Không những thế, ông còn được biết đến là người giữ gìn cồng chiêng quý từ bao đời, chép, dịch sử thi cổ, sáng tác nhiều bài dân ca và còn đưa cồng chiêng đi trình diễn nhiều nước trên thế giới.
Say mê nhạc cụ truyền thống
Trong một lần công tác về với vùng cao Hơ Moong, (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) chúng tôi có đã được gặp gỡ và trò chuyện với nghệ nhân A Thút tại nơi làm việc. Sau một hồi trò chuyện, ông mời chúng tôi về nhà, bên trong ngôi nhà có rất nhiều giấy khen, huy chương mà mỗi lần đi biểu diễn cồng chiêng ở các nước mà ông được tặng. Được ông khoe những thành tích của mình với những chuyến đi biểu diễn cồng chiêng, hát kể sử thi, hát dân ca ở nước ngoài, mà chúng tôi thêm phần kính phục con người xuất chúng của đại ngàn Tây Nguyên.
Nghệ nhân A Thút được sinh ra và lớn lên ở làng Đăk Wơr, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Nhưng từ khi nằm trong nôi, A Thút đã được nghe những bài hát kể sử thi của cha và ông nội dài bất tận. Lúc lớn lên, ông theo cha tới các thôn làng Bana, để diễn tấu và chỉnh sửa cồng chiềng cho bà con. Vì thế, những bài hát sử thi, những tiếng cồng chiêng thấm đậm trong tâm hồn từ thời thơ ấu đã làm cho ông có một tình yêu âm nhạc từ nhỏ. Nay đã 63 tuổi, nhưng trong ông luôn cháy bỏng với tình yêu âm nhạc truyền thống của dân tộc mình và luôn sẵn sàng biểu diễn cho bạn bè quốc tế những điệu chiêng, những bài hát kể sử thi.
Hiện nay, ông đang lưu giữ ba bộ chiêng quý; một bộ được bà ngoại để lại với trên 100 năm tuổi; 2 bộ còn lại thì ông sưu tầm trong lúc đi diễn tấu và sửa chiêng cho bà con. Ngoài ra, ông còn lưu giữ hàng trăm bài hát kể sử thi cổ của cha ông để lại và sáng tác nhiều bài hát dân ca về quê hương, dân tộc Ba Na. Có được bộ chiêng quý trên 100 năm tuổi, ông phải đổi ba con bò, vì khi bà ngoại mất đi thì người anh họ đòi bán chiêng để chia tiền nên ông phải đổi bò để giữ lại chiêng. Với 2 bộ chiêng kia, ông tặng cho cha mình – già làng A Bek một bộ, để đánh những lúc làng có lễ hội hay tập tục. Bộ còn lại, ông dành dạy cho bọn trẻ, thanh niên đánh công chiêng, để tiếng cồng chiêng được vang mãi và không bị mai một. Bộ cồng chiêng gia truyền, được ông cất chung với những cây đàn Tơ rưng, đàn đá, trong kho và mỗi khi đi biểu diễn ở nước ngoài thì mới mang theo bộ cồng chiêng quý.
Ông A Thút tuy được đào tạo qua về âm nhạc, nhưng chủ yếu là học từ cha và bác ruột, nên diễn tấu được các loại nhạc cụ một cách thành thạo. Ngoài ra, ông còn chỉnh chiêng cho bà con, làm đàn Tơ rưng, đàn đá, nhiều loại đàn khác nữa, một công việc đòi hỏi phải am hiểu nhiều và rộng với các nhạc cụ truyền thống.
Giữ hồn cho lớp trẻ
Cuộc sống ngày càng hiện đại, ông trăn trở trước sự mai một từng ngày các giá trị văn hóa truyền thống, sự thờ ơ, không còn tha thiết của lớp trẻ với nhạc cụ truyền thống. Còn những người già cũng dần khuất núi, không còn mấy người biết hát kể sử thi và ông lo sợ một ngày nào đó những câu chuyện cổ sẽ bị lãng quên. Ý thức được việc giữ lửa, A Thút đã chép lại tất cả các bài sử thi, rồi dịch ra tiếng Việt để lưu truyền cho lớp trẻ sau này. Không những thế, ông còn sưu tầm, sáng tác nhiều bài dân ca Ba Na về tình yêu lứa đôi, tình yêu với quê hương, dân tộc.
Những lúc rảnh, ông lại dạy cho lớp trẻ đánh cồng chiêng, nên hầu như thanh niên ở Hơ Moong đều biết đánh và năm nào cũng đào tạo được 1 - 2 lớp cồng chiêng trẻ. “Cồng chiêng là di sản văn hóa của đồng bào Tây Nguyên mình mới có, nên mình phải cố gắng giữ gìn và bảo tồn thôi. Đánh cồng chiêng phải say mê, nhập tâm và dồn hết tình cảm vào tiếng chiêng, thì những tiếng chiêng đánh ra sẽ làm ấm lòng người” – theo lời nghệ nhân A Thút.
Với ông sống là cống hiến cho dân tộc, giữ hồn cho thế hệ sau qua văn hóa cồng chiêng để không bị mai một và còn giới thiệu cho bạn bè trên thế giới biết sự đặc sắc của văn hóa Việt. Cụ thể, năm 1998 ông trở thành cộng tác viên của dự án điều tra, sưu tầm, biên dịch kho tàng sử thi Tây Nguyên thuộc Viện Văn hóa dân gian. Năm 2007, ông cùng cha mình và 15 người con ở Hơ Moong cùng tham gia lễ hội Smithsonian tại nước Mỹ, sau đó dẫn đoàn cồng chiêng đi biểu diễn rất nhiều quốc gia như: Úc, Nga, Ý... Ông còn tham gia hát kể sử thi. Năm 2014, ông dẫn đoàn cồng chiêng, múa xoang tham gia trình diễn tại Pháp, rồi tiếp tục tham gia hoạt động văn hóa – du lịch các dân tộc Việt Nam tại Đồng Mô (Sơn Tây, Hà Nội) với việc phục dựng lại lễ hội cầu mưa, lễ cầu an…
Với A Thút, dù đã lớn tuổi, nhưng tình yêu, sự say mê với nhạc cụ truyền thống thì không bao giờ già đi cùng thời gian. Ngày nào còn sức khỏe, còn cống hiến được cho dân tộc thì ông thấy vui và hạnh phúc. Và chính ông là tấm gương sáng cho bao thế hệ con cháu học hỏi, noi theo, để cùng nhau bảo tồn di sản văn hóa của cha ông.