Từ nhiều năm nay, phong trào tự làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ đã được thực hiện ở hầu hết các trường mầm non trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh.
Để tiết kiệm chi phí, ngoài các dụng cụ học tập trong danh mục, giáo viên các trường còn thu gom các vật liệu phế thải như vải vụn, chai nhựa, thùng giấy... đã qua sử dụng để trang trí phòng học và làm nên những bộ đồ chơi, đồ dùng học tập theo chủ đề một cách sinh động.
Dưới đôi tay tài hoa, những chiếc nắp chai, vỏ nhựa… được tô vẽ, biến thành những bông hoa, những con vật ngộ nghĩnh, những ô chữ cái nhiều màu sắc.
Cùng với tự làm đồ chơi từ chai nhựa đơn giản, các cô còn chuẩn bị sẵn nguyên vật liệu, sau đó để trẻ đưa ra ý tưởng làm ra những đồ chơi gì. Với hình thức này giáo dục trẻ phát triển toàn diện, như tạo cơ hội cho trẻ thao tác đồng thời phát triển các kỹ năng, nhận thức, tính sáng tạo.
Cô giáo Trần Thị Hương Sen (trường Mầm non Bắc Hà) cho biết, nắp chai nhựa có thể làm ra rất nhiều đồ chơi, dụng cụ học tập đáp ứng tất cả các chủ đề, chủ điểm tại trường cho trẻ. Đối với môn Tiếng Việt, Toán… giáo viên chỉ cần viết chữ dán lên nắp chai, thìa nhựa… sau đó tô vẽ các hình thù bắt mắt khiến các em rất hứng thú để làm quen.
“Năm học này do dịch bệnh Covid-19, nên trẻ đến trường muộn hơn so với những năm trước. Tranh thủ thời gian nghỉ dịch, các giáo viên trong trường đã tự làm thêm các đồ chơi từ vật dụng hư hỏng trong nhà trường như: bàn, ghế… thu gom thêm các phế liệu để làm đô chơi và đồ dùng học sinh cho trẻ. Ngoài các đồ dùng trong lớp, chúng tôi còn có nhiều bộ đồ chơi để tăng cường hoạt động ngoài trời cho trẻ”, cô giáo Lê Thị Vân Anh, Hiệu trưởng trường Mầm non Bắc Hà chia sẻ.
Các vật liệu được giáo viên hướng đến phải đảm bảo yếu tố an toàn và vệ sinh cho trẻ. Phế liệu sau khi được thu gom, giáo viên viên lại phải tháo và cắt nhỏ thành nhiều phần rồi dùng dung dịch, vệ sinh sát khuẩn để làm sạch.
Công đoạn làm sạch rất công phu, giáo viên phải làm thủ công và làm rất nhiều lần. Sau khi sử dụng các biện pháp khử trùng, phế liệu sẽ được sấy khô rồi mới được “chế” tác thành đồ chơi. Do được xử lý kỹ nên đồ chơi làm từ phế liệu rất đảm bảo vệ sinh, không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
“Ngoài việc tạo hứng thú cho học sinh, thì việc tái chế đồ chơi cho học sinh từ phế liệu giúp tiết kiệm chi phí cho nhà trường và phụ huynh. Giáo viên cũng thường xuyên kêu gọi phụ huynh đóng góp các sản phẩm đã qua sử dụng như: Vỏ hộp sữa các loại, chai dầu gội, bìa lịch cũ, lon bia, vỏ sò, đồ dùng bằng nhựa…và nhận được sự ủng hộ rất lớn của phụ huynh”, cô giáo Trần Thị Hiền, phó Hiệu trưởng trường Mầm non Thạch Hạ, chia sẻ.
Được biết, mỗi tháng các giáo viên nhà trường sẽ thực hiện làm đồ chơi từ 3-4 chủ đề tương ứng với mỗi tuần học. Để tạo phong trào trong giáo viên, Ban giám hiệu trường Mầm non Thạch Hạ đang phát động cuộc thi góc học tập thân thiện với môi trường để thi đua giữa các lớp.
“Trong tất cả các góc chơi, ngoài hướng đến rèn luyện các kỹ năng, kiến thức cho trẻ, nhà trường chúng tôi đã mang đến cho các em một thông điệp đó là biết bảo vệ môi trường, gần gũi với thiên nhiên, biết gom những vật liệu phế thải để làm nên những vật dụng hàng ngày”, cô Hiền cho biết.