Gỡ rối cho Tắk Rối
Tranh thủ mùa nước cạn, nhóm thiện nguyện đã chọn giải pháp làm đường vượt sông. Lối đi được đắp bằng sỏi đá, ngập chừng nửa bánh xe bò chở vật liệu. Nhờ cách làm ấy mà nhiều điểm trường ở vùng cao Nam Trà My đã được kiên cố hóa từ sự đóng góp của những tấm lòng thiện nguyện.
Cuối tháng 10/2020, do ảnh hưởng của cơn bão số 9, điểm trường Tắk Rối (Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập) bị sập một phòng học. Nằm cách xa sông Tranh, nước chưa khi nào dâng tới, nhưng cơn lũ khủng khiếp đã cuốn phăng mọi thứ, để lại ngổn ngang bùn đất, gạch đá. Để bảo đảm an toàn, cô trò ở điểm trường này phải học tạm tại nhà dân.
Điểm trường Tắk Rối được đưa vào sử dụng mới một năm, với tổng mức đầu tư hơn 570 triệu đồng từ sự kêu gọi, vận động của CLB Bạn thương nhau. Điểm trường có 2 phòng học, nhà công vụ cho giáo viên, nhà bếp. Nhìn trường lớp ngổn ngang, đổ nát, thầy Lê Văn Bốn ngậm ngùi: “Khó khăn lắm các em mới có một ngôi trường đẹp và khang trang đến như thế. Giờ thì…”.
41 hộ dân của làng Tắk Rối di dời về làng mới, cách làng cũ khoảng 2 km kể từ tháng 5/2019 theo chủ trương của chính quyền địa phương. Điểm trường Tắk Rối vì vậy cũng di dời theo. Thế nhưng, do những khó khăn trong di dời, năm học 2019 – 2020, trường phải mượn tạm nhà dân để làm nơi dạy học.
Điện không có, nên lớp học tổ chức được hay không đều phụ thuộc vào thời tiết. Những ngày trời mưa hay sương mù bao phủ, thầy chỉ có thể tổ chức các hoạt động vui chơi cho HS. Để xây dựng điểm trường Tắk Rối, thợ xây phải kết bè gỗ rồi đẩy bè chở vật liệu vượt sông.
“Tùy vào từng loại vật liệu, việc kéo cũng hết sức vất vả và nguy hiểm. Thế nên, ngày khánh thành 2 phòng học mới, với thầy trò và người dân Tắk Rối là một sự kiện trọng đại” – thầy Lê Huy Phương, hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
Từ sự kêu gọi “Mỗi người một viên gạch, chung tay cho điểm trường Tắk Rối hồi sinh” của anh Nguyễn Bình Nam – Chủ nhiệm CLB Bạn thương nhau, đã có 600 triệu đồng từ sự ủng hộ của các tấm lòng hảo tâm.
Cùng với nguồn ủng hộ 200 triệu đồng được một nhóm mạnh thường quân hỗ trợ thông qua BGH Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập, 800 triệu đồng được huy động chỉ trong vòng 2 tháng, cho một điểm trường được xây dựng lần thứ 2.
Theo thầy Phương, kết quả này là ngoài sự tưởng tượng của hội đồng sư phạm nhà trường. Điểm trường Tắk Rối sẽ được xây dựng theo hướng kiên cố hơn, bê tông cốt thép nhiều hơn, có thêm cả tường rào cổng ngõ.
Ngoài điểm trường Tắk Rối, điểm trường Tắk Pổ cũng đang làm thủ tục bàn giao mặt bằng để xây mới theo hình thức xã hội hóa. Trong 11 điểm trường lẻ của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập, đã có 3 điểm trường được kiên cố hóa.
“Trước đây, khi xóa phòng học tranh, tre, nứa, lá để thay bằng vách gỗ, chúng tôi ưu tiên điểm trường nào xa nhất, đi lại khó khăn nhất thì gửi thông tin cho các tổ chức thiện nguyện để họ kêu gọi, lên phương án hỗ trợ, xây dựng.
Giai đoạn này, chúng tôi phối hợp với các tổ chức thiện nguyện xây dựng phòng học theo hướng kiên cố và đúng tiêu chuẩn để có thể đáp ứng điều kiện dạy học của chương trình – sách giáo khoa mới. Vì thế, cứ điểm trường nào thuận lợi về mặt giao thông thì được ưu tiên xây dựng trước. Đường mở đến đâu thì sẽ kiên cố hóa trường lớp đến đó”, thầy Phương cho biết.
