dục… cũng là trọng tâm mà UNESCO đang hướng đến, với mong muốn hỗ trợ cộng đồng, đặc biệt là nhóm yếu thế như trẻ em gái dân tộc thiểu số. Vì có chung mục tiêu như vậy, hoạt động hỗ trợ phát triển GD dân tộc thiểu số của UNESCO đã nhận được sự ủng hộ rất lớn từ Chính phủ Việt Nam cũng như Bộ GD&ĐT.
Lắng nghe những mong muốn, ước mơ
*Chương trình UNESCO cùng Bộ GD&ĐT đang thực hiện với sự chung tay của chính quyền địa phương có tên gọi “We are able” (Chúng ta có thể). Chương trình này hoạt động như thế nào thưa ông?
-Chiến lược quốc gia mới của UNESCO là “Hướng tới mức sống và giáo dục tốt hơn”. UNESCO tập trung vào ưu tiên phát triển những lĩnh vực mấu chốt, nhằm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc thực thi chương trình nghị sự đến năm 2030 của Liên Hợp Quốc. “We are able” là tên một sáng kiến, trong sáng kiến này UNESCO muốn bày tỏ cam kết của mình về vấn đề về bình đẳng giới, sự phát triển toàn diện của trẻ em dân tộc thiểu số nói riêng và thanh thiếu niên nói chung.
Khi phối hợp với Bộ GD&ĐT để triển khai “We are able”, UNESCO hiểu rằng để thực hiện được mục tiêu, chúng tôi cần phải quan tâm đặc biệt những đối tượng dễ bị tổn thương nhất, đó chính là phụ nữ, trẻ em ở vùng dân tộc thiểu số chưa có điều kiện tiếp cận đầy đủ việc học hành.
UNESCO đã tham vấn với Bộ GD&ĐT, làm việc với Ủy ban Dân tộc và đã xây dựng một đề xuất dự án. Sau khi tiến hành các đợt khảo sát cuối năm ngoái, chương trình xác định 3 tỉnh Hà Giang, Sóc Trăng, Ninh Thuận là nơi thực hiện thí điểm “We are able”cùng Bộ GD&ĐT và Tập đoàn CJ (Hàn Quốc).
*“We are able” có thể mang lại những gì cho trẻ em dân tộc thiểu số, thưa ông?
-Về cơ bản có 3 lĩnh vực trọng tâm. Thứ nhất, thúc đẩy cách tiếp cận đối với cộng đồng. Chúng tôi sẽ đặt phụ nữ, trẻ em gái vùng dân tộc thiểu số làm trọng tâm của hoạt động, qua đó kể câu chuyện của họ về học vấn, việc làm. Chẳng hạn: Vì sao phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số muốn đến trường? Vì sao việc học lại quan trọng với họ, với bạn bè họ, với các cha mẹ dân tộc thiểu số, cũng như với chính quyền địa phương?
Thứ hai, khía cạnh “We are able” sẽ tập trung là an toàn học đường, điều này cũng đang được quan tâm tại Việt Nam, không chỉ ở vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Mong muốn của chương trình là làm sao để không còn chuyện bắt nạt, bạo lực, xâm hại tình dục... UNESCO và các đối tác thực hiện “We are able” mong muốn trao thêm quyền năng cho trẻ em gái, cho cả GV dạy trẻ ở trường, để tạo nên một môi trường học đường an toàn, lành mạnh, trên cơ sở bình đẳng giới.
Điều quan trọng thứ 3 mà chúng tôi hướng tới, là sự tăng cường cơ hội việc làm cho trẻ em gái và phụ nữ trẻ vùng DTTS, thông qua chương trình định hướng nghề nghiệp. Tùy từng hoàn cảnh của mỗi địa phương, hướng nghiệp nhằm giúp trẻ em gái và phụ nữ trẻ DTTS tìm việc làm phù hợp với khả năng, qua việc hỗ trợ đào tạo, hướng dẫn, đáp ứng nhu cầu công việc.
Chúng tôi muốn sử dụng sáng kiến này như một cơ hội để phá bỏ những định kiến, hủ tục trong cộng đồng dân tộc thiểu số bằng cách cho trẻ em DTTS được nói ra. Chúng tôi muốn trẻ em kể cho mọi người nghe câu chuyện về sở thích như nghe nhạc K- pop, hay về ước mơ trở thành kỹ sư, hoặc sự sợ hãi về biến đổi khí hậu... Chúng tôi để trẻ em DTTS nói lên tiếng nói của mình, thể hiện mong muốn của các em cùng với những trẻ em đồng trang lứa khác trên khắp đất nước.