Người thầy 17 năm không nhận lương hưu

GD&TĐ - Nhiều năm làm Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn, ĐH Tổng hợp Hà Nội, GS.NGND Nguyễn Kim Đính là một người thầy hiền từ được các đồng nghiệp và học trò các thế hệ ngưỡng mộ và tôn kính. Thầy sống lặng lẽ như một nhà hiền triết, vượt khỏi vòng danh lợi đời thường, chỉ biết đến chuyên môn và học trò mà không bon chen với thời cuộc.  

Người thầy 17 năm không nhận lương hưu

“Tôi cũng có khuyết điểm là quên làm quyền lợi cho mình”

Mới đây, câu chuyện giáo sư 17 năm không nhận lương hưu gây xôn xao trên các diễn đàn. Tôi hỏi thầy: “Liệu có phải do trắc trở về mặt thủ tục hay cơ quan chức năng “quên” không trả lương hưu cho thầy?

Thầy cười đôn hậu nói rằng:“Mấy ngày hôm nay thầy luôn phải giải thích vì sao 17 năm nay không nhận lương hưu. Nhiều người cho rằng: “Hình như người ta không chịu làm lương cho thầy?”, “Chắc ông này ngày xưa vợ không lấy lương của ông, giờ thành quen? Ông này không lấy vợ nên không cần đến lương”…

Thầy cho biết, nghỉ hưu năm 2001, lúc đó đã 70 tuổi. Nhà trường làm đầy đủ thủ tục cho thầy để ra quận làm chế độ. Hôm nhận quyết định thấy ghi mỗi tháng được nhận hơn 980.000 đồng, thầy nghĩ số tiền ấy chẳng là bao, lúc nào làm thủ tục nhận cũng được.

Thầy kể, thời đó viết một bài báo cũng được 300.000 đồng. Mặc dù nghỉ hưu thầy vẫn được mời đi giảng dạy chuyên đề, vài buổi cũng có vài triệu đồng. Vì thế, thầy thấy không cấp thiết. Rồi cộng với việc di chuyển nhà ở nhiều nơi, thầy không ra BHXH quận làm thủ tục nên họ không chuyển lương. Rồi thời gian cứ thế trôi đi.

GS Đính cho biết: “Lý do thứ 2 thầy không nhận lương hưu bởi có một hậu phương tình cảm “quá đẹp”. Anh em trong gia đình thầy theo nền nếp gia phong hiếu và đễ, rất thương yêu nhau. Ở với các em, các cháu không mất tiền ăn, tiền điện, không những thế trong túi thầy lúc nào cũng rủng rỉnh. Các em, các cháu đều là những người thành đạt thường bỏ túi cho thầy nên không thấy thiếu. Năm nào thầy cũng đi nghỉ hè, nghỉ mát do các em, các cháu mời. Mà thầy có tiêu gì đâu nên không để ý nữa”.

Thầy cười nói rằng, lý do thứ ba chưa đi lĩnh lương là vì: “Tôi giữ được sức khỏe tốt. Sổ y bạ của Bệnh viện Việt Xô thầy có từ lâu nhưng chưa bao giờ dùng đến. Trong bài viết 2 lần hội ngộ sinh viên khóa 8, GS Hà Minh Đức viết “GS Kim Đính được mệnh danh là thanh thản và trẻ nhất khoa”.

Gần đây, em trai giáo sư, nguyên Viện trưởng Đại học Mở Hà Nội có một nghiên cứu sinh làm trong nghành BHXH. Khi biết chuyện, cô ấy bảo sẽ hỏi giúp. Bảo hiểm quận xác nhận thầy chưa lĩnh lương hưu nên đề thầy làm đơn xin nhận. Thầy đã viết đơn, họ đã xác nhận. Tính toán thì biết thầy được truy lĩnh 17 năm, được khoảng 870 triệu đồng, cộng với lương hưu 8.310.000 đồng/tháng từ nay trở đi.

“Thầy cũng chưa biết dùng gì với khoản tiền truy lĩnh, cứ để đấy đã. Đối với thầy, danh và lợi có thể cần, nhưng không đến mức chi phối được thầy” – GS Nguyễn Kim Đính cười hiền từ.

