Tín hiệu vui từ giáo dục vùng khó
Theo đánh giá chung của Sở GD&ĐT Hà Giang, thời gian qua, công tác quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng HS bán trú đã được chú trọng và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tỷ lệ HS đi học chuyên cần tăng lên, chất lượng học tập được nâng cao. Công tác xét duyệt HS hưởng chính sách, quản lý, chi trả các chế độ chính sách cho HS đảm bảo theo quy định.
Mặt khác thực tế cũng ghi nhận, các nhà trường tích cực giáo dục kỹ năng sống và đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy cho HS bằng hình thức lồng ghép thông qua các tiết dạy, các hoạt động ngoài giờ lên lớp. Các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số đã mời nghệ nhân tham gia truyền dạy cho HS.
Một số hoạt động bán trú như vệ sinh cá nhân, vệ sinh trường lớp, vệ sinh môi trường, chăm sóc vườn hoa, cây cảnh, vườn rau bán trú; các kĩ năng gấp chăn màn, giao tiếp, chào hỏi, phòng tránh các tai nạn thương tích, tệ nạn xã hội, bạo lực học đường… được chú trọng trong giáo dục tại trường.
Công tác chăm sóc, nuôi dưỡng HS bán trú đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận |
Nhiều mô hình hay trong công tác bán trú đã được nhân rộng, như mô hình rèn công tác nội vụ đối với HS bán trú; mô hình lò đốt rác, thư viện xanh và góc văn hóa truyền thống ở các trường bán trú, có học sinh bán trú trên địa bàn huyện Quản Bạ.
Mô hình “Nhà sàn sinh hoạt nội vụ” của trường PTDTBT TH&THCS trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì (có 10 nhà sàn). Mô hình vườn rau ứng dụng khoa học, kỹ thuật hiện đại, tiết kiệm công sức lao động của Trường TH&THCS Bản Máy huyện Hoàng Su Phì được đánh giá cao.
Mô hình trồng rau, nuôi lợn cải thiện bữa ăn và giáo dục kỹ năng sống ở trường PTDTNT THCS&THPT Bắc Quang và nhiều trường PTDTBT trên địa bàn các huyện. Mô hình “5 phương án giúp học sinh đi học chuyên cần” ở trường Tiểu học Phương Thiện, thành phố Hà Giang…
Đối diện cùng thách thức
Mặc dù đạt được những kết quả giáo dục song giáo dục Hà Giang vẫn phải đối diện với nhiều khó khăn dẫn tới hạn chế trong công tác nội trú, bán trú HS.
Hiện nay, cơ sở vật chất trong trường bán trú, có HS bán trú chưa đảm bảo; phòng ở chật chội, HS ngủ tại lớp học, nơi lưu trú, sinh hoạt, học tập, vui chơi của HS ở một số trường PTDT bán trú còn chật hẹp, nguồn nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày thiếu.
Cần tăng cường hơn nữa cơ sở vật chất cho hoạt động giáo dục ngoại khóa tại các nhà trường. |
Một số trường chưa chú trọng thường xuyên việc hướng dẫn hình thành các nền nếp cho HS bán trú. Các hoạt động giáo dục tập thể, ngoại khóa, lao động sản xuất, công tác vệ sinh cá nhân, vệ sinh khu vực lưu trú, phòng ở… chưa được thường xuyên và có nền nếp.
Cha mẹ HS chưa thực sự quan tâm, phối hợp với nhà trường trong việc quản lý HS bán trú đặc biệt HS bán trú thuê trọ học ngoài nhà trường…
Để khắc phục những hạn chế trên, hàng loạt giải pháp về công tác nội trú, bán trú đã được ngành giáo dục Hà Giang đề ra thực hiện trong năm học 2019 – 2020 và các năm tiếp.
Ngành GD&ĐT sẽ tiếp tục thực hiện đúng, đủ, kịp thời chế độ cho GV, HS. Chú trọng việc tổ chức bữa ăn cho HS, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu chế biến, bảo quản, vận chuyển, tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thức ăn theo đúng quy định.
Chú trọng việc tổ chức bữa ăn cho học sinh nội trú, bán trú. Hướng dẫn nền nếp nội vụ và giáo dục kỹ năng sống cho HS.
Đặc biệt, mỗi phòng GD&ĐT sẽ lựa chọn xây dựng từ 1-2 trường về mô hình kiểu mẫu đối với công tác nội trú, bán trú cho học sinh.
Xây dựng trường PTDTNT tỉnh, trường PTDTNT THCS&THPT Yên Minh và trường PTDTNT THCS&THPT Bắc Quang thành mô hình kiểu mẫu về công tác nội trú cho HS.
Nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ quản lý các trường trong việc thực hiện công tác nội trú, bán trú…