Chị Amanda chia sẻ: “Điều đầu tiên tôi nhớ đó là hình ảnh Victor nằm trong vòng tay của tôi, cái đầu nhỏ bé của con và mùi hương đáng yêu của con nữa. Đó là một tình huống đáng kinh ngạc nhưng cũng rất khó hiểu. Tôi còn hỏi bố tôi rằng đó có phải là con của tôi. Sau đó, tôi đặt tay lên bụng và nhận ra mình không còn mang thai nữa”.
Chị Amanda đã tỉnh dậy sau 23 ngày hôn mê nhờ da kề da với con trai vừa chào đời
Được biết, chị Amanda có tiền sử bệnh động kinh và phải sử dụng thuốc từ năm 7 tuổi. Tuy nhiên, ở lần mang thai thứ 3 này, các bác sĩ chỉ định chị ngừng sử dụng một số loại thuốc vì nguy cơ gây dị tật cho thai nhi. Điều này có nghĩa là chị có nguy cơ bị lên cơn động kinh cao hơn những lần trước.
Khi ở tuần thai thứ 37, chị Amanda đã phải nhập viện sau một cơn co giật cấp tính đe dọa tính mạng của chị và thai nhi khi lượng oxy đến não và bụng của chị bị giảm.
Chia sẻ về trường hợp của chị Amanda, bác sĩ sản khoa Carlos Alencar tại Bệnh viện phụ sản Assis Chateubriand ở Ceara, Fortaleza, phía đông bắc Brazil, kể: “Chỉ hơn một tuần sau khi bệnh nhân nhập viện, chúng tôi bắt đầu ngừng sử dụng các loại thuốc an thần nhưng cô ấy (chị Amanda) không có phản ứng như chúng tôi mong đợi.
Mặc dù tất cả các bài kiểm tra đều cho thấy cô ấy có phản ứng thần kinh tốt nhưng cô ấy không di chuyển. Chúng tôi đã áp dụng kích thích đau nhưng Amanda vẫn không phản ứng. Các bài kiểm tra cho thấy não hoạt động bình thường, tuy nhiên, lại không thấy chuyển động cụ thể nào, thậm chí cô ấy cũng không phản ứng lại với tiếng nói của người thân. Amanda không cử động tay, chân hay bất cứ bộ phận cơ thể nào”.
Phản ứng của chị Amanda khiến cả ê kíp bác sĩ rất bất ngờ
Khi quyết định thực hiện mổ lấy thai nhi khẩn cấp, các bác sĩ đã gây mê chị Amanda nhằm tránh những biến chứng khi mổ.
Sau khi thực hiện mổ sinh, các bác sĩ vẫn không thể đánh thức chị Amanda. Sau đó, nữ y tá Fabíola Sá chợt nảy ra ý tưởng cho con tiếp xúc da với chị Amanda. Tuy nhiên, Amanda vẫn bất động và không có phản ứng ôm bé Victor. Vì thế nữ y tá đã nắm lấy tay chị Amanda đặt lên người bé, giúp chị ôm bé Victor vào ngực.
Mọi người có mặt ở đó đã vô cùng kinh ngạc khi nước mắt bắt đầu lăn trên má của chị Amanda và nhịp tim của chị bắt đầu nhanh hơn. Đặc biệt, bầu ngực của chị bắt đầu rỉ sữa.
Y tá Fabíola Sá nhớ lại: “Sau 23 ngày hôn mê thì phản ứng của cô ấy là không thể giải thích được. Chúng tôi không bao giờ mong đợi một sự thay đổi nhanh chóng đến vậy và đội ngũ y tế đã khóc trong niềm hạnh phúc”.
Khi chào đời, bé Victor chỉ nặng 2.08kg, gặp vấn đề với hệ thống miễn dịch và đường hô hấp do thuốc mà chị Amanda đã sử dụng để ổn định bệnh động kinh trong thời gian mang thai. Bé đã được đưa đến một đơn vị chăm sóc trẻ sơ sinh trong 6 ngày trước khi cả hai mẹ con được đoàn tụ trong phòng chăm sóc đặc biệt vài ngày sau đó.
20 ngày sau khi thoát khỏi tình trạng hôn mê, chị Amanda và bé Victor đã được xuất viện.
Y tá Fabíola Sá - người đưa ra ý tưởng da kề da
Trường hợp của chị Amanda kỳ diệu và khác thường đến nỗi các chuyên gia y tế hiện đang phải đánh giá lại tầm quan trọng của kiểu can thiệp tiếp xúc da này trong trường hợp một phụ nữ sau sinh rời vào tình trạng y tế nghiêm trọng.
Y tá Fabíola Sá nói: “Chúng tôi không có câu trả lời khoa học cho những gì đã xảy ra nhưng rõ ràng là chúng ta không bao giờ nên đánh giá thấp tầm quan trọng của việc da kề da giữa mẹ và bé”.