(GD&TĐ)- Trong thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã làm tốt công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực tài chính thực hiện Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012 theo QĐ số 20 của Thủ tướng CP; Gương anh Hờ A Thào, dân tộc H’Mông đã hiến đất xây trường là một điển hình.
Trong chuyến làm việc tại huyện Trạm Tấu về Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên Yên Bái giai đoạn 2008-2012, chúng tôi có dịp đến thăm một người H’Mông đã hiến đất xây trường.
Ngôi trường mới được xây dựng trên mảnh đất anh Thào hiến tặng. |
Từ thị trấn Trạm Tấu ngược dốc theo con đường Trạm Tấu đi Bắc Yên (Sơn La) mới mở khoảng 7km, chúng tôi đến thôn Tà Chử của xã Bản Công huyện Trạm Tấu, Yên Bái. Hình ảnh đầu tiên hiện ra trước mắt chúng tôi là ngôi nhà công vụ khang trang dành cho các cô giáo mầm non nằm giữa đỉnh đồi rộng rãi sát với con đường liên tỉnh, nhìn sang phía bên kia đồi là điểm trường của trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Bản Công.
Qua trao đổi với đồng chí Trưởng ban quản lý dự án của huyện, chúng tôi được biết ngôi nhà công vụ nằm trên diện tích đất được một chủ hộ người H’Mông hiến để xây dựng.
Đó là anh Hờ A Thào thôn Tà Chử, xã Bản Công, huyện Trạm Tấu. Tìm đến nhà anh Thào, nhà chủ mời khách vào nhà với vẻ mặt đôn hậu, thái độ niềm nở, ít ai đoán anh đã 37 tuổi. Anh Thào cho biết: năm 2009 anh đã hiến khoảng 700m2 đất để xây nhà ở công vụ cho giáo viên mầm non và tới đây để xây thêm lớp học cho các cháu, sẽ tiếp tục hiến thêm 300m2 nữa.
Anh chia sẻ, có trường mới rồi, mình phấn khởi lắm, các cô giáo thì có nhà ở, con mình cũng học ở đấy mà. Anh chỉ theo hướng tay về bên tay phải nơi chúng tôi đang ngồi và chậm rãi kể tiếp: Cái trường học kia (phân trường của trường TH và THCS của xã) cũng là đất của nhà mình đấy. Chúng tôi nhìn theo hướng tay anh, một dãy nhà lớp học được xây dựng năm 2002 và 2 phòng công vụ cho giáo viên mới được xây năm 2009 cùng sân trường nằm trên khoảng đất rộng trên 1000m2.
Liền kề với khoảnh đất anh Thào đã hiến cho địa phương để xây trường học là vườn chè, vường cây hông có giá trị kinh tế rất cao đang phát triển tốt, cao hai tầm với đang ra hoa rất đẹp, nhưng đẹp hơn thế là hai ngôi trường khang trang đã mọc lên từ khu đất được hiến. Anh Thào đã biết hy sinh lợi ích cá nhân để chăm lo cho sự nghiệp giáo dục hiến đất xây trường. Việc làm của anh đã thể hiện giá trị nhân văn cao cả của người H’Mông tiến bộ vì tương lai con em trong thôn. Tôi thầm liên hệ: Sao trong khi đó, ở nhiều điểm trường công tác giải phóng mặt bằng để xây trường, xây lớp vẫn còn gặp khó khăn, chưa được sự ủng hộ của bà con.
Anh Hờ A Thào |
Khi được hỏi về lý do khiến anh quyết định hiến đất để xây trường? Anh trả lời rất mộc mạc: Mình thấy con em người Mông ở thôn phải đi học xa, thiếu cái lớp, trong khi thôn chưa tìm được địa điểm để xây trường, mình và gia đình đồng ý để chính quyền xây trường trên đất của mình; có học thì mới xóa đói giảm nghèo được.
