Người khổng lồ tóc đỏ hang Lovelock

GD&TĐ - Báo cáo khai quật hang Lovelock, Nevada ở miền Tây nước Mỹ năm 1929 viết phát hiện 2 xác ướp khổng lồ, nữ cao 1,98m và nam cao 2,44m.

Hang Lovelock, nơi phát hiện hàng vạn cổ vật của người Mỹ bản địa trước Công nguyên. Ảnh: Ancient-origins.net
Hang Lovelock, nơi phát hiện hàng vạn cổ vật của người Mỹ bản địa trước Công nguyên. Ảnh: Ancient-origins.net

Văn học dân gian Paiutes, bộ lạc bản địa Nevada cũng kể rằng vùng đất họ đang sống từng là nhà của chủng tộc da đỏ dáng vóc to lớn nhất thế giới, người Si-Te-Cah. Bộ lạc này không chỉ hung hãn, mà còn ăn thịt đồng loại nên đã bị liên minh các bộ lạc khác trong khu vực tận diệt.

Cuộc thảm sát tại hang Lovelock

Người Paiutes truyền miệng, Si-Te-Cah là thổ dân da đỏ cao to và linh động nhất vùng Nevada. Chỉ với bè được kết bằng cây tule (một loại cây thủy sinh có thể tước thành sợi), họ làm chủ hồ Lahontan (hồ nước rộng mênh mông từng bao phủ gần hết nửa phía Bắc của Nevada trong kỷ băng hà cuối cùng) và luôn thoát khỏi sự truy kích của các chiến binh Paiutes.

Ngoài Paiutes, Nevada còn là đất sống của một số bộ lạc khác. Trước Công nguyên, chuyện cướp bóc giữa các bộ lạc xảy ra thường xuyên. Người Si-Te-Cah với thân hình to khỏe và biệt tài lẩn trốn bằng bè là nỗi đe dọa lớn nhất với tất cả các bộ lạc còn lại vì ngoài cướp bóc, họ còn ăn thịt đồng loại. Cuối cùng, để tận diệt họ, các bộ lạc đã liên minh với nhau và thành công dồn ép người Si-Te-Cah vào trong hang Lovelock.

Hang Lovelock chỉ dài 46m và rộng 11m. Sau khi khiêu khích người Si-Te-Cah ra ngoài chiến đấu bất thành, liên minh các bộ lạc chất củi thành đống lớn ngoài cửa hang và đốt. Họ cũng sắp đặt đội cung thủ bắn mưa tên vào bên trong. Toàn bộ người Si-Te-Cah đã bị giết bởi tên và khói lửa. Liên minh các bộ lạc đại thắng.

Thời gian dần trôi, hang Lovelock bị lãng quên. Mưa gió làm sập cửa hang, lối vào trở nên nhỏ đến mức chỉ loài dơi mới chui lọt.

Phát hiện bất ngờ

Trước thế kỷ XX, hang Lovelock chỉ đơn giản là động dơi bốc mùi, không ai buồn lại gần. Năm 1911, hai thợ mỏ là David Pugh và James Hart nhận ra phân dơi có thể được tận dụng làm thuốc súng và quyết định thành lập công ty khai thác. Với cuốc và xẻng, họ đào ra và vận chuyển khoảng 250 tấn phân dơi đến Công ty Phân bón Hawaii ở San Francisco.

Cũng trong quá trình khai thác phân dơi, Pugh và Hart phát hiện bên trong đống phân có lẫn các tạo tác lạ và cổ. Họ liên hệ với người sáng lập Khoa Nhân chủng học của Đại học California là Tiến sĩ Alfred Kroeber (1876 - 1960). Năm 1912, hang Lovelock chính thức được khai quật. Năm 1924, nó lại được khai quật thêm một lần nữa.

Thông cáo đầu tiên về kết quả khai quật hang Lovelock được xuất bản vào năm 1929, cho biết tìm thấy khoảng 10 nghìn mẫu vật, chủ yếu là xương, giỏ, vũ khí và công cụ. Trong số này, có tổng cộng 60 xác ướp người với chiều cao trung bình, một số mồi vịt giả vẫn còn nguyên vẹn, một chiếc dép dài 38cm và một phiến đá 365 rãnh khắc, có khả năng là phiến lịch.

Xác định niên đại các xác ướp và cổ vật cho thấy thuộc khoảng năm 2030 - 1210 TCN. Dựa vào đây, các nhà khảo cổ kết luận con người đã sử dụng hang Lovelock từ năm 1500 TCN và hình thành nên nền văn hóa Lovelock kéo dài 3.000 năm.

