Đã nghỉ hưu nhiều năm nhưng thầy không lúc nào ngừng làm việc, cũng bởi một tâm niệm luôn canh cánh bên lòng "học nhi bất yếm, hối nhân bất quyện..." (học không biết chán, dạy không biết mỏi).
Từ thầy giáo trường làng
Thầy Đính kể cho tôi nghe về những năm tháng kháng chiến chống Pháp (khoảng năm 1954 -1955), thầy là giáo viên dạy ở Trường cấp 2 Quảng Khê (Quảng Xương, Thanh Hóa), rồi có thời gian thầy làm Hiệu trưởng Trường cấp 2 Quảng Khê. Trường Quảng Khê thời đó là trường dân lập do các tổ chức xã hội thành lập, lương của giáo viên được trả từ học phí đóng góp của học sinh.
Trong lần kỷ niệm 50 năm sinh viên tốt nghiệp khóa 8 Trường ĐH Tổng hợp, thầy được mời đến dự. Kết thúc buổi gặp gỡ, thầy đã tặng học trò cũ của mình - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - đôi câu đối với mong muốn học trò của mình sẽ vững vàng hơn với một trách nhiệm nặng nề trong việc xây dựng Đảng: “Trọng chính, trọng liêm, hưng đảng tiết” (muốn xây dựng Đảng phải làm cho khí tiết của người đảng viên cao lên)/ “Dương tài, dương trí, kết dân tâm” (Biểu dương người tài, biểu dương tri thức, kết lòng người lại). Thầy kể lại rằng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cảm ơn thầy và nói rằng: Vậy là hôm nay, thầy và các bạn trao cho em trách nhiệm nặng nề đây.
“Trường được mở ở đình làng, đời sống của thầy và trò vô cùng gian khổ. Các lớp học ban đêm với đèn dầu tù mù, bàn ghế thì không ra bàn ghế. Do đói quá mà số học sinh cứ giảm liên tục, suất ăn của thầy cũng chỉ có rau má, củ chuối độn vào một phần cơm ít ỏi. Nhưng cũng chính giai đoạn này đã để lại dấu ấn sâu đậm với thầy. Thầy nhớ lại, hồi đó, người dân có thói quen ăn cơm rất sớm để đi làm đồng. Thời khó khăn, cơm không đủ, người dân chỉ ăn ngô, khoai để nhường suất ăn cho thầy giáo có sức mà giảng bài.... Đó là bài học về tình thân ái cộng đồng, về tấm lòng nhân hậu, thơm thảo của nhân dân”, kể đến đó, giọng thầy chùng xuống.
Nhưng "lửa thử vàng, gian nan thử sức", từ những bước đi đầu tiên vất vả, bản lĩnh và phẩm chất sư phạm ở thầy đã dần dần hình thành và được tích lũy. Không nề hà khó khăn, thầy đã đảm nhận dạy cả 4 môn gồm Toán, Lý, Hóa, Văn với niềm mong mỏi được truyền bá tri thức đến các thế hệ học trò.
…Đến sinh viên xuất sắc
Năm 1956, thầy Đính được cử ra Hà Nội học. Thầy đã chọn Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội với ước mơ được nghiên cứu khoa học cơ bản. Thầy tự hào mình là sinh viên khóa đầu tiên của Trường Đại học Tổng hợp từ 1956 - 1959, đã được học tập, rèn luyện ở cái nôi tri thức của nước Việt Nam mới.
“Ở đây cùng học với tôi là những sinh viên ưu tú nhất được quy tụ về từ khắp các vùng miền, còn dạy chúng tôi là những người thầy giỏi nhất, những giáo sư danh tiếng như Đặng Thai Mai, Cao Xuân Huy, Nguyễn Mạnh Tường, Hoàng Xuân Nhị... Chính những người thầy lớn ấy đã trang bị cho tôi những công cụ cơ bản nhất để bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu và làm khoa học..." - thầy chia sẻ.
Năm 1959, ngay sau lễ phát bằng tốt nghiệp, 300 sinh viên cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, thầy là một trong 35 sinh viên xuất sắc được mời lên gặp thầy Hiệu trưởng Ngụy Như Kon Tum. "Các em sẽ tham gia lớp học bồi dưỡng chính trị 1 tháng sau đó sẽ được đưa đi đào tạo ở Liên Xô. Đây là niềm vinh dự cũng là nhiệm vụ phải hoàn thành thật tốt..." - thầy hiệu trưởng mới. Mọi người đều lặng đi vì bất ngờ và sung sướng.
