Người duy nhất được phong Lưỡng quốc Thượng thư

GD&TĐ - Khi đi sứ nhà Minh, sứ thần nước Nam Nguyễn Sư Mạnh đã thể hiện tài năng ngoại giao hiếm có, cũng như chữ nghĩa kinh luân nên được tặng danh xưng Lưỡng quốc Thượng thư.

Nhà thờ Lưỡng quốc Thượng thư Nguyễn Sư Mạnh sau khi trùng tu.
Nhà thờ Lưỡng quốc Thượng thư Nguyễn Sư Mạnh sau khi trùng tu.

Theo chính sử, Nguyễn Sư Mạnh là người làng Cổ Đô, xã Cổ Đô (Ba Vì - Hà Nội). Ông đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, khoa Giáp Thìn niên hiệu Hồng Đức 15 (1484) đời vua Lê Thánh Tông.

Được bổ làm quan Thượng thư Bộ Lễ, tước Sùng Tín hầu, cử đi sứ Trung Quốc năm 1500. Vì tài năng, Nguyễn Sư Mạnh được vua nhà Minh phong Thượng thư – trở thành người duy nhất được tặng danh xưng “Lưỡng quốc Thượng thư”.

Hở bụng hong chữ

Theo gia phả họ Nguyễn làng Cổ Đô, Nguyễn Sư Mạnh sinh năm Mậu Dần (1458). Cha ông vốn là người tỉnh Thanh Hóa ra Cổ Đô lập nghiệp và kết hôn với cô gái làng này. Năm 27 tuổi, Nguyễn Sư Mạnh lều chõng đi thi và đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân.

Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” và “Lịch triều hiến chương loại chí” viết về khoa thi này: Tháng 2 thi hội các cử nhân lấy đỗ 44 người. Vào thi đình, đề văn sách hỏi về nhà Triệu Tống dùng nho sĩ, cho đỗ theo thứ bậc khác nhau.

Nguyễn Sư Mạnh đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân. Tên ông được khắc trong bia “Hồng Đức thập ngũ niên Giáp Thìn khoa tiến sĩ đề danh ký” ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Sau khi đỗ đạt, Nguyễn Sư Mạnh được bổ làm quan và làm Thượng thư Bộ Lễ, tước Sùng Tín hầu. Vốn là người biết nhiều, hiểu rộng, tri thức uyên bác, ứng xử uyên thâm nên được vua Lê cử đi sứ Trung Quốc vào năm 1500.

Cho đến nay, sau 5 thế kỉ từ chuyến đi sứ ấy nhưng giai thoại về tài năng ứng đối ngoại giao của Nguyễn Sư Mạnh còn mãi được lưu truyền, ghi vào chính sử cũng như tộc phả. Một trong những giai thoại kể lại rằng:

Khi vào yết kiến vua nhà Minh, không biết vô tình hay hữu ý mà Nguyễn Sư Mạnh không cài khuy áo để hở bụng. Vua Minh thấy vậy thì giận dữ cho rằng, sứ thần nước Nam thất lễ, hạch tội khi quân, định trục xuất về nước.

Nguyễn Sư Mạnh tâu rằng: “Vì đường sá xa xôi, bụng thần lại chứa đầy chữ, mà sau nhiều ngày đi đường âm u, ẩm ướt, sợ khú mất chữ thánh hiền, vậy nên thần mạo muội xin được phanh áo ra hong, mong nhà vua đại xá”.

Nghe vậy, vua Minh phần muốn thử tài, phần muốn nhân cơ hội hại người nước Nam nên ra chiếu rằng: “Nếu sứ thần nước Nam là người hay chữ thì hãy giúp thiên triều chép lại Thiên Vi Chính trong sách Luận ngữ mới bị thất lạc”.

Nhà thờ Lưỡng quốc Thượng thư Nguyễn Sư Mạnh trước khi trùng tu.
Nhà thờ Lưỡng quốc Thượng thư Nguyễn Sư Mạnh trước khi trùng tu.

Trí nhớ tuyệt đỉnh

Nguyễn Sư Mạnh không chút đắn đo mà nhận lời ngay. Vua nhà Minh ra hạn trong 30 ngày phải hoàn tất. Để cho chắc sứ thần nước Nam sẽ không làm được, vua Minh hạ lệnh không được ra khỏi dinh thự trong 30 ngày, đồng thời cho người theo dõi, giám sát chặt chẽ.

