Cảm thụ văn học:

Hình tượng người lính qua 'tam tuyệt thi'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Có nhiều thi phẩm xuất sắc viết về người lính của thơ ca giai đoạn kháng chiến chống Pháp...

Bộ đội trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954. Ảnh: INT
Bộ đội trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954. Ảnh: INT

Nói về hình tượng người lính không thể không nhắc tới ba bài thơ tiêu biểu: “Tây Tiến” của Quang Dũng, “Đồng chí” của Chính Hữu, “Nhớ” của Hồng Nguyên. Mặc dù mỗi bài thơ có hoàn cảnh ra đời khác nhau nhưng đều là những thi phẩm xuất sắc viết về người lính của thơ ca giai đoạn kháng chiến chống Pháp.

Trong quan niệm thi ca truyền thống phương Đông, các nhà lý luận phê bình thường nhắc tới khái niệm “tam tuyệt thi”, ba thi phẩm có cùng đề tài, có thể cùng hoặc khác tác giả. Mỗi giai đoạn văn học thường ghi dấu qua những nhóm tác phẩm như vậy, chặng đường Văn học 1945 - 1954 gắn liền với cuộc kháng chiến chống Pháp vô cùng gian khổ nhưng cũng rất đỗi oanh liệt, hào hùng của dân tộc. Không nằm ngoài quỹ đạo đó, thơ ca giai đoạn này cũng phản ánh cuộc kháng chiến đó thông qua hình tượng người lính với những nét bề bộn của hiện thực cuộc sống chiến trường nhưng cũng không kém phần thi vị, lãng mạn.

Tình đồng chí

Trước hết cả ba bài thơ đều khắc họa được hình ảnh người lính xuất thân từ những miền quê khác nhau, điều kiện chiến đấu vô cùng gian khổ, khó khăn nhưng họ không hề thối chí, sờn lòng mà luôn có thái độ ngạo nghễ trước gian khổ, khó khăn. Đó là người lính ra đi từ những làng quê nghèo khó, họ bỏ lại sau lưng tất cả để dấn thân vào con đường binh nghiệp với bao bỡ ngỡ ban đầu.

Nhà thơ Hồng Nguyên sáng tác bài thơ “Nhớ” để ghi lại những cảm xúc rất chân thực của người lính ngay khi mới bước vào quân ngũ, họ đến từ khắp mọi miền, nhiều người chưa biết chữ nhưng với tinh thần yêu nước, lòng căm thù giặc họ đã sát cánh cùng nhau và nhanh chóng trở thành những người bạn chiến đấu thân thiết.

Lũ chúng tôi

Bọn người tứ xứ,

Gặp nhau hồi chưa biết chữ

Quen nhau từ buổi “Một hai”

Súng bắn chưa quen,

Quân sự mươi bài

Lòng vẫn cười vui kháng chiến

(Nhớ - Hồng Nguyên)

Nhà thơ Hồng Nguyên cũng ghi lại cả một giai đoạn đầu cuộc kháng chiến chống Pháp với vô vàn thiếu thốn, khó khăn. Có khi phải lột sắt đường tàu để làm vũ khí, manh áo vải đơn sơ, không có giầy dép nhưng vẫn chủ động trong chiến đấu. Người lính lên đường để lại quê hương biết bao kỷ niệm thân thương, nhất là hình ảnh những người vợ trẻ nơi hậu phương với nỗi nhớ khôn nguôi:

Lột sắt đường tàu,

Rèn thêm đao kiếm,

Áo vải chân không,

Đi lùng giặc đánh.

Ba năm rồi gửi lại quê hương.

Mái lều gianh,

Tiếng mõ đêm trường,

Luống cày đất đỏ

Ít nhiều người vợ trẻ

Mòn chân bên cối gạo canh khuya

(Nhớ - Hồng Nguyên)

Cùng chung cảm xúc của Hồng Nguyên, nhà thơ Chính Hữu cũng khái quát tình đồng chí của những người lính sát cánh bên nhau trong quân ngũ từ những tứ thơ rất đỗi giản dị, đời thường. Họ đều ra đi từ những nơi nước mặn, đồng chua, những nhọc nhằn, lam lũ, thiếu thốn đã giúp họ nhanh chóng đồng cảm để trở thành những đồng chí tri kỷ:

Quê hương anh nước mặn, đồng chua

Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá

Anh với tôi đôi người xa lạ

Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau.

