Mùa xuân xuống giống
Mỗi độ tháng 3 - 4 hàng năm, bà con đồng bào Khơ Mú ở nhiều nơi lại háo hức, rộn ràng bước vào vụ mới. Theo truyền thống, Lễ Tra hạt là tục không thể thiếu để khởi đầu một mùa vụ thuận hòa.
Sau nhiều năm “vắng bóng”, 2 năm nay Lễ Tra hạt lại diễn ra sôi nổi tại bản Huổi Lốt. Ông Lý Văn Khắm là thầy cúng chính, nên thời gian này khá bận rộn. Theo ông Khắm cho biết: Bà con Khơ Mú xưa kia tổ chức Lễ Tra hạt với ước mong một năm canh tác mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Nghi lễ nhằm cầu khấn thần linh phù hộ cho gia chủ gặp điều tốt đẹp, bảo vệ nương rẫy, xua đuổi động vật phá hoại, mùa màng bội thu, lúa trĩu bông, ngô nặng hạt. Buổi lễ diễn ra với quy mô gia đình và thực hiện trên mảnh nương của từng chủ hộ. Tuy nhiên, trên thực tế thường thu hút sự tham gia của đông đảo người dân trong khu vực.
“Cái hay ở nghi lễ này là đồng bào Khơ Mú quan niệm càng nhiều người tham gia thì lễ hội càng đông vui và năm đó gia chủ sẽ có mùa màng bội thu. Chính bởi vậy, chủ nhà thường rất xởi lởi, cởi mở để mong được nhiều khách cùng chung vui”, ông Khắm cho hay.
Thầy cúng chính thực hiện các nghi thức trước sự chứng kiến của gia chủ và bà con trong bản. |
Nghi lễ bắt đầu tại nhà gia chủ với cơm, rượu, nước, gia vị để xin phép tổ tiên được làm lễ trên nương. Tại nương sẽ dựng 1 sàn từ tre, nứa để bày vật phẩm. Thầy cúng với sự hỗ trợ của các già làng trong bản sắp xếp, bày trí đồ lễ, bao gồm: 1 mảnh vải truyền thống, bộ trang phục dân tộc, rượu, nước, đồ trang trí làm từ tre nứa... Trong đó, lễ vật chính không thể thiếu là 1 con chó, 2 con gà trống lông đỏ, với ý nghĩa là dâng các con vật canh giữ, trông nom nương.
Khi thầy cúng làm lễ xong, 1 người sẽ đại diện lấy gậy chọc 6 lỗ để tra hạt trước, rồi phi gậy ra giữa mảnh nương, càng xa càng tốt và hô lớn “xong rồi”. Sau đó, tất cả mọi người có mặt tại buổi lễ cùng tập trung lại giúp chủ nhà. Trong đó, nam giới đảm nhiệm việc chọc lỗ, còn nữ giới thì tra hạt.
Sau khi cả mảnh nương đã được xuống giống, thầy cúng rót nước trong ống tre để cho những người tham gia buổi lễ rửa tay. Nước này đồng thời được vẩy lên trời nhằm tượng trưng cho những hạt mưa. Bà con cùng cầu mong cho mưa thuận gió hòa, cây cối lên xanh tươi tốt.
Bà con thực hiện nghi thức chọc lỗ, tra hạt. |
Nỗ lực phục dựng
Bản Huổi Lốt là nơi có 100% đồng bào Khơ Mú sinh sống. Theo Trưởng bản Lò Văn Hiền chia sẻ, thì những năm gần đây nhiều nét văn hóa truyền thống của bà con bản địa đã bị mai một. Đặc biệt, nhiều năm liền trong bản không có hộ nào tổ chức Lễ Tra hạt.
“Hầu hết người trẻ trong bản chỉ nghe tên chứ chưa được tham gia bao giờ. Các nghi lễ chỉ còn trong trí nhớ của những người cao tuổi và chỉ có thầy cúng mới thực hiện được”, ông Hiền bộc bạch.
Năm 2022, bà con trong bản bất ngờ đón tin vui khi được Bảo tàng Tỉnh Điện Biên lựa chọn, hỗ trợ phục dựng lại nghi lễ này. Đã gần 40 tuổi, song đó là lần đầu tiên chị Lò Thị Xuân được chứng kiến nghi lễ truyền thống của dân tộc. Năm nay, chị quyết định chuẩn bị các điều kiện để mời thầy về thực hiện cho gia đình.
Nghi thức rửa tay, vẩy nước lên trời kết thúc Lễ Tra hạt. |
Chị Xuân tâm sự: “Trước kia tôi chỉ nghe ông bà kể lại, không thấy ai làm nên cũng không biết mà làm theo. Nhưng từ giờ thì biết rồi. Đây là phong tục truyền thống của dân tộc mình, được nhà nước quan tâm thì phải cố gắng gìn giữ. Đời mình, rồi đời con, cháu nữa”.
Còn theo chia sẻ của Trưởng bản, thì buổi phục dựng như tiếp thêm động lực, tình yêu và trách nhiệm của bà con Huổi Lốt trong việc gìn giữ văn hóa dân tộc Khơ Mú. Bước vào mùa xuân năm nay, nhiều nhà trong bản đã háo hức chuẩn bị các điều kiện, chọn ngày để tổ chức nghi lễ này.
“Mặc dù giờ đây bà con đã áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất. Song Tra hạt vẫn là nghi lễ nông nghiệp quan trọng của người Khơ Mú. Vì vậy, chúng tôi sẽ cố gắng gìn giữ như một phần văn hóa truyền thống. Đồng thời cũng là để nhắc nhở các thế hệ sau nhớ về cội nguồn, thêm tự hào và có trách nhiệm bảo tồn giá trị tốt đẹp của dân tộc mình”, ông Hiền chia sẻ.