Không ít người tỏ ra mất lòng tin vào giáo dục, nhưng tôi thì vẫn tin, bởi tôi biết, rất nhiều thầy cô giáo đang “truyền lửa” cho học sinh theo cách của riêng họ. Chính tình yêu nghề đã trở thành động lực mãnh liệt, giúp họ vượt qua những thời khắc nản lòng, những khó khăn, thử thách trong cuộc sống để neo lại với nghề. Dạy học, với những thầy cô giáo ấy, không đơn thuần chỉ là nghề mà còn là nghiệp.
“Thưa thầy, còn nhớ em không…”
Cũng đã 3 năm trôi qua rồi, nhưng chúng tôi vẫn nhớ như in bài phát biểu của nhà giáo lão thành Phạm Phát, Nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam - Đà Nẵng cũ tại lễ tuyên dương, khen thưởng nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam. Không viết sẵn, thầy kể lại hai câu chuyện khiến các đại biểu dự buổi lễ hôm ấy đều xúc động và không khỏi trăn trở, suy ngẫm về sứ mệnh của người thầy, về đạo nghĩa thầy trò…
Thầy Phát kể, cách đây vài năm, cũng nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, một đồng nghiệp của thầy nhận được điện thoại của một HS cũ ở ngoài Bắc gọi vào chúc mừng thầy giáo chủ nhiệm: “Gần như cả lớp mình tập trung đông đủ thầy ạ, vì điều kiện không vào thăm thầy được nên xin phép thầy cho phép chúng em, từng bạn một được chào thầy để được nghe giọng nói của thầy”.
Và điện thoại được chuyền từ người này sang người khác, từng HS cũ lần lượt giới thiệu tên, hỏi thăm sức khỏe của thầy. Một bạn nữ sau khi chúc mừng thầy thì hỏi: “Thầy ơi, có nhớ em không?”. Không những nhớ, thầy còn nhắc luôn cả biệt hiệu riêng của cô học trò giỏi ngày nào: “Có phải em là Tâm “ròm”, học giỏi nhất lớp không?”, khiến cô bạn xúc động không nói nên lời, lớp trưởng phải chen ngang cuộc nói chuyện.
Cứ thế, người thầy giáo già nhớ đặc điểm của từng cô cậu học trò cũ: “Em có phải là cậu học sinh quậy nhất lớp, ngồi bàn cuối, dãy bên phải, phải không?”. Và khi lớp trưởng chợt hô nhỏ: “Hai, ba” rồi sau đó là tiếng hô đồng thanh: “Chúng em nhớ thầy lắm!” thì cả hai đầu dây điện thoại đều lặng đi, cả thầy và trò không ai nói thêm được gì…
Câu chuyện thứ hai cũng của một người bạn thầy kể lại, ông có đứa cháu gái đang học lớp 2. Cháu có nhờ ông phụ giúp cháu trang trí một tấm thiệp để cháu viết lời chúc mừng cô giáo nhân Ngày 20/11. Cháu có đưa cho ông xem nội dung đã được cháu nắn nót viết từng chữ: “Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, em kính chúc cô sức khỏe. Em xin hứa từ nay không nói chuyện trong lớp nữa để khỏi bị cô đánh”…
Từ hai câu chuyện dẫn nhập, thầy giáo Phạm Phát đặt vấn đề rằng lâu nay, chúng ta thường tư duy theo hướng người thầy là tấm gương để HS noi theo, nhưng hầu như không mấy ai chú ý rằng, chính HS mới là tấm gương thật phản chiếu tất cả nhất cử, nhất động của người thầy. “Cái hay, cái xấu của mỗi thầy cô giáo, HS đều cảm nhận được cả, đừng nghĩ là các em trẻ dại chưa biết gì. Trẻ tinh ý lắm, ai thương yêu, quan tâm các em thật lòng, các em đều biết cả.
