Người phá bỏ lệ cống tượng vàng Liễu Thăng

GD&TĐ - Sau cuộc chiến giữa nhà Minh và Đại Việt kết thúc, để giữ quan hệ hòa hiếu, nhà Lê chấp nhận lệ cống người vàng Liễu Thăng.

Sắc phong ban cho Nguyễn Công Hãng năm 1741 hiện đang lưu giữ tại đình làng Rích Gạo, xã Phù Chẩn, Từ Sơn.
Sắc phong ban cho Nguyễn Công Hãng năm 1741 hiện đang lưu giữ tại đình làng Rích Gạo, xã Phù Chẩn, Từ Sơn.

Lệ cống ấy kéo dài gần 300 năm, và chỉ kết thúc sau tài ngoại giao kiệt xuất của Nguyễn Công Hãng.

Nguyễn Công Hãng (1680 - 1732) là danh sĩ đời Lê Hi Tông, tự Thái Thanh, hiệu Tĩnh Am, người làng Phù Chẩn, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc (nay thuộc thôn Roi Sóc, xã Phù Chẩn - Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).

Ông đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa thi Canh Thìn niên hiệu Chính Hòa 21 (1700) đời vua Lê Hi Tông, làm quan tới chức Thượng thư bộ Lại, hàm Thái tử Thái phó, thăng Thái bảo, xếp vào hàng Tá lý công thần.

Trụ cột triều Lê

Theo tư liệu chính sử và tư liệu điền dã của Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh, danh sĩ Nguyễn Công Hãng là một vị quan tài năng đức độ, nắm giữ nhiều chức vụ cao và có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của triều đình Lê – Trịnh giai đoạn đầu thế kỷ 18.

Về sau chúa Trịnh Giang nghe lời gièm pha bèn giáng chức và điều ông đi làm Thừa chính sứ Tuyên Quang. Sau đó bắt ép ông phải uống thuốc độc tự tử vào năm Nhâm Tý (1732) khi mới 53 tuổi. Đến đầu đời vua Lê Hiển Tông, ông được minh oan và ban tặng sắc phong vào năm Cảnh Hưng thứ 2 (1741).

Hơn 30 năm trên quan trường, với nhiều đóng góp lớn cho đất nước, Nguyễn Công Hãng được người đời biết đến là một trung thần có tư tưởng cải cách, có nhiều suy nghĩ, việc làm táo bạo. Đồng thời còn là một nhà ngoại giao có tính cách mạnh mẽ, ứng đối mẫn tuệ, tất cả vì lợi ích quốc gia. Tiếc là, một trụ cột như ông phải vạ can gián mà mất mạng.

Ngay khi còn trẻ, Nguyễn Công Hãng nổi tiếng hay chữ, năm 20 tuổi đã đỗ Tam đệ giáp đồng tiến sĩ xuất thân. Cùng thời Lê trung hưng, cùng quê hương trấn Kinh Bắc với ông còn có Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo, các văn thần như Lê Anh Tuấn, Nguyễn Công Cơ… họ đã cùng nhau phát huy được tài năng phụng sự đất nước.

Tài năng của Nguyễn Công Hãng được vua Lê chúa Trịnh đánh giá cao, khi ông được cử đi sứ nhà Thanh, chúa Trịnh đã đích thân làm 2 bài thơ ban cho đoàn đi sứ có ý ngợi khen tài năng, chí khí Công Hãng. Đồng thời khuyến khích, động viên và bày tỏ sự tin tưởng vào sự thành công của sứ bộ sẽ mang điều vẻ vang cho đất nước.

Không phụ lòng mong mỏi của triều đình cùng thần dân Đại Việt, Nguyễn Công Hãng đã đạt được thành quả rực rỡ trong chuyến đi sứ năm Mậu Tuất (1718). Với tài năng ứng đáp mẫn tiệp, lập luận chặt chẽ, lý lẽ đanh thép nhưng lại hết sức mềm mỏng khiến triều thần nhà Thanh phải quy phục mà bỏ lệ cống người vàng Liễu Thăng vốn đã tồn tại gần 300 năm.

Đối đáp bỏ lệ cống người vàng

Lệ cống nạp người vàng Liễu Thăng bắt đầu từ thời Lê Thái Tổ - sau chiến tranh Minh – Đại Việt kết thúc.

Lệ cống nạp người vàng Liễu Thăng bắt đầu từ thời Lê Thái Tổ - sau chiến tranh Minh – Đại Việt kết thúc
.