Súng bên súng, đầu sát bên đầu

Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ

(Đồng chí - Chính Hữu)

Nhà thơ Chính Hữu cũng đi lí giải tình cảm đồng chí của những người lính không chỉ từ nguồn gốc xuất thân mà cả ở những hoàn cảnh sống cụ thể, nhà thơ không hề che giấu những khó khăn, thiếu thốn mà nhắc đến nó bằng tâm thế của người coi thường mọi gian nguy. Với họ lý tưởng chiến đấu đã át đi tất cả, có ai đó từng nói cuộc đời đẹp nhất là trên trận chiến chống quân thù, quả đúng như vậy, người lính trong bài thơ “Đồng chí” vẫn ngời lên một vẻ đẹp của những người nông dân mặc áo lính, những người lính của quê hương ruộng đồng:

Ruộng nương anh gửi bạn thân cày

Gian nhà không mặc kệ gió lung lay

Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính.

Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh,

Sốt run người, vừng trán ướt mồ hôi.

(Đồng chí - Chính Hữu)

Năm 1947 Chính Hữu viết bài thơ “Ngày về” cũng có những câu thơ đầy ấn tượng về người lính, đó là người lính có nét hào hoa, lãng mạn khác hẳn với hình ảnh người lính trong bài “Đồng chí”:

Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng

Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm

Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm

Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa

(Ngày về - Chính Hữu)

Khác với hai bài thơ trên, bài thơ “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng ra đời gắn với lịch sử của đoàn quân Tây Tiến, một đơn vị bộ đội được thành lập đầu năm 1947, có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào đánh tiêu hao sinh lực địch ở vùng biên giới rộng lớn. Người lính trong đoàn quân Tây Tiến chủ yếu ra đi từ Hà Nội mà phần đông là trí thức.

Quang Dũng có mặt ở đơn vị Tây Tiến từ ngày đầu thành lập cho đến cuối năm 1948 ông chuyển sang đơn vị khác, rời xa đơn vị ít lâu ông viết bài thơ “Nhớ Tây Tiến”, sau này khi in ông chỉ đề “Tây Tiến”. Người lính trong bài thơ “Tây Tiến” mặc dù không xuất thân từ những làng quê, họ là những thanh niên trí thức Hà Nội nhưng cũng trải qua đời sống chiến trường gian khổ, thiếu thốn. Quang Dũng đã khắc họa chiến trường miền Tây với những địa hình khó khăn, hiểm trở đó cũng chính là những thử thách mà người lính Tây Tiến phải vượt qua:

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm,

Heo hút cồn mây, súng ngửi trời.

Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống,

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.

Anh bạn dãi dầu không bước nữa,

Gục lên súng mũ bỏ quên đời!

Chiều chiều oai linh thác gầm thét,

Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người.

(Tây Tiến - Quang Dũng)

Họ chiến đấu ở nơi rừng thiêng nước độc, bệnh sốt rét hoành hành nên tóc rụng, da xanh xao nhưng vẫn toát lên vẻ oai nghiêm, dữ dằn khiến kẻ thù khiếp sợ, mọi khó khăn đó không quật ngã được họ:

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc,

Quân xanh màu lá dữ oai hùm.

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới,

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.

(Tây Tiến - Quang Dũng)

Tác phẩm “Đồng chí” của Chính Hữu.

Tác phẩm “Đồng chí” của Chính Hữu.

Tinh thần lạc quan, yêu đời

Người lính trong cả ba bài thơ đều mang tinh thần lạc quan, yêu đời và có cả nét hào hoa, lãng mạn. Hồng Nguyên tái hiện cuộc hành quân qua những xóm thôn, làng mạc với bao kỷ niệm ấm áp về tình quân dân, những sinh hoạt kháng chiến với tinh thần lạc quan, yêu đời. Người lính qua không biết bao nhiêu làng quê nghèo khó, không giường chiếu chỉ ngả tạm cánh cửa, ổ rơm qua đêm lạnh giá nhưng họ luôn đón nhận được tình cảm ấm áp từ hậu phương. Những bà mẹ bắt rận cho đàn con, giành củ khoai ấm bếp lửa trong những ngày đông giá sẽ theo họ mãi cuộc đời, bên cạnh đó là tình cảm đồng đội keo sơn, tếu táo mang đậm chất lính:

Chúng tôi đi

Nắng mưa sờn mép ba lô,

Tháng năm bạn cùng thôn xóm.

Nghỉ lại lưng đèo

Nằm trên dốc nắng.

Kì hộ lưng nhau ngang bờ cát trắng.

Quờ chân tìm hơi ấm đêm mưa.

- Đằng nớ vợ chưa?

- Đằng nớ?

- Tớ còn chờ độc lập

Cả lũ cười vang bên ruộng bắp,

Nhìn o thôn nữ cuối nương dâu.

