Học nghề từ nhỏ
Nhiếp ảnh gia Đinh Tiến Mậu vốn người gốc làng Lai Xá (trước thuộc Hà Đông, nay thuộc xã Kim Chung) huyện Hoài Đức, Hà Nội, một ngôi làng xứ Bắc “trùm” về nghề ảnh.
Ông bắt đầu học nghề ảnh từ năm 10 tuổi. Năm 1948, mới 13 tuổi, ông theo gia đình vào Sài Gòn và tiếp tục học nghề tại tiệm ảnh Văn Vấn trên đường Duranton (nay là Bùi Thị Xuân – quận 1).
Trong suốt 10 năm ở đó, ông học tất cả các khâu theo kiểu nhìn thợ làm mà bắt chước. Cậu bé làm đủ mọi việc, quần quật vất vả quanh năm mà vẫn hào hứng khi đưa những tấm ảnh đẹp cho khách.
“Những ngày đầu mới vào Sài Gòn, tôi học vỗ ảnh, thay nước ảnh, phơi ảnh, vào bao, xách nước… Dẫu vất vả, phải làm đủ mọi việc nhưng tôi không ngại gì cả.
Trông thợ làm mà học, từ việc phụ đến việc chính. Chẳng học lý thuyết gì đâu. Làm hết, từ chụp ảnh, tráng phim, rửa ảnh, chấm sửa…”, nhiếp ảnh gia Đinh Tiến Mậu kể lại.
Khi đã lành nghề, ông thuê nhà mở tiệm riêng. Nhưng được kha khá khách thì lại bị chủ đòi lại nhà. Cứ thế, ông từng mở 4 tiệm và tiệm cuối cùng lấy tên Viễn Kính ở số 277 Phan Đình Phùng (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu), mở từ năm 1963.
Tay máy thân thiết của tài tử, giai nhân
Ngoài 17 tấm hình chân dung các nữ nghệ sĩ được giới thiệu trong cuộc triển lãm giữa năm 2017 ở đường sách Nguyễn Văn Bình (TPHCM), nhiếp ảnh gia Đinh Tiến Mậu còn hàng ngàn tấm hình chụp các tài tử, minh tinh của Sài Gòn những năm 60 - 70 thế kỷ trước.
Nét xuân thì của những nghệ sĩ, giai nhân nức tiếng Sài Gòn một thời như NSƯT Thanh Nga, NSND Kim Cương, diễn viên Thẩm Thúy Hằng, ca sĩ Bạch Yến, ca sĩ Thái Thanh, NSND Bạch Tuyết... đã được nhiếp ảnh gia Đinh Tiến Mậu chụp lại và lưu giữ.
Chiêm ngưỡng bao bức ảnh quý hiếm nhuốm màu thời gian ấy, người xem như trở về một thời vang bóng của Sài Gòn hoa lệ.
Tiệm chụp hình Viễn Kính nổi tiếng thời ấy vì chuyên chụp cho tài tử, minh tinh đình đám. Các nghệ sĩ tìm đến đây nhiều cũng bởi một lẽ: ảnh do chính nhiếp ảnh gia Đinh Tiến Mậu chụp như bắt được cái hồn của nhân vật khiến ai xem cũng phải trầm trồ.
Ví như bức ảnh NSƯT Thanh Nga nhìn nghiêng, mắt bồ câu phảng phất một nỗi buồn xa xăm, đôi bờ môi cắn hờ lên vành mũ có thể coi là một trong những bức xuất thần của ông. Nếu để ý kỹ, nhìn ở bất cứ góc nào, bên trái, bên phải, ở giữa... người xem đều cảm thấy như NSƯT Thanh Nga đang nhìn về phía mình.
Ảnh diễn viên Thẩm Thúy Hằng trên lịch Xuân 1967
Khoảng năm 1958, các diễn viên Thẩm Thúy Hằng và Kiều Chinh là nghệ sĩ đầu tiên mà ông chụp hình. Hai diễn viên đều do hãng phim Việt Thanh đưa đến nhờ Đinh Tiến Mậu chụp ảnh làm áp phích quảng cáo.
Ngoài chụp cho hãng Việt Thanh, ông còn chụp cho các hãng phim, hãng đĩa khác. Hầu hết các bìa băng đĩa, poster, bìa các tờ báo “Phụ nữ ngày nay”, “Màn ảnh”, “Kịch ảnh”... thời đó đều sử dụng ảnh chân dung nghệ sĩ của nhiếp ảnh gia Đinh Tiến Mậu.
Trong số đó, bức ảnh được coi là táo bạo nhất phải kể đến bức màu chụp “người đẹp Bình Dương” Thẩm Thúy Hằng trong bộ đồ tắm khoe thân hình và làn da trắng nõn nà trên bờ suối. Bức ảnh được đăng trên lịch xuân năm 1967 của báo “Phụ nữ ngày mai”.
Chụp nhiều cho đoàn cải lương Thanh Minh - Thanh Nga nên Đinh Tiến Mậu là tay máy thân thiết của nghệ sĩ Thanh Nga. Ông bị hút hồn bởi vẻ đẹp trong sáng, mắt bồ câu và mái tóc dài chấm gót của “nữ hoàng sân khấu” nổi tiếng bậc nhất Sài Gòn.
Tấm ảnh ông thích nhất là bức chân dung Thanh Nga với mái tóc dài như thế. Thanh Nga có lượng người hâm mộ đông nên lần nào cô đến tiệm Viễn Kính, khán giả cũng vây dày đặc ngoài cửa để chờ xin chữ ký. Có lần cô bận công chuyện gấp, vợ ông phải giải cứu bằng cách đưa đi cửa sau.