Tháng 9 năm ấy, chuyến tàu liên vận chở đoàn sinh viên Việt Nam cập ga Matxcơva. Những chàng trai, cô gái trẻ lần đầu rời xa Tổ quốc háo hức đặt chân lên thềm của Trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp mang theo hoài bão, khát vọng được học tập và nghiên cứu để trở về xây dựng quê hương, phục vụ sự nghiệp cách mạng của dân tộc, thầy và bè bạn bắt đầu 4 năm miệt mài "truy thu" những tri thức khoa học.
Nhớ lại khoảng thời gian học tập tại Nga, thầy Đính cho biết: “Thời đó, tình thầy trò vô cùng thắm thiết. Nhà trường cử 1 giáo sư chuyên hướng dẫn chúng tôi. Chúng tôi phải học thêm tiếng Nga 3 năm. Ở đó, học tiếng Nga chia làm nhóm nhỏ, một cô dạy 3 - 4 người. Cô giáo dạy tiếng Nga đồng thời là người hướng dẫn SV học tập. Và muốn hiểu sâu và giảng hay được về nền văn học Nga thì chúng tôi phải học về ngôn ngữ Nga, phải biết nhiều về lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán, nếp sống, nếp nghĩ của người Nga.
Những ngày Chủ nhật, cô giáo thường dẫn chúng tôi đến thăm hầu khắp các viện bảo tàng ở thủ đô Matxcơva và vùng lân cận, ở những nơi ấy tôi có thêm nhiều thông tin về các nhà văn nổi tiếng mà mình yêu mến. Chúng tôi còn được cô giáo đưa đi xem cả kịch ba lê Hồ Thiên Nga mà thời đó, muốn xem người ta phải xếp hàng cả tháng. Kỷ niệm về đất nước Nga luôn tồn tại trong tiềm thức của tôi đẹp vô cùng, trong sạch và thiêng liêng như một bông tuyết đầu mùa trong thơ của Xiđôrenkô”.
Chuyên gia hàng đầu về văn học Nga
Một trường hợp SV khiến thầy nhức nhối, nhớ mãi. Đó là dịp sắp nghỉ Tết sinh viên chuẩn bị về quê.Thầy trực ở văn phòng khoa, đang chuẩn bị đóng cửa niêm phong về nghỉ Tết thì có người đến báo, có một sinh viên của khoa ra đến ga Hàng Cỏ thì ăn cắp nên bị công an giữ lại. Họ điện báo nhà trường ra nhận sinh viên. Thế rồi, thầy cử trợ lý của khoa ra ga Hàng Cỏ, nhận bảo lãnh với công an, không quên căn dặn cho em sinh viên ít tiền về quê. Chuyện đã qua lâu rồi, nhưng khi kể lại, thầy vẫn ngậm ngùi tiếc nuối cho sự đổi thay đến chóng mặt của xã hội khiến sinh viên không giữ được nhân cách.
Năm 1963, thầy về Việt Nam và bắt đầu đảm nhiệm công việc giảng dạy văn học Nga tại Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Khó khăn chung của hoàn cảnh đất nước có chiến tranh không hề làm giảm nhiệt huyết, lòng yêu nghề và niềm đam mê nghiên cứu khoa học ở thầy.
Sống ở phòng tập thể, đi dạy bằng xe đạp, một phần lớn thời gian trong ngày làm việc cùng cây bút và cuốn sách, tài sản nhiều nhất và đáng giá nhất là sách. Thầy bồi hồi nhớ lại kỷ niệm của những năm 70, 80 của thế kỷ trước, thời điểm khó khăn nhất mà những trí thức giảng viên như các thầy không bao giờ quên...
Thầy cười vui nói rằng: “Trong thời gian ở Trường ĐH Tổng hợp, thầy là người được đào tạo “hết sức kỹ”, từ một giảng viên, lên làm Phó Chủ nhiệm khoa, lên Chủ nhiệm khoa Khoa Ngữ văn (Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội), Trưởng Ban Thanh tra Đào tạo, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN). Bên cạnh đó, thầy còn làm tổ trưởng Công đoàn, Thư ký Công đoàn khoa, Thường vụ Công đoàn trường”. Ở bất cứ vị trí công tác nào, thầy cũng nhận được sự tin tưởng của cấp trên, sự tín nhiệm, yêu quý của anh em, bạn bè, đồng nghiệp.
