Người mẹ của những "thợ dệt" lạ kì

Xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, nằm sát dòng sông Đáy hiền hòa, từ lâu đã nổi tiếng với nghề trồng dâu nuôi tằm và ươm tơ dệt lụa. Ở đây, giờ có thêm câu chuyện lạ về những con tằm tự dệt thành những chiếc chăn ấm áp. Chuyện thật như đùa ấy đang diễn ra tại xưởng tơ tằm của bà Phan Thị Thuận (62 tuổi) - người mẹ hiền hòa, chăm chỉ như tằm, cả đời rút ruột, nhả tơ, mải miết, say nghề. Còn “thợ dệt” là những con tằm đã qua tay bà Thuận huấn luyện, nuôi dưỡng để trở nên hữu ích.

Người mẹ của những "thợ dệt" lạ kì
Bà Thuận là người mẹ của những "thợ dệt" lạ kì.

Thổn thức cùng nghề qua những thăng trầm

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống ươm tơ dệt lụa ở mảnh đất tơ tằm nổi tiếng Phùng Xá (Mỹ Đức, Hà Nội), từ lúc 6 tuổi, bà Phan Thị Thuận đã được bố mẹ dạy cách trồng dâu nuôi tằm… Nuôi dưỡng niềm say mê từ thuở nhỏ, bao nhiêu năm sống là bấy nhiêu năm bà Thuận gắn bó với những thăng trầm của nghề ươm tơ, dệt lụa cha ông để lại.

Phùng Xá, Mỹ Đức xưa vốn là vùng sống bằng nghề nuôi tằm, dệt lụa. Đến 1978, xã thành lập hợp tác xã, chủ trương bỏ trồng dâu chuyển sang trồng lúa. Với một gia đình sống bằng nghề ươm tơ dệt lụa lâu đời như bà Thuận thì đó là một phen điêu đứng. Nhưng quyết không bỏ cuộc, hàng ngày bà Thuận đạp xe lên nông trại Thanh Hà, Kim Bôi, Hòa Bình mua lá dâu về cho tằm ăn, rồi cắm cành trồng ở bờ rào, bờ giậu. Sau, nhận ra trồng lúa không năng suất bằng nuôi tằm, cả làng quay lại theo gương bà ngày đêm tất bật với nong tằm, né kén.

Đến năm 1984, Nhà máy ươm tơ Mỹ Đức bỏ thu mua kén. Bà đã khóc. Bà chạy đôn chạy đáo tìm đầu ra cho nghề của cả làng. Rồi bà lại tiếp tục bám trụ với nghề bằng việc quay sang ươm tơ, dệt lụa đem bán cho làng lụa Vạn Phúc, phố Hàng Gai… Sau nhiều năm nỗ lực giữ nghề, bà đã nhận được những đơn đặt hàng đầu tiên của một thương nhân từ Ảrập Xêút. Sau đó là những đơn hàng đến Đức, Thái Lan, Lào, Bỉ,…

Năm 2000, bà Thuận tích vốn mở Công ty TNHH Phong Lam (tên 2 con trai của bà), đặt chi nhánh ở thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Tuy nhiên, do đây không phải đất làng nghề, nhân công chỉ làm khi thiếu việc, nên các đơn đặt hàng của bà thường bị chậm tiến độ.

Năm 2009, bà quyết định bán xưởng ở Vĩnh Yên. “Tôi đau xót vô cùng khi phải dỡ bỏ chi nhánh, vốn bỏ ra đã là 3 tỉ đồng. Hơn thế, tôi lo lắng cho sự tồn tại và phát triển của nghề. Nói không quá đâu, đúng là ngậm đắng nuốt cay để từ bỏ”, như đang ở trong tình huống 6 năm về trước, bà Thuận ngậm ngùi chia sẻ.

Tuy vậy, với niềm say mê nghề bất tận, khát khao giữ gìn lấy truyền thống tốt đẹp, bà Thuận trở lại Mỹ Đức lập Công ty Dâu tằm Mỹ Đức. “Tôi lấy tên công ty là Mỹ Đức vì nghề ươm tơ, dệt lụa này là truyền thống, là văn hóa, là mưu sinh của vùng đất này”, giọng nói của bà như đang ấp ủ những hi vọng phát triển cho quê hương.

Không những phát triển nghề cho gia đình, bà Thuận còn tận tình huấn luyện đào tạo thợ cho người dân trong làng. Suốt những năm 1990-2000, năm nào bà Thuận cũng được nhận bằng khen của tỉnh cho người thợ giỏi, hộ làm kinh tế giỏi. Năm 2005, bà đoạt huy chương vàng toàn quốc cho sản phẩm khăn thô tơ tằm làm từ những con kén phế.... Nhưng năm 2010 mới là năm đánh dấu cột mốc quan trọng trong cuộc đời người thợ dệt và nghề dệt của bà - cho tằm tự dệt tơ.

Người mẹ của những “thợ dệt” lạ kỳ

Nhiều lần quan sát con tằm làm tơ, đan kén ngoáy đầu ra sao, rút ruột thế nào, bà bỗng nảy ra sự so sánh giữa tấm bông dệt máy với kén của con tằm. Bà nhận thấy, những liên kết chúng tạo ra vô cùng bền chặt mà không một kĩ thuật dệt tay nào của con người có thể sánh bằng. Vậy là bà nảy ra ý định để chúng thay mình dệt những tấm bông.