Nhưng sau nhiều ngày, gần hết thời hạn quy định mà không thấy sứ thần nước Nam làm gì, chỉ ngồi đánh cờ. Đến ngày thứ 25, vua Minh sai người nhắc nhở, Nguyễn Sư Mạnh trả lời: “Ngày mai thần sẽ viết”.

Đến ngày thứ 29, Nguyễn Sư Mạnh đã dâng một bản chép Thiên Vi Chính cho vua Minh. Nhận sách, vua Minh khen sứ thần có trí nhớ tuyệt vời, sách chép lại y như bản chính, chỉ có chữ “công” thừa một dấu chấm.

Vua Minh hạch tội, Nguyễn Sư Mạnh khẳng khái nói: “Nếu thần viết thừa dấu chấm thì chắc chắn bản gốc của thượng quốc cũng thừa”. Vua Minh cho đem bản gốc ra so sánh thì y như lời Nguyễn Sư Mạnh, chữ “công” cũng thừa một dấu chấm.

Vua nhà Minh phải chịu phục tài Nguyễn Sư Mạnh và không còn lý gì để làm hại sứ thần nước Nam. Sau đó, vua nhà Minh đã xuống chiếu sắc phong cho ông chức Thượng thư của Trung Hoa.

Bốn chữ “Lưỡng quốc Thượng thư” đã được khắc tại từ đường họ Nguyễn ở Cổ Đô, với ý nghĩa nhắc đến công lao của nhà ngoại giao đại tài Nguyễn Sư Mạnh.

Khi về nước, Nguyễn Sư Mạnh tâu lại sự thể, vua Lê Thánh Tông rất lấy làm hài lòng và truyền cho làm bài phú “Thái Bình”. Nguyễn Sư Mạnh xuất khẩu thành thơ, đọc ngay dưới bệ rồng: Nhật Nguyệt quang thiên đạo/Sơn hà tráng đế cư/Thái Bình Vô dĩ đáp/Nguyệt thướng vạn thiên thu.

Lược dịch: Đạo trời sáng như mặt trăng, mặt trời/Hoàng thượng trị vì giữa non sông hùng vĩ/Thái Bình là dĩ nhiên/Xin chúc vĩnh viễn được thế.

Hiện nay, ở từ đường Nguyễn tộc còn có câu đối: Luận ngữ nhất thiên, tâm ấn quyển – Thái bình tứ cú, khẩu thành chương. Nghĩa là: Một thiên luận ngữ khắc rõ trong tim – Bốn câu Thái bình, miệng nói thành áng văn đẹp.

Trong các triều đại phong kiến, chỉ có Mạc Đĩnh Chi triều Trần, Nguyễn Trực, Nguyễn Nghiêu Tư và Nguyễn Đăng Đạo triều hậu Lê được nhà Minh và nhà Thanh ở Trung Quốc phong là “Lưỡng quốc Trạng nguyên”. Nhưng người được phong “Lưỡng quốc Thượng thư” thì chỉ có một mình Nguyễn Sư Mạnh.

Nguyễn Sư Mạnh là người duy nhất được phong “Lưỡng quốc Thượng thư”.

Nguyễn Sư Mạnh là người duy nhất được phong “Lưỡng quốc Thượng thư”.

Được ban quốc tính

Di sản văn chương của Nguyễn Sư Mạnh bị thất truyền, nhưng bao đời nay người dân bốn phương vẫn luôn tôn thờ và ngưỡng mộ tài năng uyên bác của Thượng thư Nguyễn Sư Mạnh. Năm 1990, nhà thờ và lăng mộ Nguyễn Sư Mạnh đã được công nhận là di tích quốc gia.

Theo một số tư liệu tộc phả, thì Nguyễn Sư Mạnh được nhà Lê tin dùng ban quốc tính, được gả công chúa và phong chức Vinh Lộc Đại phu, giao cho trông coi Viện Hàn lâm, kiêm Đông các Đại học sĩ. Việc Nguyễn Sư Mạnh được ban quốc tính đã ghi nhận những cống hiến to lớn đối với đất nước và triều đình nhà Lê.