Tham gia nhiều vị trí công tác, nhưng thầy Đính vẫn dành phần lớn thời gian cho nghiên cứu và giảng dạy văn học. Thầy trở thành chuyên gia đầu ngành về văn học Nga, người có thể giảng dạy một cách hệ thống suốt từ Puskin đến văn học Nga hiện đại, một nhà nghiên cứu đặc biệt có "duyên" với thi pháp tiểu thuyết Nga. Những công trình, những cuốn sách của thầy từ lâu đã trở thành công cụ tham khảo, giảng dạy, học tập, nghiên cứu ở hầu khắp các trường cao đẳng, đại học có chuyên ngành văn học trong cả nước. Đó là bộ "Lịch sử văn học Nga và Xô Viết" gồm 6 quyển mà thầy là đồng chủ biên, cùng hàng chục cuốn sách nghiên cứu có giá trị khác trong đó có cuốn "Macxim Gorky" trong "Tủ sách Danh nhân Văn hóa" đã được nhiều thế hệ bạn đọc yêu mến.
Thầy còn thực hiện 6 chuyên đề về lý luận và văn học Nga cho sinh viên cuối cấp; các chuyên đề về "Tiểu thuyết Đôxtôiepxki" (những vấn đề tư tưởng và thi pháp), về "Bakhơtin và nghệ thuật ngôn từ", "Một số vấn đề hiện đại về văn hóa học" dành cho nghiên cứu sinh và học viên cao học. Ngoài ra, thầy còn là tác giả của rất nhiều bài nghiên cứu đăng trên các tạp chí chuyên ngành với đề tài về văn học Nga và lý luận văn học.
Là một con người thấm sâu văn chương nếp đất của xứ sở ấy, sự gắn bó của thầy với nước Nga không chỉ ở những ấn tượng hoặc kỉ niệm đẹp về thiên nhiên và con người xứ sở bạch dương mà còn ở những lí tưởng nhân văn cao đẹp, tràn đầy sức sống trong những hình tượng văn học bất hủ của các nhà văn cổ điển Nga. Đôi khi qua một bài viết nhỏ của thầy trên báo, ta bỗng hiểu được ánh sáng tri thức bấy lâu đã đọng lại trong những con chữ nén chặt nhiều thông tin khoa học.
Một nhà hiền triết nặng lòng với giáo dục
Hơn nửa thế kỷ trong sự nghiệp của một nhà giáo, GS.NGND Nguyễn Kim Đính luôn tâm niệm, thành công của một nhà giáo là GD-ĐT ra những con người vừa có đức vừa có tài, đủ bản lĩnh cống hiến cho sự nghiệp xây dựng đất nước.
Mặc dù là một trí thức Tây học, một thầy giáo giảng dạy văn học Nga thế nhưng trong cốt cách, phong thái, cử chỉ của GS Nguyễn Kim Đính lại mang dáng dấp một ông đồ Nho xứ Nghệ. Có lẽ điều đó ở thầy, được nuôi dưỡng và lớn lên từ gia đình có truyền thống Nho học.
Khi bàn về học và việc dạy học, thầy Đính tâm niệm: Một phương pháp học và nghiên cứu khoa học hiệu quả, gói gọn trong 10 chữ: Bác học (học rộng), thẩm vấn (hỏi cho thật kỹ), thận tư (suy nghĩ sâu sắc, cẩn thận), minh biện (biện luận cho rõ ràng), đốc hành (ra sức thực hành). Đó là 10 chữ vàng trong sách Trung dung mà thầy rất tâm đắc từ khi ông bác dạy chữ Hán giảng cho thầy từ thuở thiếu thời...
Tôi hỏi GS: “Thưa thầy, liệu còn đúng với nền giáo dục hiện nay nữa không?” Thầy Đính khẳng định: “Đúng chứ. Và còn đúng lâu dài!”.