Sau khi pha nước mời khách, chúng tôi chủ động hỏi thăm tình hình gia đình, tình hình thôn, tình hình lớp học ở đây, anh vui vẻ tiếp chuyện. Qua câu chuyện của anh chúng tôi được biết, anh đã tốt nghiệp THCS bổ túc văn hóa và hiện đang tham gia Ban khuyến học của thôn. Anh thường xuyên cùng với các cô giáo vận động cha mẹ học sinh để cho các em đến lớp học tập chuyên cần, nào là quyên góp để xây dựng qũy khuyến học của thôn; thăm hỏi, động viên học sinh, cùng với các cô giáo tổ chức các hoạt động cho học sinh nhân ngày lễ, ngày tết, ngày truyền thống.
Trên bức vách thưng bằng gỗ đối diện bàn uống nước, tôi chợt thấy có mấy giấy khen treo ở đó: Nào là Giấy khen của Trưởng Ban chỉ huy quân sự huyện Trạm Tấu về thành tích hội thao quốc phòng năm 1999, Giấy khen của Cục thống kê tỉnh về thành tích trong công tác thống kê năm 2004 và Giấy khen của Chủ tịch UBND huyện trong công tác chữa cháy rừng năm 2010. Anh Thào cho biết, ngoài công tác khuyến học anh rất tích cực tham gia các công tác khác tại địa phương. " Mình tham gia các công tác khi được địa phương giao nhiệm vụ, mà đã tham gia thì phải cố gắng hoàn thành thôi chứ chẳng nghĩ làm để lấy khen", anh Thào khiêm tốn nói.
Có lớp học khang trang, HS học tập chuyên cần, giáo viên có nhà ở công vụ, yên tâm bám trường, bám bản, chất lượng giáo dục đã từng bước được nâng lên rõ rệt; cũng vì thế mà phong trào giáo dục tại đây được xã đánh giá cao trong nhiều năm qua.
Hiệu trưởng trường TH và THCS xã Bản Công Trần Văn Cường cho biết: Tà Chử là một thôn đặc biệt khó khăn của xã Trạm Tấu có 40 hộ dân (hộ nghèo chiếm đến hơn 2/3: 77,4%) với gần 250 nhân khẩu.
Tuy vậy, tỷ lệ huy động HS trong độ tuổi ra lớp, tỷ lệ HS học tập chuyên cần của thôn Tà Chử rất cao (tỷ lệ huy động trẻ 6-10 tuổi ra lớp đạt 97,3%, tỷ lệ cao hơn nhiều bản trong xã), chất lượng giáo dục ở đây khá tốt. Thôn đã đạt yêu cầu PCGDTH ĐĐT nhiều năm trước, tỷ lệ học sinh học hết lớp năm theo học trung học cơ sở bán trú ở trung tâm xã hàng năm đều trên 90%.
Thầy Cường còn cho biết thêm, ngoài việc hiến đất xây trường, ông Thào còn tham gia rất tích cực và hiệu quả trong Ban khuyến học của thôn, vận động cha mẹ cho học sinh đến lớp, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, động viên các học sinh có thành tính học tập tốt...
Cô Trần Thị Hương, Phó hiệu trưởng trường mầm non Sơn Ca của xã cũng khẳng định: Tỷ lệ huy động và chất lượng giáo dục mầm non của thôn là khá tốt. Hiện nay, bản có một lớp mẫu giáo với 30 em, tỷ lệ huy động trẻ từ 3-5 tuổi ra lớp đạt 93,5%, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 100%. Năm học tới, bản sẽ mở thêm một nhóm trẻ với 15 cháu. Bản Tà Chử đã đủ điều kiện về chuẩn phổ cập mẫu giáo cho trẻ 5 tuổi.
Nghĩa cử cao đẹp của ông Thào phần nào cũng đã góp thêm sự thành công tốt đẹp cho Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012 và khẳng định về sự chỉ đạo quyết liệt của Ban chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị ở địa phương, sự đồng thuận và ủng hộ của người dân.
Chia tay, hình ảnh của người đàn ông H’Mông chất phác, đôn hậu với những việc làm bình dị mà cao cả, mang đậm tính nhân văn sâu sắc mãi in vào tâm trí các thành viên đoàn công tác. "Nếu huyện mình có nhiều người như thế này thì giáo dục của huyện chẳng mấy mà phát triển", tôi chia sẻ với Trưởng Ban quản lý dự án huyện.