Trung tâm dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa nằm tại thôn Hữu Thanh Oai, xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội. Đường đi vào trung tâm là con đường làng nhỏ với nhiều ngõ ngách, chúng tôi phải hỏi thăm nhiều lần mới tìm được đến nơi.
Bước vào cổng nhìn thấy 3 khu nhà cấp 4 đơn sơ với nhiều cây ăn quả được trồng xung quanh kèm theo đó tiếng cười của rộn vang của những người khuyết tật được “u Hoa” giúp đỡ. Nếu không có biển ghi tên trung tâm, ai cũng nghĩ là gia đình đông con bởi không gian nơi đây đem lại cảm giác vô cùng ấm áp.
“U Hoa” cái tên được học viên dùng gọi bà Đoàn Thị Hoa – Giám đốc Trung tâm Dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa. Lúc đầu, chúng tôi khá tò mò về cách gọi này, tại sao không gọi “bà”, “bác” hay “cô giáo”. Hỏi ra mới biết, tại trung tâm bà Hoa trở thành người mẹ thứ hai lo từ chỗ ở, ăn uống và cả việc làm cho người khuyết tật, giúp họ có thu nhập riêng như những người lành lặn.
“Con người ai cũng một lần chết, mình sống sao cho cuộc đời thêm ý nghĩa….”
U Hoa –mẹ của những đứa trẻ kém may mắn |
Bà Hoa sinh năm 1962 trong gia đình nghèo có 7 anh chị em. Gia đình đông con, nhiều bữa không được ăn no, bà không được học hành đến nơi đến chốn. Dẫu vậy, trái tim bà luôn ẩn chứa tình thương bao la, sẵn sàng che chở cho những mảnh đời kém may mắn.
“Lúc lấy chồng tôi vẫn chưa có gì. Hai vợ chồng lấy nhau cũng không có váy cưới cũng không có chụp ảnh. Mơ ước sau lấy nhau có một cót thóc để no đủ chứ chẳng mong giàu sang” bà Hoa tâm sự về ước mơ giản đơn thời trẻ của mình.
Vừa chuẩn bị cơm chiều cho gia đình lớn của mình, bà Hoa vừa kể cho chúng tôi nghe tiếp về cuộc đời bà. Ngày mới lấy nhau, vợ chồng bà làm đủ thứ nghề để kiếm sống, từ làm bánh đến nuôi lợn…nhưng bà vẫn đi làm từ thiện. Năm 2005, trong chuyến đi từ thiện với Hội chữ thập đỏ thành phố Hà Nội mở ra “duyên phận” của bà với người khuyết tật. Lần đó, bà trao quà cho một em nhỏ khuyết tật và được nghe em chia sẻ về mơ ước, em cũng muốn được đi làm kiếm tiền giúp đỡ gia đình. Ước mơ của đứa trẻ khiến bà suy nghĩ mãi không thôi.
Đem trăn trở ấy thành hiện thực, năm 2007 Trung tâm dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa được thành lập. Bà Hoa bảo, tên Trung tâm được kết hợp tên bà và con gái với mong muốn sau này con gái sẽ theo nghiệp mẹ, tiếp tục “gieo trồng” hạnh phúc đến với người khuyết tật.
Ngày đầu thành lập trung tâm còn gặp nhiều khó khăn từ tài chính đến những lời dị nghị “lợi dụng trẻ khuyết tật kiếm tiền”, bà Hoa chưa giây phút nào nản lòng, luôn coi học viên như con mà tận tâm chăm sóc. Bà đi khắp nơi tìm nghề, học nghề để về dạy cho học viên từ may, móc len, dán vàng mã đến thủ công giấy cuộn... Hiện nay, trung tâm chủ yếu nhận làm thủ công giấy cuộn.
“Dạy trẻ bình thường khó một thì trẻ khuyết tật khó mười. Nhưng thấy các em vui vẻ, dần dần cởi mở đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi. Ban đầu chồng tôi cứ bảo sao lại thích “rước” khổ vào thân nhưng con người ai cũng một lần chết, mình sống sao cho cuộc đời thêm ý nghĩa….” bà Hoa trải lòng.
Những trái tim tràn trề nhựa sống…
Sảm phẩm thủ công được tạo ra từ đôi tay, đôi chân khéo léo của người khuyết tật |
Hiện tại, trung tâm có hơn 50 học viên, trong đó có 35 học viên nội trú và gần 20 học viên bán trú. Học viên ở đây hầu hết đều mang khiếm khuyết, thiểu năng trí tuệ, gặp trở ngại trong lao động.
Không được may mắn, chị Dương Thị Huyền (30 tuổi - Tân Yên, Bắc Giang) mắc u não khi mới 5 tuổi. Căn bệnh khiến tay phải của chị không hoạt động được, đa phần làm sinh hoạt bằng chân. Mặc cảm với cơ thể, chưa học hết lớp 1 chị đã xin nghỉ ở nhà. Chị cũng lấy chồng như bao người nhưng anh đã bỏ chị đi khi con của hai người 9 tháng tuổi. Để trang trải cuộc sống, chị Huyền đi khắp nơi tìm việc nhưng không ai nhận vì “nghĩ tay chân như thế thì làm gì”. Cuộc đời của chị bắt đầu mở sang trang mới khi gặp u Hoa.
“U Hoa tốt lắm, u giúp cuộc sống của tôi có thêm sắc màu mới. Tôi có thể tự lao động kiếm tiền, gửi tiền về cho gia đình mà không sợ ai chê cười. Cùng hoàn cảnh, mọi người ở trung tâm luôn coi nhau như anh chị em trong nhà” chị Huyền tâm sự.
Ngồi lặng lẽ ở một góc, Hoàng Văn Tú (26 tuổi, Bắc Giang) đang tỉ mỉ cuộn giấy tạo hình sản phẩm. Trò chuyện với chúng tôi, Tú chia sẻ gắn bó với trung tâm được 10 năm. Từ người mắc bệnh teo cơ, tưởng chừng không thể lao động nhưng đến với trung tâm anh được tự làm được đủ việc như làm thiệp, con dấu, gói giấy hay làm tranh,… Chân tay yếu nên mỗi sản phẩm, Tú mất 3-4 tiếng để hoàn thành, chậm hơn người khác 1-2 tiếng.
“Ngày đầu mới đến mình cảm thấy vô cùng khó khăn. May mắn được sự giúp đỡ của u Hoa và mọi người, mình có thể tạo ra sản phẩm có giá trị. Hàng tháng, mình cũng kiếm 300 -500 nghìn. Dù không nhiều nhưng thấy vui lắm, chí ít mình không phải người “thừa” trong xã hội” Văn Tú chia sẻ.
Không chỉ làm mẹ, bà Hoa còn trở thành bà mai mang hạnh phúc đến cho người khuyết tật. Tại đây, 26 cặp về chung một nhà và có những đứa con kháu khỉnh. Nhiều đôi, chọn trung tâm làm điểm tổ chức lễ cưới như vợ chồng anh Nguyễn Văn Thìn (quê Hà Tĩnh, bị ảnh hưởng chất độc da cam) và Dương Thị Vân (quê ở Lạng Sơn, bị khuyết tật 1 chân).
Kết thúc cuộc gặp lúc xế chiều, chúng tôi ra về nhưng trong lòng vẫn vương vấn hình ảnh người phụ nữ hiền hậu, nguyện làm tất cả vì những đứa con khiếm khuyết của mình. Với chúng tôi bà là một người giàu, giàu lòng nhân ái, trắc ẩn.