Người phụ nữ quyền lực nhất phong kiến Nhật Bản

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Từ vú nuôi của Shogun (Chính di Đại tướng quân), Kasuga no Tsubone (1579 – 1643) đã trở thành nữ quan giỏi nhất thời Edo.

Tranh vẽ Kasuga no Tsubone. Ảnh: Nippon.com
Tranh vẽ Kasuga no Tsubone. Ảnh: Nippon.com

Từ vú nuôi của Shogun (Chính di Đại tướng quân), Kasuga no Tsubone (1579 – 1643) đã trở thành nữ quan giỏi nhất thời Edo, người thiết lập Hậu cung ōoku, phụ trách tuyển thê thiếp cho các Shogun và dưỡng dục người kế vị.

Nhũ mẫu của Shogun

Tsubone xuất thân từ gia tộc samurai nổi tiếng, có cha là thuộc hạ của Akechi Mitsuhide (1528 - 1582), vị tướng thân cận và giỏi nhất của Lãnh chúa Oda Nobunaga (1534 - 1582) cùng Saitō Toshimitsu (1534 - 1582).

Mặc dù vậy, Mitsuhide đã phản bội Nobunaga, gây nên Sự kiện Chùa Honnō chấn động lịch sử. Tuy thành công lật đổ Nobunaga nhưng Mitsuhide cũng nhanh chóng bị Lãnh chúa Toyotomi Hideyoshi (1537 - 1598) đánh bại.

Toshimitsu cũng có mặt trong Sự kiện Chùa Honnō nên không tránh khỏi bị truy sát. Trên đường chạy trốn, ông bị bắt và xử tử. Theo một số nguồn tin, toàn bộ các anh em trai của Toshimitsu cũng phải chịu chung số phận. Nhờ thân là nữ nhi, Tsubone được tha chết.

Họ hàng xa nhà ngoại của Tsubone là quý tộc. Có nguồn tin cho rằng, sau cái chết của cha, Tsubone đã nương tựa người bác là Sanjonishi Kinkuni và được hưởng đặc quyền giáo dục, sớm trở thành tiểu thư cao quý, giỏi cả nghệ thuật thư pháp, thi ca lẫn điều chế hương liệu.

Tới tuổi thành gia lập thất, Tsubone được gả cho samurai Inaba Masanari (1571 - 1628) và có 3 người con trai. Masanari là thuộc hạ của trung nạp ngôn (một chức quan) Kobayakawa Hideaki, người phục vụ dưới trướng Lãnh chúa Tokugawa Ieyasu (1543 – 1616, người sáng lập kiêm vị Chính di Đại tướng quân đầu tiên của Mạc phủ Tokugawa).

Không rõ vì lý do gì mà vào năm 1604, Tsubone li dị Masanari và trở thành nhũ mẫu của nhà Tokugawa, phụ trách chăm sóc Shogun tương lai, Tokugawa Iemitsu (1604 – 1651) vừa mới chào đời.

Có rất nhiều đồn đại về nguyên nhân khiến Tsubone, người vừa bỏ chồng là thuộc hạ của Shogun lại trở thành vú nuôi cho con trai của ông. Trong đó, nổi bật nhất là tin đồn bà chính là tình nhân của Lãnh chúa Ieyasu.

Tuy không thể xác nhận điều nào, nhưng chắc chắn Tsubone rất thích hợp làm người nuôi dạy Shogun tương lai, vì bà có đầy đủ kiến thức, tư chất và kinh nghiệm sống ở Kyoto. Có lẽ, chính vì khâm phục ý chí mạnh mẽ và vốn hiểu biết sâu rộng của bà, Shogun Ieyasu mới tin tưởng giao phó con trai vào tay.

Với tư cách nhũ mẫu của người thừa kế chức vị Chính di Đại tướng quân, Tsubone bước chân vào đài chính trị. Bà chủ tọa nhiều cuộc tọa đàm, tích lũy quyền lực và đặc biệt một tay thiết lập, quản lý Đại Áo – Ooku, hậu cung của Mạc phủ.

So với hậu cung của các triều đình phong kiến trên toàn cầu, Đại Áo được thiết lập khá muộn, vào năm 1607 và nằm bên trong Lâu đài Edo. Người sống trong Đại Áo là mẫu thân, thê, thiếp của Shogun và tất cả không được phép rời khỏi nơi ở.