Các tài liệu lịch sử ghi chép rằng, sau khi kết thúc chiến tranh Minh - Đại Việt, để giữ yên bờ cõi, chấm dứt chiến tranh và để quan hệ hòa hiếu giữa hai nước, nhà Lê từ Lê Thái Tổ phải chấp nhận lệ cống người vàng Liễu Thăng với ý nghĩa đền mạng cho Liễu Thăng bị Lê Sát và nghĩa quân Lam Sơn chém đầu tại núi Mã Yên (thuộc châu Ôn).

Khi giảng hòa, người Minh bắt đền mạng, vì muốn cho công việc giảng hòa nhanh chóng kết thúc, Lê Lợi sai đúc một người vàng để thay thế gọi là “đãi thân kim nhân”. Sau khi nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, nhà Minh sai bọn Mao Bá Ôn và Cửu Loan đem quân đến cửa Nam Quan hỏi tội, hạch sách đòi đồ cống.

Nhà Mạc sợ xảy ra chiến tranh lại phải đúc người bằng vàng để “đút lót” cầu hòa. Sang thời Lê trung hưng, nhà Minh vin vào cớ tự tiện giết công thần là Mạc Mậu Hợp (vị vua cuối cùng của nhà Mạc) bắt phải đúc người vàng để tạ lỗi, từ đấy thành ra thường lệ của lễ cống.

Việc đó sang thời nhà Thanh khi thay thế nhà Minh, Đại Việt vẫn phải tiếp tục lệ cống. Mãi đến năm 1718, Nguyễn Công Hãng đi sứ nhà Thanh có đề nghị và được vua Khang Hy chấp thuận chấm dứt việc bỏ cống người vàng.

Đá Liễu Thăng “cụt đầu”, thắng tích Chi Lăng. Ảnh: IT.

Đá Liễu Thăng “cụt đầu”, thắng tích Chi Lăng. Ảnh: IT.

Khi Nguyễn Công Hãng sang sứ, ông bảo triều đình ta thôi không đúc người vàng nữa. Đến khi sang Trung Quốc, các quan thiên triều xét đồ cống thấy thiếu liền đem tâu lên vua quan nhà Thanh.

Các quan triều Thanh đem chuyện cũ ra hỏi, ông đáp: Quốc vương nước tôi nối gìn nghiệp cũ, không dám bỏ việc tuế cống còn các việc thu thành, nạp khoán hay bồi thường thì sứ thần này đâu biết đến.

Người Thanh lại nhắc lại chuyện Liễu Thăng, ông cười trả lời: Liễu Thăng là tên bại tướng của nhà Minh. Triều Thanh ta nay bao gồm cả muôn nước mà lại cứ khư khư đi đòi món “của đút” của kẻ thua trận để trả thù cho người xưa, sao đủ để làm gương cho đời sau.

Ngoài lệ cống người vàng, Đại Việt còn phải cống thêm một hũ nước giếng nơi mà Trọng Thủy đâm đầu tự tử, vì tương truyền nước giếng này rửa ngọc trai rất sáng. Nguyễn Công Hãng bảo đổ đi rồi bảo múc nước ở một giếng khác đem theo (có thuyết cho là dọc đường đi sứ đánh vỡ cái hũ).

Khi người Thanh đem nước đó ra rửa ngọc trai thì không thấy ngọc sáng, liền kì kèo cật vấn. Nguyễn Công Hãng nói: Đấy là tại lâu ngày khí mạch biến đổi đi! Người Thanh nghe thế, đành chịu.

Bắt đầu từ chuyến đi sứ của Nguyễn Công Hãng năm 1718, mỗi lần triều cống, Đại Việt không phải cống 2 thứ đó nữa.

Mắc vạ can gián

Không chỉ phải cống nạp người vàng, Đại Việt còn phải cống nước giếng Trọng Thủy ở Cổ Loa.

Không chỉ phải cống nạp người vàng, Đại Việt còn phải cống nước giếng Trọng Thủy ở Cổ Loa.

Là người tận tụy với công việc, lại gặp minh chúa An Đô vương Trịnh Cương biết trọng dụng nhân tài, Nguyễn Công Hãng được tin tưởng thăng làm Thượng thư, là Tể tướng trong triều, giao đặc trách những việc quan trọng.

Cao Bằng đều là một trong những trọng trấn “ma thiêng nước độc”, phải có người tài mới trị được. Lúc bấy giờ có người tên là Uyên Hiệp, giả danh là Mạc Trạch, phiến động mê hoặc dân châu làm loạn. Các quan có đưa một vài người nhưng không được Chúa ưng thuận, vì Đốc trấn Cao Bằng vốn là chức quan trọng yếu, nên người đi trị nhậm phải là người tài đức.

