Hướng tới kỉ niệm 1.010 năm ngày mất của Thái sư Lưu Cơ (1013 - 2023), Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cùng Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội và Hội đồng Lưu tộc Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Vai trò lịch sử của Thái sư Lưu Cơ”.
Quay hướng thành, trao “sổ đỏ”
Sau hơn nghìn năm, giới sử học có thêm những nhận định đúng đắn về vai trò và công lao to lớn của Thái sư Lưu Cơ đối với đất nước, cũng như với nhà Đinh, nhà Tiền Lê và nhà Lý.
Theo báo cáo của TS Nguyễn Việt - Trung tâm tiền sử Đông Nam Á và ông Trương Đình Tường - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Ninh Bình trích dẫn cứ liệu lịch sử từ “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Đại Việt sử ký tiền biên” và “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”: Thái sư Lưu Cơ sinh ngày 3 tháng Giêng năm 940 ở Tri Hối, châu Đại Hoàng (nay là xã Gia Tân, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình).
Lưu Cơ là đồng hương, cùng thế hệ của Đinh Bộ Lĩnh, Đinh Điền, Nguyễn Bặc và Trịnh Tú từ thuở cờ lau tập trận. Khi Đinh Bộ Lĩnh phất cờ tụ nghĩa ở động Hoa Lư, Lưu Cơ khi ấy ngoài 20 tuổi đã cùng Đinh Điền, Nguyễn Bặc và Trịnh Tú sát cánh cùng Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, thu giang sơn về một mối.
Sử liệu cho thấy, Lưu Cơ trực tiếp cầm quân đánh dẹp sứ quân Lý Khuê (tức Lý Lãng Công) ở Siêu Loại (Bắc Ninh).
Năm Mậu Thìn 968 sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, phong Lưu Cơ làm Thái sư Đô hộ phủ. Vai trò này của Lưu Cơ được đánh giá là sánh ngang hàng Phó Vương, giúp Đinh Tiên Hoàng cai quản phần đất trọng yếu.
Từ năm 971 với tư cách là Thái sư Đô hộ phủ, Lưu Cơ được Đinh Tiên Hoàng giao cai quản thành Đại La và quản lý cả vùng Giao Châu cũ (Bắc Bộ ngày nay) - đóng bản doanh tại thành Đại La, Thủ phủ của Giao Châu. Ông có công lớn trong việc cải tạo, xây dựng thành Đại La - tòa thành của An Nam đô hộ phủ từ thời thuộc Đường - thành tòa thành của nước Đại Cồ Việt độc lập, tự chủ.
Từ tòa thành hướng vọng về phía bắc, Lưu Cơ đã cho sửa sang tòa thành hướng về phía Nam - nơi định đô của Đinh Tiên Hoàng tại Hoa Lư.
PGS.TS Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khảo cổ học - nói rằng, khi khai quật Hoàng thành Thăng Long đã thấy dấu tích của thời Đinh - Tiền Lê. Trong đó có viên gạch Đại Việt quốc quân thành chuyên - loại gạch của nhà Đinh. Đó cũng là minh chứng rõ ràng cho việc quản lý, sử dụng, xây dựng của nhà Đinh - Tiền Lê tại La Thành.
Khi triều Đinh suy vong, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn lên ngôi Hoàng đế lập nên nhà Tiền Lê, Thái sư Đô hộ phủ Lưu Cơ đã giúp Lê Hoàn huy động nhân tài vật lực tổ chức cuộc kháng chiến chống nhà Tống vào năm 981 thắng lợi.
“Thái sư Lưu Cơ là vị tướng cai quản, tu tạo thành Đại La liên tục trong vòng 40 năm (971 - 1010) qua ba triều đại, chuẩn bị về mọi mặt cho cuộc dời đô của Lý Công Uẩn từ Hoa Lư về Thăng Long vào tháng 7/1010. Chính ông là người đã trao chìa khóa và “sổ đỏ” thành Đại La cho nhà Lý”, TS Nguyễn Việt cho hay.
Đặt tên đường phố, trường học
Theo giới nghiên cứu lịch sử, thành Đại La khi trở thành kinh đô Thăng Long vào tháng 7 năm 1010 đã là một kinh đô Đại Cồ Việt được chuẩn bị hoàn tất, mà công lao được ghi nhận của Lưu Cơ. Ông bàn giao kinh thành Thăng Long cho Lý Thái Tổ khi gần 70 tuổi và cáo lão về trí sĩ tại quê nhà.
Sau này, Thái sư Lưu Cơ không được nhà Lý trọng dụng và nhắc đến nhiều trong sử sách. Bởi vậy, hậu thế ít người biết đến Lưu Cơ, nên việc ghi nhận tôn vinh và truyền bá công lao của ông còn nhiều thiếu sót.
Đồng tình với quan điểm phải ghi nhận, tôn vinh xứng đáng với Thái sư Lưu Cơ, nhà sử học Dương Trung Quốc kiến nghị các nhà quản lý văn hóa xem xét để Thái sư Lưu Cơ có một vị trí tôn vinh trong di tích Hoàng thành Thăng Long cũng như ở Thủ đô Hà Nội.
Ông Quốc cho rằng, làm rõ thân thế và sự nghiệp của Thái sư Lưu Cơ không chỉ vì vinh quang của một cá nhân hay gia tộc. Đó là trách nhiệm và là sự tôn trọng lịch sử, tôn vinh công lao của các bậc tiền nhân.
Bà Nguyễn Thị Dơn - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội cho biết, những tư liệu lịch sử về Thái sư Lưu Cơ sẽ đóng góp, bổ sung cho việc trưng bày thường xuyên và trưng bày chuyên đề giai đoạn lịch sử tiền Thăng Long của Bảo tàng Hà Nội, di tích Hoàng thành Thăng Long.
Theo bà Dơn, với công lao 40 năm cai quản thành Đại La, chuẩn bị mọi tiền đề cho công cuộc dời đô ra Thăng Long của vua Lý Thái Tổ, Thái sư Lưu Cơ rất xứng đáng được đặt tên cho một đường phố ở Hà Nội.
TS Nguyễn Việt cho rằng: “Mọi người sẽ tìm một con đường quanh Hoàng thành vì nó gắn với 40 năm Lưu Cơ có công tạo ra một tòa thành Đại La. Không có tòa thành đó thì định đô Thăng Long sẽ chậm hơn. Vì thế, việc thờ phụng trong Hoàng thành cũng tỏ rõ vị trí xứng đáng của Lưu Cơ đối với Thăng Long”.
GS.TS Trương Quốc Bình - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Bảo tồn - Bảo tàng, đánh giá Thái sư Lưu Cơ xứng đáng được đưa vào nội dung thuyết trình tại di tích Hoàng thành Thăng Long, được đặt tên đường phố cũng như trường học.