Người dân trồng khoai lang trên đất bán ngập để phát triển kinh tế

GD&TĐ - Tận dụng diện tích đất bán ngập, người dân xã Hà Mòn (Đắk Hà, Kon Tun) trồng khoai lang tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.

Người dân tất bật thu khoai lang.
Người dân tất bật thu khoai lang.

Chi phí thấp, thu nhập cao

Nhiều ngày qua, hàng chục hộ dân tại xã Hà Mòn (huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum) tận dụng diện tích đất bán ngập trên lòng hồ thủy điện Plei Krông để trồng khoai lang.

Nhờ chăm sóc kĩ nên cây trồng phát triển tốt, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con.

3 năm qua, thấy khu vực đất bán ngập trên lòng hồ thủy điện Plei Krông màu mỡ, phù hợp trồng trọt nên gia đình bà Nguyễn Thị Mỹ (thôn 2, xã Hà Mòn) đã trồng 1ha khoai lang Lệ Cần.

Năm nào cũng vậy, cuối tháng 2 khi nước rút, bà Mỹ lại tất tả xuống giống. Sau 3-4 lần tưới, cây khoai lang phát triển và sinh trưởng tốt. Sau hơn 5 tháng chăm sóc, mấy ngày qua gia đình bà Mỹ tất bật thu hoạch.

“Năm nay thời tiết thuận lợi nên cây khoai lang sinh trưởng, phát triển khá tốt. Trồng ở diện tích bán ngập nên đất đai cũng màu mỡ, bà con ít tốn các chi phí phân bón. Với 1ha cho thu hoạch khoảng 10 tấn khoai lang. Giá hiện tại gia đình tôi đang bán dao động từ 12.000 - 17.000 đồng/kg. Sau khi trừ hết chi phí, thu nhập được hơn 100 triệu đồng”, bà Mỹ nói.

Bà Nguyễn Thị Mỹ vui mừng vì vụ mùa khoai lang năm nay cho thu nhập tốt.

Bà Nguyễn Thị Mỹ vui mừng vì vụ mùa khoai lang năm nay cho thu nhập tốt.

Hơn 7 năm qua, gia đình anh Vũ Đình Sơn (thôn 2, xã Hà Mòn) đều có nguồn thu nhập ổn định từ 1,2ha khoai lang trên diện tích đất bán ngập.

Anh Sơn cho hay, trên vùng đất bán ngập nhiều phù sa, màu mỡ nên cây trồng phát triển tốt, ít sâu bệnh, năng suất cao.

Anh Sơn chia sẻ, khu vực đất bán ngập rất thích hợp để trồng khoai lang. Muốn khoai lang sai củ, củ to đều trong quá trình trồng, phải luôn cẩn trọng từ khâu chọn giống, làm đất, ươm mầm đến bón phân.

Đến vụ thu hoạch anh chọn ngày nắng ráo và nhẹ nhàng đào bới tránh làm củ bị hư, trầy xước. Nhờ vậy, khoai lang sẽ bảo quản được lâu, giá bán cũng cao hơn.

“Với 1,2ha đất bán ngập trồng khoai Lệ Cần, gia đình tôi thu được hơn 10,5 tấn. Giá trung bình hiện nay khoảng 15.000 đồng, trừ các chi phí chăm sóc nhà tôi thu về được khoảng 150 triệu đồng. Từ ngày trồng khoai lang trên diện tích đất bán ngập kinh tế gia đình tôi ổn định có điều kiện lo cho các con đến trường”, anh Sơn nói.

Cũng theo anh Sơn khu vực đất bán ngập này rất thích hợp để trồng khoai lang. Vì đất bán ngập nhiều phù sa, màu mỡ nên khoai lang phát triển rất tốt, ít sâu bệnh, năng suất cao. Để có điều kiện canh tác lâu dài anh và các hộ dân ở đây luôn chú trọng thực hiện công tác bảo vệ môi trường.

Đảm bảo an toàn, bảo vệ môi trường

Anh Vũ Đình Sơn cân khoai lang bán cho thương lái.

Anh Vũ Đình Sơn cân khoai lang bán cho thương lái.

Ông Trần Đức Trọng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hà Mòn cho biết, địa phương có trên 50ha đất bán ngập tại lòng hồ thủy điện Plei Krông, trong đó có khoảng 40ha diện tích được bà con tận dụng để trồng khoai lang.

Những năm gần đây, xã đưa nội dung tận dụng quỹ đất để phát triển kinh tế trên diện tích bán ngập vào chỉ tiêu kinh tế - xã hội hàng năm.

Từ đó, chủ động phối hợp với đơn vị quản lý điều hành công trình để thông báo thời gian mực nước rút xuống mức an toàn và định hướng cho người dân canh tác các loại cây trồng phù hợp.

Theo ông Trọng, mỗi vụ khoai lang canh tác trên đất bán ngập kéo dài từ 4 đến 6 tháng. Khi mực nước của hồ thủy điện Plei Krông rút bà con sẽ xuống giống và thu hoạch trước khi hồ thủy điện tích nước.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hà Mòn cho hay, do bà con trồng trên diện tích bán ngập nên địa phương thường xuyên tuyên truyền cho người dân phải đảm bảo an toàn, không tự ý san ủi làm ảnh hưởng đến lòng hồ và chú trọng thực hiện công tác bảo vệ môi trường, diệt trừ các loại cây gây hại.

Qua kiểm tra, theo dõi, địa phương nhận thấy bà con thực hiện và chấp hành tốt, tích cực sản xuất. Năng suất trồng khoai lang trung bình đạt 10 tấn/ha, từ đó mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