Nguyễn Công Hãng là một trong số những người nằm trong số được cả vua Lê, chúa Trịnh tin cậy sai đi. Nguyễn Công Hãng trị nhậm tại Cao Bằng được khoảng hai năm, mà việc đã yên. Tất cả các mặt chính sự, binh, dân, tiền của, thuế má đều hoàn tất, phiên trấn yên lành ổn định trong thời gian dài.

Vì luôn có tư tưởng cải cách, với việc sửa tô thuế, giúp dân giảm bớt đi những nỗi thống khổ của sưu cao, thuế nặng. Nhưng cũng chính tư tưởng táo bạo, một lòng vì dân giúp nước nên ông bị không ít gian thần tìm cách hãm hại.

Khi Nguyễn Công Hãng được cử làm Thái phó cho thế tử Trịnh Giang – con cả Trịnh Cương. Thấy Giang bất tài, không có tư cách làm chúa, Nguyễn Công Hãng đã dâng một mật sớ tâu An Đô vương Trịnh Cương với lời nhận xét rằng: “Trịnh Giang là người ươn hèn không thể gánh vác được ngôi chúa”.

Nhưng Trịnh Cương chưa kịp suy xét thì mất tháng 10 âm lịch năm 1729. Trịnh Giang với tư cách là Thế tử lên nối ngôi chúa. Năm 1732, có người gièm pha ông và tâu với Trịnh Giang việc ông muốn thay ngôi Thế tử. Vì thế, Nguyễn Công Hãng bị Trịnh Giang giáng chức xuống thành Thừa chính sứ Tuyên Quang rồi tìm cách bức tử chỉ sau một tháng.

Người đời truyền tụng rằng, đương thời có một ông thầy bói chuyên bói theo lối chiết tự, vào thăm ông. Nguyễn Công Hãng viết mấy chữ “Thập nhị nguyệt hoa tàn” (tháng Mười hai hoa rụng) để nhờ bói thử. Thầy bói khuyên ông xử sự theo lối “cấp lưu dũng thoát” (nước chảy xiết, phải biết dừng lại ngay). Ông im lặng và thời gian sau thì xảy ra tai họa.

Di văn của Tiến sĩ Nguyễn Công Hãng còn lại đến ngày nay là tập thơ “Tinh sà thi tập” bao gồm những bài thơ tả tình, vịnh cảnh, tiếp sứ bộ Triều Tiên… thơ ông đề cập đến trách nhiệm của người cầm quyền, truyền thống văn hiến và vận mệnh của đất nước cùng nếp sống chất phác, thật thà, nhân nghĩa.

“Đại Việt sử ký” có ghi việc Nguyễn Công Hãng cho rằng lối học kinh nghĩa là rập theo khuôn sáo cũ, không có cốt tủy văn chương. Còn thể văn bát cổ thì lập ý để chữ, có thể dùng để thử người tài lạ. Vì muốn biến đổi thể văn để chọn học trò cho nên đem quan văn vào Quốc Tử Giám nhằm cổ vũ khích lệ phong khí của kẻ sĩ.

Chủ trương dùng thể văn bát cổ để thu hút người tài tuấn của Nguyễn Công Hãng chưa được áp dụng rộng vào thực tế giáo dục khoa cử thì ông bị nạn qua đời, việc đó cũng bị bỏ không thi hành.

Bát cổ là thể văn khoa cử khó làm nên chủ trương ấy ít được ủng hộ. Lê Quý Đôn trong “Kiến văn tiểu lục” tỏ ý không tán thành, cho rằng, thể bát cổ không quan thiết gì đến trị thế, đến kinh luân hữu dụng.

Phạm Đình Hồ trong “Vũ trung tùy bút” lại tỏ ý tán thành khi cho rằng, không có thực tài văn chương thì không thể làm nổi văn bát cổ, do đó đưa thể văn này vào giáo dục khoa cử có thể khắc phục được tình trạng học kinh điển qua loa tóm tắt.

Nguyễn Công Hãng có tài làm tể tướng, đứng đầu ngôi tướng trong 13 năm, cuối cùng mắc nạn ở tuổi 53. Đến đầu đời Lê Hiển Tông, Nguyễn Công Hãng mới được minh oan, khai phục chức tước cũ và cho con cháu đem hài cốt về chôn cất tại quê nhà. Tên của danh nhân Nguyễn Công Hãng được nhiều địa phương chọn đặt làm tên đường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.