Người lao động “vây” công ty đòi bảo hiểm xã hội

GD&TĐ - Sáng 20/7, hơn 40 tài xế xe buýt của Công ty TNHH TM DV Hoàng Đức (Thừa Thiên Huế) đình công không chở khách để đòi tiền lương và bảo hiểm xã hội.

 Người lao động “vây” công ty đòi bảo hiểm xã hội

Tại trụ sở công ty Hoàng Đức, 16 xe buýt vẫn nằm trong bãi đỗ thay vì đang chạy trên các tuyến đường phục vụ người dân đi lại. Ngoài ra một số tài xế tập trung trước trụ sở công ty tại phường An Đông (TP Huế), xịt lốp nhiều xe buýt để phản đối việc nhiều năm qua Cty Hoàng Đức không không đóng BHXH và nợ, chậm trả tiền lương cho người lao động.

“Tôi là tài xế lái xe buýt cho Cty Hoàng Đức trong hơn 5 năm và đã làm đơn xin nghỉ việc từ ngày 13/2 năm 2017, nhưng đến bây giờ phía Cty Hoàng Đức vẫn chưa giải quyết chế độ nghỉ việc, chưa thanh toán hết số tiền lương trong thời gian tôi làm việc với Cty. Ngoài ra, Cty còn nợ bảo hiểm từ tháng 4/2015 đến nay và không chốt sổ nên tôi chưa thể xin được việc khác...”, ông Phan Văn Hiệp (42 tuổi, trú P. Tây Lộc, TP Huế) lo lắng.

Trong lúc đó tài xế Hoàng Văn Mẫn cho biết, công ty nợ anh 19 triệu đồng tiền bảo hiểm xã hội và một tháng lương. Đa số xe buýt từ TP Huế đi các huyện ngừng hoạt động vì tài xế đình công đòi lương và bảo hiểm xã hội.

Được biết, từ tháng 10/2015 đến nay Cty Hoàng Đức còn nợ cơ quan BHXH số tiền tham gia BHXH, BHYT, BHTN của 57 lao động trên 2,1 tỉ đồng.

Giải thích về việc chậm giải quyết chế độ tiền lương và BHXH cho NLĐ, ông Hoàng Đức Định Trưởng phòng Hành chính - Nhân sự (Công ty Hoàng Đức) cho biết: “Công ty khai thác 13 tuyến xe buýt trên địa bàn tỉnh. Trong đó có 5 tuyến có trợ giá của Nhà nước. Thời gian gần đây, tình hình hoạt động gặp nhiều khó khăn, số lượng người nghỉ việc nhiều, biến động nên công ty còn nợ bảo hiểm và chưa thực hiện chốt sổ BHXH cho những người đã nghỉ việc. Chúng tôi cam kết trong tuần tới sẽ giải quyết những vướng mắc về chế độ cho người lao động. Nguyện vọng của anh em khi đến đây là yêu cầu Cty Hoàng Đức thực hiện đầy đủ chế độ, quyền lợi cho người lao động".

Việc chậm giải quyết chế độ cho người lao động của Cty Hoàng Đức đã vi phạm quy định tại Khoản 3, Điều 18, Nghị định 115/NĐ-CP ngày 11-11-2015 của Chính Phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc. Quá bức xúc, 57 lao động gồm lái xe, phụ xe, nhân viên Cty Hoàng Đức đã làm đơn kêu cứu tập thể gửi đến Sở LĐ-TB&XH và các cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên-Huế để yêu cầu Cty Hoàng Đức đóng BHXH đầy đủ, chốt sổ BHXH để NLĐ hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc chuyển công tác...

Trước đó, tháng 3/2017, hàng chục lái xe, nhân viên, phụ xe cũng kéo tới trụ sở của Sở LĐTB&XH tỉnh Thừa Thiên – Huế để phản ánh về tình trạng này. Tại đây, các ban ngành liên quan, cơ quan chức năng đã yêu cầu Công ty Hoàng Đức đóng BHXH trong tháng 3-2017 để BHXH giải quyế chế độ cho những người lao động đã nghỉ việc đồng thời lập cam kết lộ trình trả nợ phù hợp trong vòng 6 tháng, nhưng Công ty Hoàng Đức không thực hiện.

Tháng 5/2017, LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên – Huế phối hợp với BHXH tỉnh, trực tiếp làm việc tại Cty Hoàng Đức, phía công ty đưa ra cảm kết sẽ chuyển trả 500 triệu đồng trước ngày 15/5; đến tháng 6 sẽ chuyển 20% tổng số nợ, tháng 7 thêm 20%. Và sau khi được UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế bù lỗ, sẽ chuyển nốt số nợ còn lại, song phía công ty không có động thái gì.

Theo số liệu từ BHXH tỉnh Thừa Thiên – Huế, đến hết tháng 6-2017, Công ty Hoàng Đức đã nợ BHXH hơn 20 tháng với số tiền trên 2,1 tỉ đồng.

Ông Hồ Ngọc Sinh, Trưởng phòng Lao động - Tiền lương - BHXH (Sở LĐTB&XH) cho biết, lý do chậm lương, nợ BHXH mà Cty Hoàng Đức đưa ra "đó là trong quá trình kinh doanh Cty Hoàng Đức đang gặp khó khăn, người lao động cũng nên chia sẻ, cho công ty có lộ trình để giải quyết các yêu cầu trong đơn kêu cứu; không nên tổ chức nghỉ việc, đình công.

Nếu Công ty Hoàng Đức không thực hiện đúng theo ý kiến kết luận của liên ngành, tập thể người lao động có quyền gửi đơn lên Tòa án để được bảo vệ quyền lợi chính đang”, ông Sinh nói.

 Người lao động “vây” công ty đòi bảo hiểm xã hội ảnh 1 Người lao động “vây” công ty đòi bảo hiểm xã hội ảnh 2 Người lao động “vây” công ty đòi bảo hiểm xã hội ảnh 3 Người lao động “vây” công ty đòi bảo hiểm xã hội ảnh 4

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