Ước mơ con chữ xóm gầm cầu

GD&TĐ - Nằm dưới gầm cầu Long Biên thuộc phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội là xóm trọ của gần chục hộ gia đình. Họ là những người lao động từ nhiều tỉnh khác nhau lên thủ đô mưu sinh kiếm sống. Mỗi ngày trôi qua với họ là những nỗi lo về gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền. Ở nơi đấy, có cả những ước mơ về con chữ.

Xóm trọ nơi những người tha hương cầu thực sống tạm bợ
Xóm trọ nơi những người tha hương cầu thực sống tạm bợ

Bươn chải mưu sinh    

Chúng tôi đến xóm trọ vào một ngày mưa, con đường dẫn vào xóm trọ nhổn lổn đất đá và lầy lội khó đi. Cả xóm trọ là nơi trú mưa, trú nắng của gần chục hộ gia đình xa quê lên thành phố kiếm sống với mong muốn một cuộc sống tốt hơn. Không gian ẩm thấp, hôi hám sau những trận mưa bất chợt khiến khu trọ càng trở nên tồi tàn, lạnh lẽo.

Mỗi căn phòng chỉ đủ diện tích kê một chiếc giường và để vài đồ đặc cá nhân. Món đồ có giá trị nhất trong phòng là một chiếc ti vi đời cũ để thỉnh thoảng các cháu có xem. Nhưng cũng chỉ xem được vài kênh thi thoảng lại “dở chứng” mở không lên. Trên tường vôi vữa đã bong tróc , loang lổ. Chục hộ gia đình ở đây dùng chung một cái bể nước, sử dụng chung một cái nhà tắm và nhà vệ sinh đã cũ kỹ.

Áp lực mưu sinh khiến lao động nông thôn buộc phải rời quê hương để lăn lộn lên thành phố kiếm kế sinh nhai. Đến từ nhiều vùng khác nhau, trình độ dân trí lại thấp khiến cuộc sống của họ gặp không ít những khó khăn. Họ làm đủ thứ nghề với mức lương chẳng đáng là bao.

Người thì đi quét rác, người nhặt ve chai, người thì ngược xuôi với gánh hàng rong trên các con phố hay làm cửu vạn gánh hoa quả ở chợ Long Biên. Vất vả là thế nhưng tiền lương mỗi tháng cũng chỉ từ 1,5- 2 triệu đồng.

Tâm sự với chúng tôi, cô  Nguyễn Thị Nhung (quê Hưng Yên) than thở:  “Ngày nào cũng rã rời chân tay, mệt lắm chứ, vất vả lắm chứ, nhưng cũng tự biết thân biết phận, mình ở quê lên phố chả có gì ngoài gánh hàng rong kiếm “ba cọc ba đồng”, víu lấy được cái nghề này mà mưu sinh là tốt lắm rồi”.

“Dân ở quê lên phố giờ nhiều lắm, phải cạnh tranh nhau mà sống, nhưng ở nhà quanh quẩn với vài ba sào ruộng thì không đủ sống. Ăn uống trên này đắt đỏ mà sinh hoạt thì tạm bợ nhưng chắt bóp vẫn đủ dư gửi về cho vợ con”,  chú Mạnh (Hưng Yên) lái xe ôm khu chợ Long Biên chia sẻ.

Những người lao động ở đây đều cho biết kiếm sống nơi phố thị họ phải lầm lũi, nhặt nhạnh tất cả vì gánh nặng cơm, áo, gạo tiền vì người thân nơi quê nhà đang ngày đêm mong ngóng bát cơm, manh áo họ mang về.

Ước mơ về những con chữ

Được biết những người lao động ở đây đều không biết chữ, chính điều này đã cản trở rất lớn đến cuộc sống của họ. Cuộc sống thiếu thốn, gia đình đông anh em khiến họ phải từ bỏ việc học để đi làm kiếm tiền.

Người lớn đã vậy, nhưng những đứa trẻ ở đây cũng biết rằng được đi học, đến trường là một ước mơ quá xa vời. Nơi mà cái ăn, cái mặc còn thiếu thì giấc mơ con chữ vẫn chỉ dừng lại ở suy nghĩ. Có những đứa trẻ 16, 17 tuổi mà tư duy cũng chỉ như học sinh cấp 1. Các em chỉ quanh quẩn xung quanh xóm trọ nghèo mà chẳng có bạn bè, thầy cô. Nơi đó các em chỉ có 4 bức tường làm bạn, ngày ngày mong ngóng bố mẹ tan làm trở về sau những giờ làm vất vả.

Một góc sinh hoạt của xóm trọ
Một góc sinh hoạt của xóm trọ 

Nhìn đứa con 16 tuổi đang ôm món đồ chơi mới được tặng dịp trung thu năm ngoái, chị Nguyễn Thị Động rớt nước mắt:  “Con bé bị tim bẩm sinh từ nhỏ nên sức khỏe rất yếu, nó chẳng thể làm được gì giúp gia đình cả. Gửi con bé ở quê thì không có ai trong giúp mà tôi cũng chẳng yên tâm nên hai mẹ con đùm dúm nhau lên trên này. Cũng biết là sẽ càng vất vả nhưng thôi cũng đành cố gắng chứ giờ biết làm sao.”

Ngập ngừng một lúc chị chia sẻ thêm: “Hàng ngày tôi vẫn phải ở nhà trông chừng con bé vì sợ nó đi đâu mất hay có làm sao thì khổ. Mỗi đêm khi nó ngủ tôi mới dám đi làm, khóa cửa nhốt nó ở trong cho đến khi đi làm về. Nhà thì nghèo quá chẳng thể cho nó đi học dù đó là ước mơ của con bé”. Dứt lời hai hàng nước mắt chị lăn dài trên đôi gò má đã chai sạn vì sương gió.

Trò chuyện cùng em Nguyễn Thị Thảo - con chị Động, em tâm sự với những nỗi niềm đầy chua xót: “ Đi học chắc thích lắm chị nhỉ? Em thích đi học lắm, em cũng muốn được đến trường, muốn có bạn bè, có cô giáo chị ạ”.

Nắng tắt, những con người tha hương cầu thực lại cặm cụi với những công việc thường ngày. Cả xóm trọ trở lên vắng lặng vì ở ngoài kia họ vẫn đang nhặt từng cái chai, gánh từng gánh hàng rong để sống qua ngày. Bên trong những cánh cửa đang khóa, vẫn có những ước mơ con trẻ thật giản dị về một lần được cắp sách đến trường.

Sẽ còn rất nhiều mảnh đời giống như xóm trọ này,  giống như một vòng luẩn quẩn không có hồi kết, bố, mẹ các em không biết chữ và nếu không được đi học các em cũng sẽ như bố, mẹ của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