(GD&TĐ) - Năm nay đã ngoài 60 nhưng bà Đối chưa hề có ý định từ bỏ công việc nhặt rác làm phước. Tính đến nay, số tiền bà Đối kiếm được từ việc bán nilon đã lên đến gần 200 triệu. Và mỗi lần tích cóp được khoảng dăm bảy triệu, bà liền đi mua sách vở hay trích tiền mặt để giúp đỡ cho những em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…
Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình
Trong tiết trời nắng gắt của những ngày cuối tháng 3, chúng tôi hỏi đường tìm về nhà bà Đối thôn Tây Trì Nhơn, xã Phú Thượng, huyện Phú Vang (Thừa Thiên – Huế). Có lẽ vì cái tiếng làm việc thiện bấy lâu nay mà người dân trong thôn, ai cũng nhanh miệng chỉ vanh vách đường về nhà bà Đối. “Chú đi thẳng con đường xóm này tới ngã ba cua phải, chạy khoảng 100m đến cầu ông Ngòi, qua cầu là đến nhà bà Đối”, chị chủ quán tạp hóa ở đầu làng chỉ đường cho chúng tôi. Ngay từ đầu ngõ dẫn vào nhà bà Đối, hàng ngàn túi bao nilon được phơi trên bờ rào lẫn hai bên lối đi. Thấy có khách lạ, bà Đối bỏ dở công việc rồi vồn vã mời khách vào nhà, miệng nhanh nhảnh: “Việc tui làm ai cũng như ai thôi, khi mô mình sống để dạ chết mang theo. Miễn răng sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình chú nờ ”. Thấy bà có vẻ thích thơ thẩn tôi bắt đầu hỏi về công việc của một người phụ nữ lần đầu tiên trong đời tôi gặp rất đặc biệt, “công việc của tui thật đơn giản, cũng không nên vẽ vời chi trên mặt báo chí chú ơi. “Tự mình biết riêng mình, và ta biết riêng ta, thấy vui, thấy sướng là làm”. Hôm trước cũng có mấy chú xin viết bài tôi xin cáo thôi. Hàng ngày thấy các tàu cập cảng đều xả rất nhiều túi nilon nên tui tranh thủ nhặt đem về. Cố gắng thì ngày nhiều nhặt cũng được gần chục ký chú à, dù giặt qua hai nước rồi nhưng vẫn tanh mùi cá lắm, nhưng thôi cũng ráng làm chứ răng. Vì đến tháng mà không có tiền lên thăm mấy đứa nhỏ ở trại mồ côi là ăn không ngon, ngủ không yên…”.
Nhiều năm qua, bà Đối đã giúp được rất nhiều người nghèo từ việc nhặt túi nilon phế thải |
Vốn là dân buôn cá, mỗi buổi sáng bà Đối chạy xe máy gần chục cây số để về cảng cá Thuận An lấy cá bỏ chợ. Trong lúc đợi tàu cập bến thì bà tranh thủ đi nhặt những túi bao nilon do những người đi biển làm cá bỏ lại trên bãi cát. Hơn 3 năm qua, chiếc xe máy “cà tàng” đã giúp bà vận chuyển hàng chục tấn nilon phế thải từ cảng về nhà. Để xử lý khối phế thải khổng lồ tanh nồng mùi cá ấy, bà Đối đã huy động toàn bộ người thân từ chồng con đến dâu rể phụ giúp. Từ công đoạn giặt lần một, cắt quai túi nilon, giặt lần hai, phơi khô rồi đóng vào bao tải… Ai rảnh việc lại sắn tay giúp bà. Hàng phế thải luôn được xử lý sạch cộng thêm cái tiếng nhặt rác “làm phước” nên các đại lý ve chai ở Huế luôn ưu tiên mua hàng của bà với giá 14.000 đồng/kg. Tính ra mỗi ngày bà Đối kiếm được khoảng 100 ngàn đồng từ việc nhặt túi nilon.
Tấm lòng vì người nghèo
Trước khi tìm đến nhà bà Đối, dễ chừng không dưới mươi lần tôi tình cờ gặp bà trồi ngụp nhặt rác cứ vào độ xế trưa giữa cảng cá vắng người và tanh bẩn. Dù có đến nửa năm gặp lại vẫn chỉ thấy bà với mỗi việc lượm rác. Có đôi chút phân vân về hình ảnh một bà già nhặt rác, cứ lặp đi lặp lại từ năm này qua tháng khác, chỉ tại một địa điểm. Rồi chợt nghĩ đó chỉ là chuyện mưu sinh thường tình… Cho đến hôm tình cờ nghe chuyện từ bác Nguyễn Nam (dân Thuận An, chuyên kinh doanh hải sản). Nhà bà được kể tới như một địa chỉ công đức. Ngay việc nhặt rác mỗi ngày kia cũng với mục đích làm từ thiện chứ không can hệ gì chuyện mưu sinh cơm áo như nhiều người lâu nay già non suy đoán. Giờ thì rác bà Đối đã thành “thương hiệu”. Rác nhặt về với số lượng hàng tấn mà bán vèo vèo.
Năm nay đã ngoài 60 nhưng bà Đối chưa hề có ý định từ bỏ công việc nhặt rác làm phước. Mỗi dịp nghỉ Tết hay nghỉ hè, sân nhà bà Đối lại thêm rộn ràng tiếng cười nói của cháu nội, cháu ngoại và trẻ con hàng xóm đến phụ giúp bà xử lý bao nilon phế thải. “Nghe lời mệ (bà) dặn nên mỗi lần đi học về cháu thường nhặt bao nilon trên đường để đem về cho mệ. Mệ nói làm vậy là giúp được nhiều người khó khăn lại còn bảo vệ môi trường…”, em Trần Văn Bình, học sinh lớp 7 nhớ lại lời dặn của bà nội. “4 năm trước, trong một lần đi chùa, tôi gặp một bà cụ vừa quét rác, vừa nhặt bao nilon cho vào cái túi vải mang bên lưng. Tui hỏi cụ nhặt bao nilon ấy để làm chi, cụ bảo gom bao nilon để cuối tháng đổi lấy hương nhang khói cho nhà chùa… Thấy cách làm của bà cụ hay nên tui học theo, vừa có tiền, lại làm sạch cảnh quan môi trường. Cực khổ một chút nhưng vui, rứa thì dại chi mình không làm”, bà Đối tâm sự về cái duyên nhặt rác giúp người của mình.
Thuận Hóa