Người dân Triều Tiên vội vã về nhà sau lệnh phong tỏa bất ngờ

GD&TĐ - Theo các nguồn tin của hãng thông tấn NK News, người dân thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên đã bất ngờ nhận được lệnh ở trong nhà vào chiều hôm qua (10/5).

Một con phố vắng ở Bình Nhưỡng, tháng 1/2018.
Một con phố vắng ở Bình Nhưỡng, tháng 1/2018.

Một nguồn tin cho rằng có một lệnh “phong tỏa toàn quốc”, trong khi nguồn tin khác đề cập đến “vấn đề quốc gia” không xác định.

Một trong những nguồn tin cho biết lệnh này đã khiến nhiều người đổ xô về nhà, hàng dài người xếp hàng chờ đợi tại các bến xe buýt ở thủ đô vào chiều hôm qua, trong khi một số người khác nhanh chóng đi bộ về.

Nhà chức trách Triều Tiên dường như đã yêu cầu người dân không ra khỏi nhà và không nói rõ khi nào lệnh phong tỏa sẽ được dỡ bỏ. HK News hiểu rằng các lệnh có thể đã được ban hành trên toàn quốc, mặc dù người ta vẫn thấy nông dân làm việc dọc biên giới liên Triều gần Paju vào khoảng 5 giờ chiều qua.

Người dân chăm sóc ruộng ở một ngôi làng gần biên giới liên Triều, ngày 10/5/2022
Người dân chăm sóc ruộng ở một ngôi làng gần biên giới liên Triều, ngày 10/5/2022

Lệnh phong tỏa trên được đưa ra vài tuần sau khi Triều Tiên và Trung Quốc đình chỉ thương mại đường bộ sau khi số ca Covid-19 gia tăng ở tỉnh Liêu Ninh và Cát Lâm, giáp với biên giới Triều Tiên.

Tuy nhiên, một nhà ngoại giao nước ngoài từng làm việc tại Bình Nhưỡng nói với NK News rằng các chỉ dẫn ngắn hạn về việc ở trong nhà không phải là điều mới lạ, ngay cả khi đại dịch Covid-19 chưa bắt đầu vào năm 2020.

Tuần trước, nhà chức trách Triều Tiên cũng yêu cầu người dân ở trong nhà trong một thông báo ngắn. Tuy nhiên, các nguồn tin ở Bình Nhưỡng nói với HK News rằng việc phong tỏa này có liên quan đến mức độ nghiêm trọng của các hạt trong không khí, thường được gọi là “bụi vàng”.

NK News trước đây nhiều lần đưa tin người dân thủ đô Bình Nhưỡng được yêu cầu ở trong nhà do lo ngại việc Covid-19 khi có những cơn bão bụi từ nước ngoài tràn về.

Cho đến nay Triều Tiên vẫn tuyên bố không có ca Covid-19 nào và đã đóng cửa biên giới trong khi dịch bệnh xuất hiện. Trong thời gian xảy ra đại dịch, nước này thậm chí còn đóng cửa giao thương với đối tác kinh tế chính là Trung Quốc và chỉ mới nối lại vào tháng 1 vừa qua. Hầu hết nhân viên ngoại giao và nhân viên cứu trợ nhân đạo cũng đã rời khỏi Triều Tiên.

Đặc biệt, Triều Tiên đã từ chối bất kỳ loại vắc xin Covid-19 nào, do đó 25 triệu người Triều Tiên đến nay chưa được tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Theo NK News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