(Nhớ - Hồng Nguyên)

Hình ảnh người lính trong bài thơ “Đèo Cả” của Hữu Loan cũng có những nét trẻ trung đầy ngạo nghễ của người lính trong kháng chiến chống Pháp. Phải chăng ngòi bút mang đậm chất tả thực từ điều kiện chiến trường gian khổ lại toát lên vẻ lãng mạn, phi thường. Đó cũng là điểm gặp gỡ của nhiều bài thơ về người lính giai đoạn này:

... Sau mỗi lần thắng

những người trấn Đèo Cả

về bên suối

đánh cờ

người hái cam rừng

ăn nheo mắt

Người vá áo

thiếu kim

mài sắt

người đập mảnh chai

vểnh cằm

cạo râu

(Đèo Cả - Hữu Loan)

Với người lính Tây Tiến những kỷ niệm về tình quân dân, những đêm liên hoan văn nghệ giữa bộ đội và nhân dân địa phương nơi biên giới Việt Lào sẽ mãi mãi đọng trong tâm trí họ. Những chàng trai Hà Thành háo hức trước vẻ đẹp đậm màu sắc của các cô gái dân tộc e lệ, kiều diễm, lộng lẫy. Điều đó giúp họ có thêm sức mạnh để vượt qua khó khăn, gian khổ chiến trường:

Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa,

Kìa em xiêm áo tự bao giờ.

Khèn lên man điệu nàng e ấp,

Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ.

(Tây Tiến - Quang Dũng)

Điểm nổi bật nhất trong cả ba bài thơ chính là tinh thần quyết chiến, quyết thắng. Mặc dù họ ra đi từ những vùng quê khác nhau, điều kiện chiến đấu khác nhau, đơn vị, địa bàn khác nhau nhưng họ đều chung tinh thần quả cảm, quyết tâm tiêu diệt kẻ thù. Người lính ra đi với một lý tưởng cao cả: Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh, họ sẵn sàng hiến dâng đời xanh, tuổi trẻ cho Tổ quốc, dân tộc:

Rải rác biên cương mồ viễn xứ,

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh.

Áo bào thay chiếu, anh về đất,

Sông Mã gầm lên khúc độc hành.

(Tây Tiến - Quang Dũng)

Người lính trong bài thơ “Nhớ” của Hồng Nguyên cũng ra đi trong đêm tối nhưng luôn mang tinh thần quả cảm, quyết tâm tiêu diệt kẻ thù. Có thể nói tinh thần quyết chiến, quyết thắng đã đem lại cho ba bài thơ vẻ đẹp mang tính sử thi, mang tầm thời đại khi những người dân thường đứng lên bảo vệ quê hương, Đất nước với thái độ hoàn toàn tự nguyện, tự giác:

Đêm đó chúng tôi đi

Nòng súng nghiêng nghiêng,

Đường mòn thấp thoáng...

Trong điếm nhỏ,

Mươi người trai tráng,

Sờ chuôi lựu đạn.

Ngồi thổi nùn rơm

Thức vừa rạng sáng.

Nhìn trời sương nhẩm bước chúng tôi đi

(Nhớ - Hồng Nguyên)

Với những người đồng chí cùng gắn bó qua gian khổ, khó khăn họ càng thêm đồng cảm, thấu hiểu nhau và cùng sát cánh đêm nay chờ giặc tới. Ở người lính luôn luôn toát lên tinh thần chủ động tiến công nhưng không vì thế mà những câu thơ kém phần thi vị, lãng mạn, hình ảnh đầu súng trăng treo còn đọng mãi trong tâm trí người đọc.

Áo anh rách vai

Quần tôi có vài mảnh vá

Miệng cười buốt giá

Chân không giày

Thương nhau tay nắm lấy bàn tay!

Đêm nay rừng hoang sương muối

Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

Đầu súng trăng treo.

(Đồng chí - Chính Hữu)

Cả ba bài thơ đều ra đời năm 1948, đến nay đã trải qua trên 70 năm, đã được đưa vào chương trình sách giáo khoa cũng như nhiều tuyển tập thơ khác nhau, điều đó chứng tỏ sức sống lâu bền của các tác phẩm. Vẻ đẹp lãng mạn, đậm khuynh hướng sử thi là những giá trị nổi bật của cả ba thi phẩm. Ba bài thơ đã khắc họa thành công hình ảnh người lính giai đoạn kháng chiến chống Pháp nói riêng và trở thành những bài thơ hay nhất viết về người lính trong văn học Việt Nam nói chung.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