Nhưng thật diệu kỳ và tuyệt vời là cuộc sống vốn dĩ còn có sự khoan dung nên những hình ảnh không đẹp, những câu chuyện không hay về thầy cô, theo thời gian cũng dần bị quên lãng hoặc được gạn đục khơi trong, để khi nhớ về thời hoa niên, bao giờ mỗi người trong chúng ta cũng nhớ về những kỷ niệm đẹp. Đừng nghĩ rằng, chỉ có thầy cô giáo mới có lòng khoan dung, mà HS cũng khoan dung lắm. Đời mỗi người thì ngắn ngủi, nhưng sự nghiệp và sứ mệnh của nghề giáo thì lại vô tận; nó là thứ ánh sáng được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác mà không bao giờ tắt…”.
Cứ nhìn vào học sinh để dạy
Vào nghề năm 1985, thời điểm mà nhiều giáo viên không trụ lại được với nghề vì khó khăn, cô Trần Thị Kim Bình (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Gia Tự, Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng) tâm sự: “Hơn 25 năm trong nghề, làm sao tránh khỏi những lúc nản lòng, mình hầu như toàn nhận công tác ở những địa bàn khó khăn, nhiều thách thức… nhưng rồi lòng yêu nghề, ý thức trách nhiệm nghề nghiệp đối với xã hội đã giúp mình đứng vững được. Nghề nghiệp, ngoài mang lại cho mình một công việc ổn định, còn tạo cơ hội cho mình được tôn vinh, quý trọng, sao mình có thể phụ bạc được”.
Đi lên từ vị trí của một giáo viên, cô Kim Bình thường gửi gắm với tập thể sư phạm nơi mình công tác rằng: “Học trò càng đặc biệt thì mình càng phải kiên nhẫn bởi chỉ cần thiếu đi chút nhẫn nại thôi, thì có thể số phận các em sẽ khác đi. Học sinh càng thiếu thốn sự quan tâm, chăm sóc của bố mẹ thì giáo viên càng phải quan tâm, phải “cho” nhiều hơn. Khi dạy trẻ, vì vậy, đừng bao giờ nghĩ đến phụ huynh vì ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến trẻ. Hãy cứ nhìn vào HS để dạy thì sẽ công bằng cho tất cả các em”.
Câu chuyện của cô Kim Bình khiến tôi nhớ đến tâm niệm của cô giáo Nguyễn Thị Quảng (Q. Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), người suốt nhiều năm liền một mình vượt núi băng hầm vượt đoạn đường hơn 16km đi bộ để phổ cập tiếng Anh cho con em làng phong dưới chân đèo Hải Vân. Cô tâm niệm: “Học trò càng yếu, càng thua thiệt thì mình càng thương. Làm sao giúp một em học lực kém vươn lên thành học sinh trung bình mới là điều đáng nói ở một người thầy. Điều đó giá trị hơn việc mình đang dạy bao nhiêu học sinh giỏi”.
Sự nghiệp GD&ĐT chưa bao giờ là dễ dàng; ai cũng có thể tham góp nhưng không phải ai cũng làm tốt được công việc gian khó này. Trước những tác động cả hai của sự phát triển kinh tế - xã hội, người thầy, muốn giữ được sự tôn trọng của cả học trò và xã hội, hơn bao giờ hết, phải luôn giữ vững bản lĩnh cũng như lòng tự trọng, tự tôn với nghề nghiệp. Cô Kim Bình chia sẻ, để làm một giáo viên tốt thì việc học của người thầy là chưa bao giờ ngừng nghỉ, bởi chỉ cần không trau dồi, không tự cập nhật kiến thức, thông tin thì giáo viên còn tụt hậu so với cả học sinh.
PGS.TS Nguyễn Văn Long, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng cũng kể lại, có không ít giáo viên có tâm trạng lo lắng rằng với việc ứng dụng CNTT trong dạy - học thì sẽ bị giảm giờ giảng, hoặc vai trò của giáo viên sẽ bị thay thế. “Chúng tôi khẳng định, không có gì thay thế được người thầy, chỉ có những thầy cô giáo có năng lực ứng dụng CNTT trong dạy học sẽ thay thế những thầy cô không bắt nhịp được với CNTT trong tương lai mà thôi” - thầy tâm sự.