Ngày 1/12/1955, thợ may người Mỹ gốc Phi - Rosa Parks (1913 – 2005), sau cả ngày dài làm việc mệt mỏi, đã từ chối nhường chỗ cho người da trắng trên xe bus. Lập tức, bà bị bắt và đưa ra tòa với tội vi phạm luật Jim Crow.
Ghế “trắng”, ghế “đen”
Luật Jim Crow được ban hành vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX với mục đích tối ưu quyền của người da trắng và gạt người da màu ra lề xã hội. Theo quy định pháp lý từ bộ luật này, các cơ sở công cộng và phương tiện giao thông công cộng phải phân chia rõ ràng nơi dành cho người da trắng và chỗ của người da màu. Nơi dành cho người da trắng phải tiện nghi, sạch sẽ còn chỗ của người da màu thì tùy điều kiện, có thể có hoặc không đều được.
Trên xe bus phải chia riêng nửa trước là chỗ ngồi dành cho người da trắng. Trong trường hợp chỗ ngồi dành cho người da trắng bị hết thì trưng dụng chỗ ngồi của người da màu nên họ đang ngồi phải đứng dậy, nhường chỗ.
Đầu tháng 12/1955, nước Mỹ chìm trong giá rét của mùa Đông. Rosa Parks lúc này 42 tuổi và buổi tối, bà lên xe bus ở Montgomery, Alabama để về nhà. Sau khi trả tiền vé xe, bà bước xuống nửa cuối xe, nơi có các hàng ghế đánh dấu “da màu”.
Chẳng mấy chốc, toàn bộ ghế trên xe bus đã có người ngồi. Hành khách da trắng vẫn bước lên, tài xế tên James Blake bước tới chỗ Rosa và 3 hành khách da màu khác, yêu cầu họ đứng dậy. Biết phải nhường chỗ, 3 hành khách da màu lặng lẽ đứng lên, nhưng riêng Rosa đã nói “Không”.
“Tôi từ chối, bởi vì tôi cảm thấy bị xâm phạm nhân quyền. Tôi đã phải lao động suốt cả ngày, cơ thể thì mệt phờ còn tinh thần thì bực bội. Tôi cũng là con người, tại sao tôi phải nhường chỗ chỉ vì màu da”, bà giải thích lý do khi sau này được phóng viên phỏng vấn.
Rosa Parks năm 1955. Ảnh: Bbc.com |
Trừng phạt và trở mình
Ngay sau khi Rosa bực dọc thốt ra từ “Không”, xe bus dừng bánh và cảnh sát địa phương xuất hiện, bắt giữ bà tại chỗ. Chỉ 4 ngày sau, tòa án tiểu bang kết án bà vi phạm luật Jim Crow, phạt 10 USD, tù treo và bắt đóng án phí 4 USD.
Thực tế, bà Rosa không phải nạn nhân đầu tiên của luật Jim Crow trên xe bus. Tháng 3 cùng năm, cùng địa điểm, cô gái da màu tên Claudette Colvin, 15 tuổi cũng bị bắt và đưa ra tòa vì từ chối nhường chỗ cho người da trắng. Tuy nhiên, sự vụ của bà Rosa là “giọt nước tràn ly”.
Bên cạnh là một thợ may cần mẫn, bà Rosa còn là nhà hoạt động nhân quyền dày dặn kinh nghiệm, từng làm thư ký cho Hiệp hội quốc gia Vì sự tiến bộ của người da màu (National Association for the Advancement of Coloured People - NAACP) ở Montgomery. Hay tin bà bị bắt, NAACP đã vận động và thực hiện cuộc tẩy chay quy mô lớn với hệ thống xe bus công cộng.
Người dẫn đầu cuộc tẩy chay này là mục sư trẻ tên Martin Luther King Jr, 26 tuổi. Gần như toàn bộ các xe taxi do tài xế là người da màu lái đồng loạt hạ giá thấp bằng giá xe bus để phục vụ những người tẩy chay.
Vào ngày bà Rosa bị xét xử, 35 nghìn truyền đơn với nội dung kêu gọi tẩy chay được phân phát khắp Montgomery. Bất chấp trời mưa tầm tã, các hành khách da màu không lên xe bus mà đi bộ hoặc đi taxi của người da màu. Một số người còn đi bộ cả 30km để đến điểm cần đến.
Suốt đời, bà Rosa Parks đấu tranh và làm việc vì quyền bình đẳng cho người da màu. Ảnh: Bbc.com |
Phán quyết của tòa án tiểu bang khiến cộng đồng da màu càng thêm phẫn nộ, đẩy phong trào tẩy chay lên đỉnh điểm. Sau một năm, hệ thống xe bus của Montgomery rơi vào tê liệt. Nó không chỉ sụt giảm doanh thu trầm trọng vì thiếu khách, mà còn trở thành “tâm điểm ném đá” của toàn quốc.
Cũng sau một năm, kháng cáo của bà Rosa đến tận Tòa án Tối cao Mỹ (US Supreme Court). Dưới áp lực dư luận và thiệt hại tài chính của hệ thống phương tiện giao thông công cộng, Tòa án Tối cao buộc phải xử thắng cho bà Rosa, đưa ra phán quyết trái ngược với luật Jim Crow là “phân biệt chỗ ngồi trên xe là hành vi vi phạm hiến pháp”.
Mặc dù, chiến thắng vẻ vang, bà Rosa phải trải qua rất nhiều khổ cực. Suốt thời gian kháng cáo, bà bị lăng mạ, đe dọa, mất việc làm. Ngay cả sau khi lật ngược được quyết định của tòa án, bà vẫn tiếp tục phải đối mặt với sự quấy rối, thậm chí cả chồng bà cũng bị mất việc vạ lây.
Bất chấp muôn vàn khó khăn, bà Rosa kiên trì theo đuổi “công lý cho người da màu”. Bà tham gia đấu tranh vì nhân quyền, đòi quyền bầu cử cho người da màu, nhiệt tình ủng hộ ứng cử viên đảng Dân chủ… và hoạt động không ngừng nghỉ ngay cả khi đã về hưu.
Từ bãi bỏ phân biệt sắc tộc trên xe bus, pháp luật Mỹ dần đi đến bãi bỏ phân biệt sắc tộc trên tất cả các lĩnh vực. Kể từ năm 1965, công dân da màu có đầy đủ nhân quyền như công dân da trắng.
“Phong trào dân quyền đã bắt đầu từ cuộc tẩy chay xe bus trong thập niên 1950 và người khởi động nó chính là bà Rosa”, ông Gray, luật sư của bà Rosa tuyên bố, “Chính việc từ chối “dâng” chỗ ngồi mà mình đã phải trả tiền cho người da trắng của bà đã thúc đẩy quần chúng đứng lên, đòi quyền bình đẳng và cuối cùng đi đến xóa sổ chính sách phân biệt chủng tộc”.
Ngày 22/10/2005, bà Rosa tạ thế tại nhà riêng ở Đông Detroit, thọ 92 tuổi. Toàn bộ xe bus ở Montgomery và Detroit đã buộc dải ruy băng đen ở băng ghế trước để tưởng niệm bà.