Người mẹ dành cả cuộc đời đi tìm con trai mất tích

GD&TĐ - Một buổi chiều đẹp trời, con trai bà Christine Collins đi xem hát rồi biến mất không dấu vết.

Walter Collins (trái) và cậu bé tự xưng là em (phải).
Walter Collins (trái) và cậu bé tự xưng là em (phải).

5 tháng sau, cậu bé bất ngờ trở về nhưng bà mẹ một mực phủ nhận đó không phải con trai mình.

Vụ mất tích kỳ lạ

Chiều ngày 10/3/1928, khung cảnh yên bình bao trùm khu phố Lincoln Heights, thành phố Los Angeles, Mỹ. Trong tiết trời dễ chịu, trẻ con ùa ra vỉa hè vui đùa. Còn cậu bé Walter Collins, 10 tuổi, được mẹ Christine cho một hào để mua vé vào rạp hát gần khu phố mà họ sinh sống.

Tuy nhiên, mãi đến khi trời trở tối, Walter vẫn chưa trở về nhà. Lo lắng về điều không may xảy ra, bà Chrisitne, làm nghề trực tổng đài điện thoại, vội vã nhờ hàng xóm xung quanh đi tìm cậu bé. Bản thân người mẹ đi đến từng nhà bạn bè của con để hỏi thăm tình hình nhưng không ai biết Walter đã đi đâu. Bất chấp mọi người đã “xới tung” cả khu phố Lincoln Heights, Walter vẫn bặt vô âm tín.

Trong nhiều tuần liên tiếp, Los Angeles chìm vào đau thương. Khoảng 3 tháng trước đó, cậu bé Marion Parker, 12 tuổi, đã bị bắt cóc ngay tại thành phố. Hung thủ là kẻ tâm thần William Hickman, biệt danh là “con cáo”. Ban đầu, tên này đòi gia đình tiền chuộc nhưng sau đó đã sát hại, thậm chí, cắt xẻ thi thể nạn nhân thành nhiều mảnh. Dù Hickman đã bị bắt, nỗi đau và sợ hãi vẫn bao trùm khắp thành phố.

Cảnh sát đã mở cuộc tìm kiếm diện rộng và phát thông tin đi toàn nước Mỹ. Nhiều nhân chứng đã đến trình báo, song những thông tin họ cung cấp không mang lại kết quả khả quan. Đáng chú ý, có một người cho biết đã nhìn thấy một cậu bé giống Walter ở phía Bắc San Francisco.

Theo lời khai của anh ta, Walter xuất hiện ở một trạm xăng ở Glendale. Cậu bé ngồi ghế sau trong một chiếc ô tô nhưng chỉ lộ đầu. Cả người bị che phủ bởi một tờ báo lớn. Tài xế có khuôn mặt giống người nước ngoài, có thể là Italy. Đi cùng là một người phụ nữ.

Ban đầu, bà Christine và cảnh sát nghi ngờ rằng, Walter bị kẻ thù của cha bắt cóc. Thời điểm đó, cha của cậu bé, ông Walter J.S Collins, đang thi hành án trong tù vì tội trộm cướp. Giả thuyết cho rằng những kẻ từng ở tù cùng ông đã bắt cóc Walter để trả thù, cho dù không có bất kỳ bằng chứng hay nhân chứng nào có thể chứng minh được điều này.

Sau đó, cảnh sát tiếp tục thu thập hàng trăm lời khai trên khắp cả nước nhưng vụ án đã rơi vào ngõ cụt. Dư luận phản ứng gay gắt với tiến độ công việc khiến cơ quan điều tra gia tăng áp lực.

Đứa trẻ trở về

Kẻ sát nhân Gordon Stewart Northcott.

Kẻ sát nhân Gordon Stewart Northcott.

5 tháng sau khi Walter mất tích, một cậu bé đột nhiên xuất hiện, tự xưng là Walter Collins và trình báo với chính quyền thành phố DeKalb, bang

Illionis. Khi biết tin bà Christine rất đỗi vui mừng và hào phóng trả 70 USD để nhờ cảnh sát đưa cậu bé trở về nhà an toàn. Tuy nhiên, khi nhìn thấy cậu bé, bà Collins nói rằng dù khá giống nhau, song đây không phải là con trai của bà.