Bà Thuận cho biết: “Trước đây, sản phẩm tơ tằm dệt theo kiểu truyền thống rất được ưa chuộng. Tuy nhiên, những chiếc mền bông này sẽ bị xô, lệch sau một thời gian dài sử dụng”. Vì yêu cái nghề truyền thống, bà quyết tâm nghiên cứu cách dệt mới để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Bước đầu, bà thử nghiệm việc không làm tổ cho tằm để chúng nhả tơ một cách tự do. Do không có nơi bấu víu nên nhiều con tằm không thể cuộn tròn lại để cuốn kén mà cứ bò lung tung theo bản năng. Bà bắt chúng về, sắp xếp vào đội ngũ. Do chức năng buộc phải nhả tơ khi đến kì như người đau đẻ nên không còn cách nào khác tằm đành phải nhả vào không gian.

Ngày đêm trông coi, hằng mấy đêm liền mất ngủ, rồi chồng con kèo nèo, bà vẫn không bỏ cuộc. Mất một năm với 8 lứa tằm thử nghiệm nghĩa là 32 đêm bà thức trắng liên tiếp để trông tằm kéo tơ và thêm nhiều đêm không ngủ vì suy nghĩ cách hoàn thiện, bà mới trình làng phương pháp lần đầu tiên có trong lịch sử: Tơ tằm tự dệt vào năm 2010. Đó là một cái nhìn xuyên thấu lòng tằm, một tấm lòng trân trọng từng sợi tơ…

Yêu từng con tằm, yêu từng cái kén nên bà chăm sóc nâng niu chúng như những đứa con bà rứt ruột sinh ra. Để tằm được yên tâm miệt mài kéo tơ, bà Thuận bày trí xưởng của mình thành một cái lồng ấm áp với ánh sáng vàng, các cửa sổ che kín, không để những tác động bên ngoài đánh động đến tằm.

Bà hiểu tằm đến mức có thể “đo” được trong bụng con tằm từng mùa, xuân, hạ, thu, đông có bao nhiêu mét tơ. Bà tính theo đó rồi đặt số lượng tằm vừa đủ để dệt ra một tấm chăn. Bà cho hay, trong ruột mỗi con tằm chứa được sợi tơ dài 400-500m nên để nhả hết nó phải ngoái cổ, rút từ trong ruột mình ra cả vạn lần. Từ đó, bà tính toán khoảng cách thích hợp để chúng vươn cổ, nhả tơ vừa tầm mà không vướng vào nhau. Tơ con này cuốn vào con kia sẽ đan thành các lớp lang dày như những chiếc kén được cán phẳng, hết chu kì nhả tơ cũng có nghĩa là đã hoàn thành sản phẩm... Năm 2012, những sản phẩm này chính thức có mặt trên thị trường.

Giá thành của một chiếc chăn bông tơ lên tới 10-11 triệu đồng/chiếc, đắt gấp 3 lần so với sản phẩm dệt máy. Tuy nhiên, bà Thuận không ngại khi nói về giá trị sản phẩm của mình: “Chất lượng bông tơ do tằm dệt không một loại máy hay con người nào có thể làm được nên mức giá phải có giá trị tương ứng. Sản phẩm này hoàn toàn tự nhiên, không lẫn bất cứ thứ tạp chất nào”. Bà cũng cho biết, ưu điểm của sản phẩm này là sợi tơ được sắp xếp chính xác, bền chặt nên thông thoáng, xốp nhẹ.

Bà Thuận luôn tâm niệm, những con tằm là những người thợ trung thành nhất, không bao giờ bỏ bà mà đi. Bà luôn yên tâm với những “chú thợ’ này, nếu như con người có thể thay đổi theo thời thế, có thể bỏ nghề thì những con tằm không bao giờ từ bỏ công việc nhả tơ, tạo ra những tấm lụa ấm áp cho con người.

Ngày 16.10.2015, bà đã đoạt giải nhất toàn quốc đề tài sáng tạo nhà nông. “Đây là giải thưởng làm tôi tự hào nhất, điều này cũng cho thấy nghề ươm tơ dệt lụa là nghề bền vững, như bản thân tôi vẫn luôn tin tưởng. Năm 1963, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói với Mỹ Đức rằng, nơi đây là thủ đô của dâu tằm. Tôi chưa từng có ý nghĩ vì những khó khăn trước mắt mà để nghề bị mai một. Tôi yên tâm vì nay các con trai, con dâu đã có thể tiếp bước”. Cầm trên tay bằng khen, bà Thuận nói với niềm tự hào và xúc động.

Đã đi đến bước này của nghề, bà Thuận không chỉ muốn giữ gìn và phát triển tơ tằm cho quê hương mà còn “muốn quảng bá sản phẩm với bạn bè quốc tế, để khi người ta nhìn thấy sản phẩm tơ tằm là nghĩ ngay đến đất nước Việt Nam, đến Mỹ Đức này”, bà Thuận cho biết.

Theo laodong

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