Chính di Đại tướng quân Tokugawa Iemitsu, người được nhũ mẫu Tsubone cả đời chăm lo, tìm vợ hộ. Ảnh: Nippon.com

Chính di Đại tướng quân Tokugawa Iemitsu, người được nhũ mẫu Tsubone cả đời chăm lo, tìm vợ hộ. Ảnh: Nippon.com

Chủ quản hậu cung

Kể từ khi thành lập Đại Áo, Tsubone quản lý và có quyền quyết định tất cả mọi việc liên quan đến đời tư của Shogun. Đầu tiên, bà thiết lập hệ thống quy tắc vận hành, trong đó có lệnh giới nghiêm và quy định cấm nam giới xâm nhập. Ngay cả phụ nữ bên ngoài Đại Áo muốn vào bên trong cũng phải xin giấy phép và thông qua xét duyệt. Tiếp theo, bà khuyên can Shogun, đích thân tuyển thê thiếp và xếp đặt các mối quan hệ tình cảm.

Năm 1623, Iemitsu kế thừa vị trí Chính di Đại tướng quân. Vì Shogun Iemitsu chỉ hứng thú với các nam tình nhân và chưa có con, Tsubone đã đích thân tìm kiếm, tuyển chọn các tiểu thư, thiếu nữ phù hợp và đưa họ vào Đại Áo. Có tổng cộng 7 phụ nữ được Tsubone thuyết phục làm thê thiếp cho Shogun Iemitsu.

Người đầu tiên là Oman, ni cô tại chùa Keikōin. Sau khi được yết kiến Iemitsu dưới sự sắp xếp của Tsubone, Oman đồng ý hoàn tục và làm vợ lẽ. Người thứ 2 là Tiểu thư Ofuri, con gái một thuộc hạ của Iemitsu, nhập Đại Áo với tư cách người tình.

Người thứ 3 là Oraku, thiếu nữ thôn quê được Tsubone vô tình gặp trên đường. Người thứ 4 là Onatsu, thị nữ của Takako, vợ chính thức của Iemitsu (quan hệ giữa Takako và Iemitsu rất lạnh nhạt). Người thứ 5 là Otama, thị nữ của Oman. Người thứ 6 là Orisa, cũng là thị nữ của Takako và người thứ 7 là Omasa, con gái một thuộc hạ của Iemitsu ở Owari.

Năm 1637, Shogun Iemitsu có con gái đầu lòng và ngày càng chăm chỉ tới Đại Áo. Chẳng bao lâu, ông đã có liên tiếp 5 con trai. Càng lúc, Tsubone càng được Shogun và Đại Áo tin tưởng.

Quyền lực thực tế của bà vượt qua cả chức quan to nhất Mạc phủ Tokugawa, quyết định từ những việc nhỏ nhặt như dàn xếp mâu thuẫn giữa các thê thiếp của Shogun đến ấn định quyền lợi, vị trí người thừa kế.

Ngoài Mạc phủ Tokugawa, Tsubone còn có cả vị thế trong Hoàng cung Kyoto. Vốn dĩ, với tư cách con gái nhà Saito, gia tộc phản bội, Tsubone không được phép bước chân vào cung điện.

Thế nhưng, bà đã cố gắng thu xếp để được Sanjonishi Saneeda, con trai của người họ hàng quý tộc từng nhận nuôi mình lúc còn nhỏ nhận làm em gái, sau đó thành công yết kiến Thiên hoàng Gomizunoo và Thiên hậu Kazuko. Chưa hết, bà còn được phong quan hiệu và đích thân Thiên hoàng ban rượu.

Năm 1643, ở tuổi 64, Tsubone đổ bệnh nặng. Trước đó rất lâu, vào năm 1629, Shogun Iemitsu từng bị mắc bệnh đậu mùa và để khẩn cầu cho Iemitsu khỏi bệnh, bà đã thề không bao giờ uống thuốc. Bất chấp sự khuyên nhủ của các thái y, Tsubone không đụng tới một giọt thuốc nào và cuối cùng tạ thế.

Đám tang của Tsubone được tổ chức long trọng và mộ của bà nằm tại Rinshō-in, ngôi đền ở Bunkyō, Tokyo. Sinh thời, ngoài quyền lực tuyệt đỉnh, Tsubone còn tích lũy được gia tài khổng lồ, lên đến hơn 100 nghìn koku (1 koku bằng lượng gạo đủ nuôi sống 1 người trong 1 năm).

Sau cái chết của Tsubone, Đại Áo vốn nền nếp, yên bình lập tức dậy sóng gió. Trong số 5 người con trai của Shogun Iemitsu, có 2 người qua đời từ nhỏ, 2 người đã trở thành tướng quân và 1 người thống lĩnh miền Kōfu (Yamanashi ngày nay). Mẫu thân của cả 3 người còn sống đua nhau yêu sách Shogun Iemitsu đủ điều, khiến ông không ngày nào được ăn ngon ngủ yên.

Theo nippon

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.