Góp than hồng thành ngọn lửa
Điểm trường Nước Ui của Trường Tiểu học Kim Đồng (xã Trà Mai, Nam Trà My, Quảng Nam) là điểm trường đầu tiên được CLB Bạn thương nhau kêu gọi cộng đồng đóng góp.
Trực tiếp khảo sát địa điểm, lên phương án xây dựng, Nguyễn Bình Nam – một thành viên CLB cho biết, số tiền đầu tư dự kiến là 55 triệu đồng. Thế nhưng, khi thi công, Nam và các thành viên trong CLB mới “tá hỏa” vì quá nhiều vấn đề phát sinh. Mỗi ngày chỉ làm được từ 6 giờ đến gần 9 giờ sáng, sau đó bắt buộc phải nghỉ vì mưa như trút nước.
Để vận chuyển vật liệu xây dựng vào đến nơi cũng vô cùng vất vả và khủng khiếp. Điểm trường quá tách biệt với bên ngoài, đường sá đi lại khó khăn nên ngay cả nước uống, thức ăn cho thợ cũng là vấn đề nan giải. Đây cũng chính là nguyên nhân “đội” số tiền đầu tư xây dựng lên gấp 4, 5 lần so với dự kiến ban đầu.
Đến khi hoàn thành 2 phòng học tại điểm trường này là hơn 222 triệu đồng. “Lúc ấy mình xác định bỏ tiền túi ra để công trình không bị dang dở, nhưng rồi mọi người tiếp tục ủng hộ, thiếu đâu ủng hộ đấy nên công trình vẫn được tiếp tục, thời gian thực hiện thì kéo dài đến 1,5 tháng dù dự kiến ban đầu chỉ mất có 4 tuần.
Sau này mình bỏ thêm 10 triệu đồng tiền riêng, nhưng khi khánh thành thì vui mừng, bất ngờ trước sự thành hình của điểm trường này, lãnh đạo địa phương đã bù số tiền đó. Đó là ngôi trường đầu tiên và cho mình vô số kinh nghiệm bổ ích”, Bình Nam nói.
Từ sự chung tay, kết nối giữa CLB Bạn thương nhau, CLB Kết nối yêu thương, Quỹ thiện nguyện vì yêu thương…, đến nay, đã có khoảng 100 phòng học ở các điểm trường lẻ xa xôi đã được xây dựng kiên cố, ít nhất là vách gỗ.
Ngoài ra, còn có 4 - 5 khu nội trú và 20 căn nhà của người dân được xây dựng. Từ đó, điều kiện dạy – học của GV và HS được cải thiện đáng kể, những bất tiện, thậm chí là nỗi ám ảnh của các GV nữ cắm bản trong sinh hoạt hàng ngày đã được xóa bỏ.
Thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ chia sẻ: “Cái quan trọng nhất trong kêu gọi xây dựng trường ở các điểm trường lẻ của vùng núi cao Nam Trà My không phải là chúng tôi “xin” được bao nhiêu tiền. Mà hơn thế, vấn đề là kêu gọi được sự đồng tâm, đồng lòng của bà con cùng tham gia trong quá trình xây trường.
Một khi người dân góp công góp sức, họ sẽ bảo vệ, gìn giữ để công trình được bền đẹp, sạch sẽ. Ví như, một người mẹ xuống núi từ sáng sớm để cõng gạch xây dựng điểm trường Răng Chuỗi. Mất 4 - 5 tiếng đồng hồ cho chuyến đi xuống.
Chừng ấy giờ để cõng gạch lên núi. Đến nơi thì trời đã nhá nhem tối. Người mẹ này đã ngồi ngay vệ đường kéo áo lên cho con bú mà gùi gạch vẫn còn ở trên lưng. Nhìn thấy hình ảnh đấy, mình đã khóc”.
Từ câu chuyện này, thầy Nguyễn Trần Vỹ cho biết, thời gian sắp tới, CLB sẽ chuyển hướng sang làm đường bê tông.
“Các điểm trường lẻ tại Nam Trà My tuy có thể chưa khang trang, hiện đại, nhưng đã đủ ấm và sạch sẽ. Sắp tới, nếu kêu gọi được sự hỗ trợ của các mạnh thường quân thì chúng tôi sẽ tập trung làm đường để thuận tiện cho GV, HS và bà con đi lại.
Đường không cần to, rộng, chỉ cần vừa đủ cho GV đi xe máy đến tận trường là được. Cứ có đường thì sẽ có trường khang trang, đầu tư đạt chuẩn”, thầy Vỹ cho biết.