Dù vậy, Sở Cảnh sát thành phố Los Angeles, với áp lực phải nhanh chóng hoàn thành vụ án, đã tuyên bố khép lại cuộc tìm kiếm với kết quả thành công, bất chấp sự phủ nhận của người mẹ. Cơ quan điều tra đã cố gắng thuyết phục bà Christine đưa Walter về nhà, giúp cậu bé lấy lại cuộc sống mới.

Tuy nhiên, sau 3 tuần bất lực với việc cố thuyết phục mình tin vào câu chuyện khó tưởng tượng này, bà Christine quyết định trả cậu bé lại cho đồn cảnh sát. Bà đã thu thập các bằng chứng y khoa và lời nhận xét của bạn bè Walter đều khẳng định đây không phải cậu bé. Nhưng Cảnh sát trưởng Sở Cảnh sát Los Angeles J. J. Jones, người chịu trách nhiệm điều tra vụ bắt cóc, đã bác bỏ điều này.

Cụ thể, bà Christine lập luận đã từng đưa Walter đi nha sĩ nên phòng khám nha khoa vẫn lưu giữ hồ sơ của cậu bé. Tuy nhiên, sau khi con trai bà trở về, hồ sơ nha khoa của cậu bé khác hoàn toàn so với trước đây. Ngoài ra, cậu bé không nhớ gì về bạn bè thân thiết nên bà Christine có thể chắc chắn đây không phải con trai mình.

Thế nhưng, Jones không tin lời bà Christine nói hay những hồ sơ nha khoa do bác sĩ cung cấp. Ông ta từng hét vào mặt bà: “Bà định làm cái trò gì vậy? Bà định lừa chúng tôi à? Hay bà đang cố tình trốn tránh trách nhiệm của một người mẹ và muốn nhà nước bảo trợ cho con bà? Tôi chưa thấy người mẹ nào có trái tim độc ác như bà. Bà thật ngờ nghệch”.

Cuối cùng, Jones đưa bà Christine tới kiểm tra tại Bệnh viện Trung tâm Los Angeles vì nghi ngờ người mẹ gặp vấn đề về thần kinh. Trong khi đó, Jones tiến hành thẩm vấn cậu bé được cho là Walter giả mạo. Cuộc thẩm vấn diễn ra trong 5 ngày khi bà Christine được đưa đi điều trị.

Kết quả, cậu bé đến từ Illionis thừa nhận tên thật là Arthur Hutchins, 12 tuổi, sống tại bang Iowa. Theo lời khai của cậu bé, sau khi mẹ qua đời, Arthur được mẹ kế, Violet Hutchins, nhận nuôi nhưng bà ta thường xuyên đánh đập và giam lỏng cậu bé. Vì vậy, Arthur quyết định chạy trốn và sống lang bạt.

Đi theo các đoàn xe công cộng, Arthur đến bang Illinois. Khi dừng chân tại một quán cà phê, một thực khách nhận xét rằng Arthur trông rất giống cậu bé bị mất tích ở Los Angeles. Arthur nhanh chóng chớp lấy cơ hội “đổi đời” bằng việc tìm đến chính quyền và tự nhận mình là cậu bé bị mất tích.

Đòi lại công lý

Bà Christine Collins.

Bà Christine Collins.

Bà Christine đã đâm đơn kiện Sở Cảnh sát thành phố Los Angeles và người đứng đầu cơ quan điều tra, ông Jones. Mọi đau khổ và rắc rối của người phụ nữ mất con này bắt đầu từ đó. Bà cũng dần được biết đến là người phụ nữ dám đối đầu với một cơ quan cảnh sát để đòi lại công bằng cho mình và con trai.

Lần đầu tiên bà Christine kiện Jones ra tòa, người đàn ông này khẳng định nếu cậu bé đến từ Illinois không phải Walter thì rất có thể, Walter là nạn nhân của hai kẻ giết người Gordon Stewart Northcott và mẹ hắn. Thời điểm đó, Gordon cùng mẹ sống trong một trang trại ở Riverside, California, Mỹ. Là một kẻ cuồng bạo, hắn có một sở thích man rợ là sát hại trẻ em.