Lâu nay, chúng ta thường quen nói là “Tôn sư trọng đạo”. Nhưng thầy Đính quan niệm rằng, do "trọng đạo" mà "tôn sư" chứ không phải là do "tôn sư" mà "trọng đạo"...". Do khẩu ngữ quen miệng, đứng ở góc độ phía nhân dân nên người ta dùng “tôn sư trọng đạo”, nhưng trong ngành Giáo dục nên“trọng đạo tôn sư”.
Thầy giải thích, “trọng đạo” ở đây phải trọng đạo học. Không chỉ người trong ngành Giáo dục mà nhân dân và các cấp chính quyền đều phải trọng đạo học. Trong đạo học ấy phải phân biệt đạo giảng dạy và đạo học (đạo của người thầy và đạo của người trò).
Thầy nhớ lại những tháng ngày dạy học, thời nhà thơ Anh Ngọc và nhà báo Trường Phước học, mỗi giờ giảng, thầy cảm nhận có một sự giao cảm đặc biệt giữa thầy và trò. Sau này nền kinh tế thị trường, nhiều khi thầy giảng, SV nghe, ghi chép nhưng dường như thiếu sự giao cảm đó.
Theo thầy Đính, giảng dạy ở đại học là phải biết kết hợp giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Thầy nhớ lại lời GS Tạ Quang Bửu luôn căn dặn học trò: “Dạy ở đại học, trước hết phải chú ý chương trình, đó là cương lĩnh của giáo dục. Thứ 2 là phương pháp giảng dạy. Thứ ba là phong cách đại học bao gồm phong cách giảng dạy của người thầy và phong cách học tập của sinh viên.
Thầy Đính tâm đắc với thầy Nguyễn Mạnh Tường thường nhắc đến một quan điểm của Kant - một nhà triết học Đức nổi tiếng – Kant cũng là một giáo sư mẫu mực: “Mỗi tác phẩm, mỗi tác giả mà tôi đưa ra giảng dạy không phải để tôi đưa ra mẫu để cho các anh cứ thế làm theo mà các tác phẩm, tác giả tôi đưa ra giảng dạy ở lớp là một dịp để thầy, trò cùng tư duy”.
Thầy nhấn mạnh, trong đạo làm thầy phải quý mến, trọng học sinh của mình. Học trò không phải là cái bình để thầy muốn rót gì thì rót. Đã làm thầy phải biết quý bạn, quý đồng nghiệp của mình.
Thầy nhớ lại câu nói của bố thầy khi xưa nhắc nhở thầy: “Nếu con làm nhà giáo thì phải nhớ điều này: “Chính kỷ dĩ giáo nhân giả thuận” có nghĩa “giữ mình ngay ngắn thì dạy người mới là thuận”; đối lập là câu “Uổng kỷ dĩ giáo nhân giả nghịch” có nghĩa “bản thân là người cong queo đi dạy người ta là chuyện trái ngược””.
Thầy quan niệm đi dạy là phải dạy sinh viên làm người. Thầy Đính cho rằng, đạo lý thầy trò ấy không chỉ bó hẹp trong bốn bức tường lớp học. Đằng sau một tiếng "chính kỷ" phải là cả một đời học tập, trau dồi, đấu tranh và sống làm gương; với hai chữ "trọng đạo" là cả một kỷ cương rộng khắp, không được phút giây trễ nải cả với thầy và trò, từ bục giảng ra đường, từ gia đình đến cộng đồng rộng lớn.
Trăn trở về sự đổi thay của thời cuộc
Cho đến bây giờ, khi không còn đứng lớp, câu chuyện về 3 sinh viên của trường vẫn khiến thầy suy nghĩ và trăn trở nhiều về sự đổi thay của thời cuộc, của đất nước.
Năm 1963, thầy về trường. Năm 1964, nhà trường bắt đầu tuyển sinh viên đi B. Thầy nhớ lại: “Ngày đó có một sinh viên tên Hoằng, đến gặp thầy. “Em đến chào thầy, mai em đi vào miền Nam chiến đấu”. Em rất mê văn học Nga, thầy có tập truyện nào về văn học Nga, thầy cho em mang đi để đọc ạ”. Tôi đã tặng cậu học trò tập truyện trong đó có truyện ngắn “Trái tim Đan Kô”. Một năm sau,nghe tin sinh viên đó đã hi sinh ở mặt trận Đồng Nai, lòng tôi nặng trĩu.