Khi được hỏi, có lẽ chắc người đẹp nên ông chụp luôn đẹp? Nhiếp ảnh gia Đinh Tiến Mậu chia sẻ: “Người đẹp là điều tất nhiên, nhưng nếu chụp chỉ để đẹp thôi thì dễ, chỉ cần bố trí ánh sáng sao cho tôn lên đường nét trời ban của họ.
Còn chụp để bắt được thần thái, thể hiện được tâm tính, cốt cách tâm hồn từng người thì không hề đơn giản”.
Quả thật khi nhìn vào những bức ảnh của ông còn lưu giữ, người xem bị cuốn hút ngay bởi thần thái của nhân vật. Nữ diễn viên điện ảnh Kiều Chinh thì trong trẻo và quyến rũ.
Diễn viên Diễm Thúy, một trong những người đi đầu trào lưu mặc áo cổ khoét sâu ở Sài Gòn những năm 1960 thì có vẻ đẹp hiện đại, cá tính và gợi cảm… Hay như Thẩm Thúy Hằng thì quý phái, diễm kiều.
Thái Thanh thì điềm đạm, mặn mà... “Ngày xưa các cô ấy không trang điểm nhiều lúc chụp hình nên nét đẹp rất tự nhiên. Lúc chụp, tôi ngồi trò chuyện với họ chứ không chăm chăm vào việc chụp hình của mình.
Trong cuộc nói chuyện cởi mở như vậy, tôi hiểu được tâm tính từng người, xuất hiện khoảnh khắc xuất thần là tôi phải nhanh chóng bấm máy” – ông chia sẻ thêm. Tác phẩm của Đinh Tiến Mậu thường ít chụp viễn thu gọn vóc dáng của nghệ sĩ mà thường chụp cận bắt lấy ánh mắt, bờ môi để thể hiện phút buồn vui của mỗi người.
Bức ảnh nghệ sĩ Thanh Nga, một người thành hai người |
Con người nguyên tắc, chân tình
Có người thắc mắc chụp ảnh cho các giai nhân nức tiếng Sài Gòn, ông không sợ vợ ghen sao? Những người quen biết với Đinh Tiến Mậu đều cười bảo rằng, người nguyên tắc như ông thì làm gì có chuyện để vợ ghen.
Nhà báo Phạm Công Luận kể chuyện một lần nọ có một nữ ca sĩ lừng danh đến tiệm chụp ảnh vào ban trưa nhưng thời điểm đó tiệm nghỉ mà cô không biết. Thấy ông ra từ chối, cô ca sĩ giận bỏ đi và từ ông luôn.
Nhưng ông cũng sống rất tình cảm khiến các nghệ sĩ nào đã cộng tác thì rất quý mến. Ca sĩ Thanh Thúy hồi ấy rất đắt show ở phòng trà, tụ điểm, đi hát về khuya thường ghé nhà đập cửa mời ông đi ăn. Hiểu tính chồng, vợ ông không bao giờ gợn ý nghĩ gì.
Với cách làm việc nguyên tắc nhưng chân tình, lại thêm kiểu chụp ảnh độc đáo nên tiệm của ông rất đông khách. Ngày ấy các cuộn phim để chụp rất quý nên chụp tấm nào coi như phải chắc tấm đấy.
Kỹ thuật sửa ảnh ngày đó cũng thô sơ, chỉ có lối chấm màu thủ công cho những ai da mặt không được mịn lắm. Riêng tiệm Viễn Kính còn có cách ghép hình độc đáo mà tiệm khác không có.
Một người xuất hiện thành hai, ba người trong một tấm ảnh mà trông vẫn tự nhiên. Bí quyết của ông là chụp nhiều lần với ánh sáng, bố cục được tính toán chính xác để khi ghép không bị phô. Kiểu ghép này ông đã áp dụng với ảnh nghệ sĩ Thanh Nga.
Năm 2004, trước sự cạnh tranh của nhiều tiệm ảnh kỹ thuật số, tiệm ảnh của ông đóng cửa. Kể về những kỷ niệm xưa, mắt ông luôn lấp lánh niềm vui:
“Chừng ấy năm, tôi có cơ hội để rẽ sang những con đường khác nhưng càng làm, tôi càng thấy mê nghề nhiếp ảnh. Tôi bình thản, nhẹ nhàng sống với nghề, vừa để kiếm cơm, vừa sống vì nghệ thuật.
Mình tôn trọng, hết lòng với khách hàng, khách hàng mới đặt niềm tin vào mình”. Những bức ảnh của Đinh Tiến Mậu thời gian này là cảnh đường phố, con người cần lao ở mọi miền đất nước.
Hiện còn giữ trong tay những cuộn phim quý về các nghệ sĩ Sài Gòn xưa nhưng ông hiếm khi công bố. Chỉ khi có sự kiện về “những người muôn năm cũ” của thành phố này thì người ta mới tìm đến ông để nhắc nhớ lại một thời.
Cái “mộc” nổi có tên tiệm Viễn Kính - một vật dụng đã đóng vào hàng ngàn bức ảnh mà ông lưu dấu về con người và đời sống Sài Gòn xưa đã được trao tặng cho Bảo tàng Làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá.
Hơn 80 tuổi, nhiếp ảnh gia Đinh Tiến Mậu vẫn còn nhanh nhẹn, minh mẫn. Trong buổi giao lưu triển lãm ảnh nghệ sĩ Sài Gòn xưa (do ông chụp) diễn ra tại đường sách Nguyễn Văn Bình, nhiều người vẫn không khỏi ngạc nhiên, thích thú với những chia sẻ chân tình của nhiếp ảnh gia lừng lẫy một thời.