Cả thanh xuân làm giáo viên cắm bản
Sinh ra và lớn lên ở một huyện miền núi còn nhiều khó khăn, nghề giáo gắn bó với thầy Lê Huy Phương như cơ duyên định sẵn. Thầy Phương kể, thời điểm năm 1988, khi vừa tốt nghiệp THPT, các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Trà My cũ thiếu giáo viên trầm trọng. Để giải bài toán này, ngành giáo dục ưu tiên cho học sinh vừa tốt nghiệp THPT tham gia các lớp học cấp tốc để trở về quê đứng lớp giảng dạy. Thầy Phương cũng nằm trong số đó.
Hoàn thành khóa học, thầy Phương được phân công về dạy học ở xã Trà Vân. Giao thông đi lại ở Trà Vân nói riêng và các xã miền núi Nam Trà My hồi đó còn nhiều khó khăn, nhất là đường đến các điểm trường lẻ. Gần như chỉ có thể đi bộ. Phòng học được làm từ tranh tre nứa, rất tạm bợ. Mùa đông thì gió lùa, mưa dột ướt cả sách vở học sinh.
Trước mỗi buổi học, giáo viên đều phải đi tìm HS. Thầy Phương không thể nhớ hết được những chuyến đi vào rẫy tìm phụ huynh để vận động họ cho con em đi học. “Để thuyết phục được phụ huynh, không phải mình đến nhà, đến rẫy một lần là thành công đâu. Cũng phải “3 cùng” với họ, rồi tranh thủ phân tích thiệt hơn. Một khi phụ huynh đã tin tưởng thì sẽ hỗ trợ nhà trường rất tích cực” – thầy Phương chia sẻ.
Giáo viên “cắm bản” ngày đó rất khổ, nhất là vào mùa mưa lũ. Đợt lũ lớn năm 2000, thầy Phương bị kẹt lại nhiều ngày, lương thực dự trữ, dù chỉ là mì tôm và cá khô cũng cạn dần. Cơn lũ quét qua cũng làm đường sá sạt lở, hư hỏng. Muốn về thăm nhà chỉ có cách thuê xe ôm hoặc… cuốc bộ. Một chuyến xe ôm đi chặng đường 100km từ trường về nhà tốn khoảng 250 ngàn đồng trong khi lương chỉ được 307 ngàn đồng/tháng.
Không còn cách nào khác, thầy Phương quyết định đi bộ. Hành trang trở lại trường, thầy Phương còn phải cõng thêm cả lương thực tiếp tế cho đồng nghiệp. Mất gần 3 ngày cho một chuyến cuốc bộ từ nhà quay trở lại trường, với ba lô nặng trĩu trên vai.
“Vất vả thì mình có thể chịu được, nhưng buồn nhất là khi đêm xuống. Đến đèn dầu cũng phải thắp thật tiết kiệm, không có một hình thức giải trí nào, kể cả thú vui đọc sách cũng phải dè sẻn. Giáo viên cắm bản ở miền núi thời đó ai cũng vất vả như thế. Đến bây giờ, dù điều kiện trường lớp đã được cải thiện nhiều, thì giáo viên ở các điểm lẻ vẫn thiệt thòi hơn so với điểm trường chính.
Nhưng thương học trò, quý tình cảm của bà con đồng bào dành cho mình khi ốm đau mà ở lại. Ngày đó, chỉ cần nghe tin thầy cô giáo nào ốm, già làng sẽ cắt cử thanh niên khiêng thầy cô đi viện ngay, dù đường sá rất khó khăn. Có con cá, mớ rau gì ngon cũng để dành tặng thầy cô” – thầy Phương kể .
Xin cơm, xây trường cho học trò
Ở Trà Vân ngót 15 năm, thầy Lê Huy Phương vừa giảng dạy vừa tiếp tục học lên đại học, trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ. Năm 2015 thầy được chuyển về làm Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Trà Tập. Chuyển sang xã khác nhưng cái khó vẫn như nhau. Trà Tập ngoài trường chính còn có 9 điểm trường lẻ ở các thôn bản. Điểm xa nhất phải mất hơn 4 giờ đi bộ.