Giọng thầy Đính bùi ngùi khi nhắc tới người học trò tên là Nguyên với luận văn tốt nghiệp do thầy hướng dẫn: “Bàn về không gian nghệ thuật của Aimatốp trong tiểu thuyết “Một ngày dài hơn thế kỷ”. Luận văn viết rất xuất sắc, hay nhất, cao điểm nhất.
Một ngày, cậu sinh viên đến chào thầy về quê nhận công tác, vẻ mặt rất buồn và nói rằng: “ Em nói với thầy, ra đời mà thực hiện đúng lời thầy giáo giảng ở lớp là thất bại, khổ. Sau này thầy có nghe nói thằng Nguyên này bị bắt, bị tù về tham ô, lừa đảo thì thầy cũng thông cảm. Em cũng xin nói thẳng là tất cả vì em làm sai, làm trái với lời thầy cô giảng dạy”. Tôi nói:“Những gì thầy giảng dạy em, hôm nay em trả lại hết cho thầy à?” Em không dám thế. Không, đó là tâm sự thật của em. Ra đời không như ở trường dạy!”.
“Lời nói của cậu sinh viên như báo động cho tôi.Thời tôi đi học xã hội và con người khớp với nhau, những định hướng giá trị đồng nhất với nhau. Khi ra trường, hồi đó một số ưu tú thì đi Liên Xô, một số ở lại trường, một số đi dạy cấp 3, một số làm nhà báo… dường như tâm lý ai cũng vui vẻ. Chuyện cậu Nguyên là lời báo động “Những gì đào tạo, định hướng giá trị trong nhà trường phải tạo được cho sinh viên một bản lĩnh vững mạnh để khi ra đời có thể đương đầu với những xô bồ, bề bộn của cuộc sống”.
Mỗi khi ai nhắc về học sinh khoa Văn của Trường ĐH Tổng hợp ngày nào, dường như ánh mắt thầy lại ánh lên niềm tự hào. Thầy Đính vẫn nhớ, người học trò đầu tiên mà thầy hướng dẫn làm luận văn tốt nghiệp, ấy là nhà thơ Anh Ngọc bây giờ. Đấy là người học trò thông minh và say mê thơ ca lạ kỳ. Năm 1963, anh đã vừa học vừa dịch thơ Lec-môn-tốp từ bản tiếng Nga.
Rồi Trường Phước, người có tài hùng biện và trí nhớ tuyệt vời. Trước lớp học, Trường Phước có thể đứng lên đọc thuộc làu cả mấy chương dài trong trường ca “Tốt lắm” của nhà thơ Maiacôpxki. Vì mê thơ Mai-a, Trường Phước đã làm luận văn tốt nghiệp xuất sắc về Mai-a. Khi ra trường, với khả năng hùng biện của mình, anh về làm biên tập và bình luận viên xuất sắc của Đài Truyền hình Việt Nam.
“Tiếc cho Trường Phước quá, người thông minh như thế mà mắc bệnh hiểm nghèo, phải ra đi sớm!”. Giọng thầy Đính bùi ngùi khi nhắc tới người học trò thân yêu của mình.
Khi nói về sinh viên Khoa Văn Trường ĐH Tổng hợp ,Thầy Đính tự hào: “Sinh viên khoa văn đa dạng, đa năng và đa tài. Trong 22 liệt sĩ thời chống Mỹ (từ khóa 5 - 16), khoa văn có 18 liệt sỹ, trong đó có người được phong anh hùng, đó là nhà văn nhà báo, liệt sỹ Chu Cẩm Phong.
Sinh viên Khoa Văn thời đó đều lên đường ra mặt trận với tư cách là phóng viên báo chí chiến trường. Họ có mặt trên khắp trận tuyến, có những người ra đi rồi không trở về”. Nói đến đây, thầy Đính ngậm ngùi đọc lại 2 câu thơ của GS Hoàng Như Mai khi về thăm trường đã viết lưu bút: “Thầy cô người mất người còn/ Sinh viên đây đó mồ chôn chiến trường”.
Và hôm nay, điều thầy tha thiết nhất, đó là mong muốn Trường ĐH KHXH NV xây dựng một tấm bia liệt sĩ, để mỗi năm đến Ngày Thương binh, Liệt sĩ hay ngày Tết, các thầy trở về thắp một nén hương, đặt một bông hoa tri ân những người đã khuất.