Đặc biệt, trong báo cáo kết quả khai quật ban đầu hình như còn có 2 xác ướp người khổng lồ, tóc đỏ là một nữ cao 1,98m và một nam cao 2,44m. Nói hình như là vì không còn tồn tại văn bản hay bằng chứng nào về 2 xác ướp này. Dù vậy, giới khảo cổ và nhân chủng học vẫn xem họ như xác ướp người Si-Te-Cah.

Theo huyền thoại, người Si-Te-Cah không chỉ to lớn, mà còn ăn thịt đồng loại. Ảnh: Ancient-origins.net

Theo huyền thoại, người Si-Te-Cah không chỉ to lớn, mà còn ăn thịt đồng loại. Ảnh: Ancient-origins.net

Chưa sáng tỏ

Bên cạnh kết quả khai quật hang Lovelock, thế giới còn biết tới người Si-Te-Cah qua cuốn sách được viết bởi Sarah Winnemucca Hopkins, con gái một thủ lĩnh người Paiutes - Cuộc sống trong bộ lạc Paiutes: Sai lầm và Yêu sách (Life Among the Paiutes: Their Wrongs and Claims, 1882).

Mặc dù, bà Hopkins không đề cập tới kích thước cơ thể khổng lồ nhưng khẳng định sự tồn tại của “những kẻ man rợ ăn thịt người” và điều này xác nhận việc từng hiện diện của bộ lạc huyền thoại Si-Te-Cah.

Ngoài kích thước gây ấn tượng, 2 xác ướp Si-Te-Cah không rõ có thật không còn gây nghi hoặc bởi tóc đỏ, vì người bản địa khu vực Nevada có tóc màu đen. Những người tin xác ướp Si-Te-Cah có thật suy đoán màu tóc đỏ là do bị nhuộm bởi đất hoặc khoáng chất, hóa chất nào đó có trong đất chôn. Riêng nghiên cứu tại Đại học Nevada thì khẳng định, xác ướp người khổng lồ chỉ cao 1,83m chứ không phải tận 2,44m.

Năm 1931, trên tờ Nevada Review-Miner có đăng một bài báo viết phát hiện 2 bộ xương khổng lồ dưới lòng hồ khô Humboldt gần hang Lovelock. Chúng lần lượt cao 2,59m và 3,05m, được quấn kín bằng một loại vải phủ nhựa cao su tương tự như xác ướp Ai Cập.

Năm 2005, nhà nhân chủng học Adrienne Mayor (Mỹ) xuất bản cuốn sách Huyền thoại hóa thạch của những người Mỹ đầu tiên (Fossil Legends of the First Americans). Bà gợi ý, kích thước khổng lồ của người Si-Te-Cah có khả năng chỉ là một hiểu nhầm.

Khu vực Nevada đầy rẫy hóa thạch xương voi ma mút, gấu hang động và các loài động vật lớn khác. Những người khai quật ban đầu, vì chưa qua đào tạo chuyên môn, có thể đã nhầm lẫn chúng thành xương người, còn mái tóc màu đỏ là do tác động của nhiều yếu tố khác nhau như đất, nước, nhiệt độ… sau thời gian bị vùi lấp quá lâu.

Năm 2013, 2 nhà truy tìm Bigfoot, MK Davis và Don Monroe bất ngờ công bố bộ ảnh về người khổng lồ hang Lovelock. Đó là tập ảnh chụp dấu tay in trên phiến đá hang động to gấp đôi dấu tay người đàn ông bình thường, có khả năng là dấu tay của người Si-Te-Cah.

Dọc theo biên giới Peru và Bolivia (2 quốc gia ở Nam Mỹ), người ta tìm thấy một số hộp sọ gần hồ Titicaca, tuyên bố là hộp sọ của người khổng lồ vì có tóc đỏ và dáng sọ thuôn dài.

Trong các bộ lạc bản địa hồ Titicaca cũng có câu chuyện truyền miệng về người khổng lồ tóc đỏ giỏi ghép và điều khiển thuyền bè bằng cây sậy tương tự như truyền thuyết về người Si-Te-Cah của người Paiutes. Chỉ khác ở chỗ, tên của dân tộc khổng lồ này là thổ dân Uros.

Ngày nay, hang Lovelock là địa điểm quan trọng được Chính phủ Mỹ đưa vào Sổ đăng ký Địa điểm Lịch sử quốc gia (National Register of Historic Places) từ năm 1984.

Ở Winnemucca, Nevada, có một bảo tàng nhỏ trưng bày các cổ vật được tìm thấy trong hang Lovelock, tuy không có cổ vật nào là minh chứng cho sự tồn tại của người khổng lồ tóc đỏ Si-Te-Cah.

Theo Ancient-origins

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