Theo đó, Gordon đã lừa đưa trẻ em đến trang trại gà của gia đình. Ở đó, hắn ta lạm dụng, tra tấn và sát hại lũ trẻ dưới sự giúp đỡ của mẹ. Hắn và mẹ bị cáo buộc đã chặt đầu một trong số 11 trẻ em. Khi cảnh sát bất ngờ ập vào trang trại, họ cũng phát hiện nhiều thi thể không còn nguyên vẹn nên giả thuyết cho rằng Walter cũng là một trong số các nạn nhân ở đây.

Trang trại nuôi gà, nơi Gordon sát hại những đứa trẻ vô tội.

Trang trại nuôi gà, nơi Gordon sát hại những đứa trẻ vô tội.

Tuy nhiên, bà Christine đã phủ nhận giả thuyết này bởi trong số 11 thi thể nạn nhân được tìm thấy không có ai là Walter. Bản thân Gordon khi ra tòa cũng phủ nhận việc đã giết hại Walter.

Cuối cùng, tòa án phán quyết Jones sẽ phải bồi thường cho gia đình Walter 10.800 USD (khoảng 247 triệu đồng) để bà mẹ tiếp tục đi tìm con trai mình nhưng ông ta chưa bao giờ trả lại số tiền đó.

Dù vậy, cứ vài năm một lần, bà Christine lại kiện Jones ra tòa với cáo buộc chậm trễ trong việc bồi thường. Do đó, ông ta không thể yên ổn làm việc cho Sở Cảnh sát thành phố Los Angeles.

Một vài năm sau, Gordon bất ngờ gửi một lá thư cho bà Christine và thừa nhận đã nói dối khi phủ nhận việc sát hại Walter. Hắn ta yêu cầu bà mẹ đến gặp mình trong tù và sẽ nói ra sự thật.

Tuy nhiên, khi bà Christine tới gặp, hắn lại một mực phủ nhận: “Tôi không muốn gặp bà. Tôi không biết gì hết. Tôi vô tội”.

Về phía Christine, bà tin rằng người đàn ông này là một kẻ điên. Vì vậy, bất cứ lời nói nào của hắn ta đều không đáng tin và Walter nhiều khả năng vẫn còn sống.

5 năm sau khi Gordon bị tử hình, một trong số những cậu bé bị cho là nạn nhân của hắn đã được tìm thấy và vẫn sống mạnh khỏe. Điều này đã thắp lên niềm hy vọng lớn cho Christine. Bà dành phần còn lại của cuộc đời để đi tìm con trai và giữ hy vọng tới tận lúc qua đời rằng con bà vẫn sống mạnh khỏe ở một nơi nào đó. Christine Collins mất năm 1964, hưởng dương 75 tuổi và được an táng tại Los Angeles.

Nữ diễn viên Angelina Jolie thủ vai bà mẹ Christine trong phim “Changeling”.

Nữ diễn viên Angelina Jolie thủ vai bà mẹ Christine trong phim “Changeling”.

Còn vụ mất tích của Walter Collins đã trở thành một trong những vụ án bí ẩn nhất nước Mỹ. Đến nay, cơ quan điều tra vẫn không có bất kỳ manh mối khả dĩ nào về sự biến mất hay tung tích của Walter.

Nhiều người thậm chí cho rằng, cậu bé Arthur là do cảnh sát tìm kiếm và mang đến cho bà Christine và cố gắng thuyết phục người phụ nữ đó là con trai của bà. Tuy nhiên, giả thuyết này đã bị bác bỏ.

Năm 2008, đạo diễn Clint Eastwood và biên kịch J. Michael Straczynski đã xây dựng bộ phim “Changeling” từ câu chuyện về vụ mất tích của Walter. Vai diễn bà mẹ Christine do nữ diễn viên nổi tiếng người Mỹ Angelina Jolie thủ vai. Bộ phim làm nổi bật lên hành trình đi tìm con không ngừng nghỉ của một người mẹ chưa bao giờ hết hi vọng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