Về sự kiện này, các tài liệu chính sử như: Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục và Lịch triều hiến chương loại chí đều chép: Mùa xuân, tháng Giêng ngày 25 vua sai sứ sang nước Minh. Hình bộ Tả thị lang Nguyễn Duy Trinh, Lễ khoa đô cấp sự trung Lê Lan Hinh, Thượng bảo thiếu khanh Nguyễn Nho Tông sang tạ ơn cúng tế…

Về tên gọi Lê Lan Hinh, sách “Đại Việt sử ký toàn thư” ghi rõ: Người xã Cổ Đô, huyện Tân Phong, đỗ Đồng tiến sĩ khoa Giáp Thìn (1484) năm Hồng Đức; nguyên trước họ Nguyễn, tên là Sư Mạnh, sau được ban quốc tính họ Lê.

Được biết, khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, vua Lê Thái Tổ đã tổ chức phong thưởng tước vị và ban quốc tính cho những bậc “khai quốc công thần” trong đó có Nguyễn Trãi.

Tuy nhiên, từ triều Lê Thái Tông, việc ban quốc tính không còn được thực hiện rộng rãi, chỉ những người thực sự có tài năng, có cống hiến to lớn mới được hưởng ân điển ấy. Điều đó chứng minh công lao mà Nguyễn Sư Mạnh lập được cho triều đình là rất lớn.

Có giai thoại kể lại rằng, khi được vua Lê gả công chúa, người đàn bà tên hiệu Hứa phu nhân ôm đứa con trai nhỏ trên tay, quay nhìn nếp nhà quan Lưỡng quốc Thượng thư Nguyễn Sư Mạnh lần cuối, rồi bước đi nhanh trong bóng hoàng hôn đang đổ xuống bến ngã ba sông. Nhà đò hỏi nhỏ: Đi đâu? Mà tại sao phải đi? Nàng cười, nụ cười: Ta đi để yên một bề cho nhà chồng ta, ta chỉ có cách này để giúp chàng.

Khi Nguyễn Sư Mạnh vinh quy bái tổ trở về làng, đưa theo công chúa phu nhân được vua Lê Thánh Tông gả làm chính thất về ra mắt, thì người vợ mà cha mẹ cưới cho đã ôm con đi biệt tích.

Ông nhìn ra bến sông, thầm trách nhưng cũng nhận ra sự hi sinh của người đàn bà có tấm lòng cao thượng. Ông tự nhủ, từ nay phải dốc lòng lo việc nước, sẽ bảo ban công chúa phu nhân đảm trách mọi việc trong dòng tộc, giữ yên bề gia thế.

Cụ Nguyễn Công Hoàn, thân sinh của Thái Tể kiêm Lục bộ Thượng thư Nguyễn Bá Lân sau này đã viết về Lưỡng quốc Thượng thư Nguyễn Sư Mạnh như sau: Tiên chính Thanh Hoa Cẩm Thủy nhân/Cổ Đô hà hạnh tái tiên quân/Nhị tuần linh thất thiên hoàng bảng/Lục bộ cư tam quốc đại quan/Luận ngữ nhất thiên tâm ấn quyển/Thái bình tứ cú khẩu thành văn.

Khi Nguyễn Sư Mạnh về trí sĩ, nhà cửa quá đơn sơ không có tường bao, tài sản không có gì đáng giá, ăn mặc giản dị với áo xám nhạt màu nước trà. Vua Lê lấy làm nghi ngờ, bèn bí mật sai thị vệ giả làm lái buôn đến hỏi mua lụa để dò la hư thực. Sau thị vệ về bẩm báo, chỉ thấy nhà Nguyễn Sư Mạnh có một tấm lụa và 5 quan tiền. Vua thương, bèn cho Nguyễn Sư Mạnh một lọ vàng.

Theo người dân Cổ Đô, cụ Nguyễn Sư Mạnh thọ hơn 70 tuổi, nhưng sách “Bản quốc Đăng khoa lục” lại ghi cụ thọ đến 82 và mất ngày 16 tháng 9  âm lịch, mộ táng ở xứ Đồng Tranh, Xuân tế vào ngày 16 tháng Giêng. Cụ bà là công chúa nhà Lê, tên thụy là Ngọc Hân phu nhân, người vợ thứ  hai người họ Trần tên hiệu là Hứa phu nhân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.