Khi biết chuyện 17 năm thầy không nhận lương hưu, nhiều học trò cũng tỏ ra bức xúc muốn làm rõ nguyên nhân. Nhưng rồi chính thầy Đính đã nói với các học trò rằng: Mình có khuyết điểm không ra BHXH quận làm thủ tục nên họ không chuyển lương cho mình. Khi biết chuyện, BHXH đã làm cho mình đầy đủ. Giám đốc BHXH quận, nhân viên đã đến nhà, trao đổi rõ mọi chuyện và mong thầy thông cảm. Thầy cũng nói: “Tôi cũng có khuyết điểm là quên làm quyền lợi cho mình”.

Cách cư xử đầy văn hoá của GS Đính luôn thể hiện lòng bao dung, độ lượng, tình người sâu sắc. Nhiều học trò của GS Nguyễn Kim Đính đều nhận xét thầy là người tận tâm, tận sức với công việc nghiên cứu, dạy dỗ, hướng dẫn sinh viên.

Những bài học làm người sâu sắc

Đã bước vào tuổi 88, GS Nguyễn Kim Đính vẫn cần mẫn làm việc, vẫn đọc, vẫn học và nghiên cứu. Với thầy, say mê làm việc để không bị xa rời thực tại, trí tuệ không bị sơ cứng, tâm hồn vẫn luôn xao động với những áng thơ văn bất hủ.

Khi kể về quá khứ, giáo sư nhắc nhiều hơn cả, hài lòng hơn cả là kỷ niệm với những người thầy học cũ, về những bài học làm người sâu sắc, không bao giờ quên.

Nghẹn ngào trong niềm cảm xúc, thầy Đính cho biết, trong nhiệm kỳ làm Chủ nhiệm Khoa Văn của trường, có ba việc mà thầy cảm thấy hài lòng. Thứ nhất, đưa môn Hán văn vào môn cơ bản bắt buộc cho các ngành học trong khoa (từ năm 1987 môn học Hán Nôm được đưa vào giảng dạy trong chương trình Khoa Văn, Trường ĐH Tổng hợp).

Những cống hiến của GS. NGND đã đóng góp rất nhiều cho nền giáo dục của nước nhà và đã được Nhà nước ghi nhận và tặng nhiều phần thưởng cao quý: Được tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 1990; danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 2000; Năm 2001 chiến sĩ thi đua toàn quốc; Năm 1985 Huân chương Kháng chiến hạng 3; Năm 1992 Huân chương Lao động hạng 3; Thầy được đặc cách lên Huân chương Lao động hạng Nhất năm 1997; Được công nhận chức danh Phó Giáo sư năm 1984; Được công nhận chức danh Giáo sư năm 1991 và nhiều huy chương khác như Huy chương Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức công đoàn; Huy chương Vì thế hệ trẻ năm 1990, Huy chương Vì sự nghiệp GD năm 1995. 

Thứ hai, ngày Giáo sư Hoàng Xuân Nhị mất, thầy cùng khoa xin tổ chức tang lễ trang trọng tại giảng đường Lê Thánh Tông, nhằm tri ân và tôn vinh người thầy giáo mẫu mực, cả đời vì trường, vì khoa. Đây là lần đầu tiên, một lễ tang được tổ chức tại giảng đường Lê Thánh Tông.

Thứ ba, năm 1991, nhân ngày kỷ niệm 35 năm thành lập khoa, thầy đã xin phép mời được thầy Nguyễn Mạnh Tường về dự. “Thầy Tường là người thầy trong số những thầy đã xây dựng cơ sở của Trường ĐH Tổng hợp, có 2 bằng tiến sĩ Văn và Luật bên Pháp, nhưng bị điều về làm nhân viên NXB Giáo dục do quan niệm về tư tưởng lúc bấy giờ. Tuy nhiên, đến thời kỳ đổi mới, nỗi oan của thầy đã được “chiêu tuyết”.

Cuộc đời của thầy Đính luôn gắn quyện với bao thăng trầm của nhà trường. Những năm đầu của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, Trường Tổng hợp là nguyện vọng hàng đầu của các thí sinh bước vào ngưỡng cửa đại học. Vào cuộc chiến tranh phá hoại, thầy trò gồng gánh sách vở, giáo trình về làng quê sơ tán. Những tiết giảng bài cho sinh viên bên hầm trú ẩn, những buổi tiễn đưa sinh viên lên đường ra mặt trận, mãi là những kỷ niệm đẹp trong đời giảng dạy của thầy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