“Cứ mỗi lần đến các điểm trường lẻ là mình lại dấy lên khát khao làm sao cải thiện được điều kiện ăn ở, học tập của HS. Cũng không có gì cao sang, chỉ là mong các em được học trong những phòng học kiên cố, không phải trống trước hụt sau, bàn ghế đạt chuẩn, có được đôi dép, tấm áo lành lặn, đủ ấm vào mùa đông và bữa cơm có đầy đủ thịt, cá, rau. Rồi chỗ ở cho GV cũng phải đủ an toàn. GV ở đây phần lớn là từ đồng bằng lên công tác. Muốn cho họ gắn bó lâu dài thì điều kiện sinh hoạt cũng phải tươm tất mới mong giữ chân rồi mới tính đến chuyện cống hiến chứ” - thầy Lê Huy Phương tâm tư.
Ban đầu thầy Phương kết nối với các mạnh thường quân thông qua các cuộc gặp gỡ hoặc qua mạng xã hội facebook để xin hỗ trợ bữa ăn cơm có thịt cho học trò ở các điểm trường lẻ. Bạn bè qua mạng xã hội của thầy có ở khắp nơi, nhiều nhất là TP.Hồ Chí Minh. Từ đó, thầy chia sẻ khó khăn của học trò và mong ước của mình để tìm nguồn hỗ trợ. Xin áo quần, sách vở, xin bữa ăn cho HS cũng chỉ mới là những giải pháp “phủi nóng”. Thầy Phương nghĩ đến kế hoạch dài hơi hơn: xóa phòng học tranh tre nứa lá, kiên cố hóa các điểm trường lẻ.
Từ nhiều nguồn hỗ trợ của các cá nhân và một số CLB thiện nguyện như CLB Kết nối yêu thương Nam Trà My, CLB Bạn thương, chỉ trong vòng 3 năm, lần lượt 9 điểm trường lẻ tạm bợ ở Trà Tập được thay bằng gỗ. Thậm chí, như điểm trường Tắk Pổ, Tắk Rối đã được xây dựng kiên cố hóa với quy mô đầu tư lên đến hàng tỉ đồng.
Đây cũng là 2 điểm trường “cổ tích”, tạo nhiều cảm hứng cho thầy cô giáo đang giảng dạy ở vùng khó. Năm 2019, điểm trường Tắc Rối do thầy Phương kết nối với CLB Bạn thương nhau ở Đà Nẵng do anh Nguyễn Bình Nam làm chủ nhiệm được xây dựng kiên cố bằng bê tông. Nhưng chưa đầy một năm sau, cơn lũ dữ năm 2020 đã quét qua trường, cả 2 phòng học chỉ còn là đống đổ nát.
Thêm một lần nữa, Tắk Rối lại nhận được sự quan tâm đầu tư xây dựng lại cũng từ CLB này. Thầy Phương cho biết: “Cùng với trường Tắk Rối đã xây xong, điểm trường Tắk Pổ và khu bán trú ở điểm trường chính Trà Tập cũng đang được các mạnh thường quân hỗ trợ xây dựng, sẽ đưa vào sử dụng trong năm học 2021-2022 sắp tới”.
Ngoài kêu gọi nguồn lực bên ngoài để cải thiện bữa ăn cho HS, thầy Lê Huy Phương còn phát động phong trào trồng rau và chăn nuôi ngay tại vườn trường. Vườn rau không chỉ là nơi giáo viên và học sinh canh tác để cải thiện bữa ăn mà còn để giúp các em rèn luyện kỹ năng, trải nghiệm.
Chia sẻ về những việc làm dành cho học trò của mình, thầy Phương cho biết: “Mỗi món quà mạnh thường quân dành tặng cho học sinh Trà Tập mình đều phân chia hợp lý nhất, minh bạch nhất. Điều quan trọng là cái tâm của mình đặt vào đó để làm sao cho học trò được hưởng lợi thì mọi người sẽ tin tưởng và ủng hộ. Để các em được học trong ngôi trường ấm cúng, ăn bữa ăn đủ đầy thì mình có đi xin cũng không có gì phải ngại”.