Ông L.V.G. (48 tuổi, sống ở huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) kể, ông không đeo khẩu trang lúc phun thuốc diệt cỏ ngược chiều gió và quai bình phun đột nhiên đứt, thuốc sâu ở trong bình đã bắn lên mặt đồng thời vòi phun vẫn hoạt động phun trực tiếp vào mặt. Sau khi xảy ra sự việc, bệnh nhân về nhà và thấy bình thường nên không tới bệnh viện thăm khám.
Thế nhưng hai ngày sau đó, ông xuất hiện những vết loét ở trong miệng, môi, đau họng nhiều, tức ngực, không ăn uống được, nói khó khăn.
Qua thăm khám, các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ) ghi nhận niêm mạc thành sau họng đỏ, niêm mạc lưỡi và vòm miệng có nhiều vết loét trợt. Bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi bị ngộ độc thuốc diệt cỏ. Kết quả nội soi họng cho thấy hình ảnh chảy máu điểm mạch mũi 2 bên, viêm, loét niêm mạc miệng lưỡi.
Hiện sức khỏe của bệnh nhân ổn định, ăn uống tốt và có thể nói chuyện bình thường. Qua trường hợp bệnh nhân G, các bác sĩ cảnh báo tới người dân, khi phun thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ cần mặc quần áo kín không thấm nước, mang khẩu trang, mũ, găng tay, ủng không thấm nước… để tránh thuốc trừ sâu có thể ngấm vào cơ thể.
Trước khi thực hiện phun thuốc cần kiểm tra bình phun thuốc đảm bảo an toàn, chắc chắn, khi phun thuốc đứng xuôi chiều gió và phun vào ngày ít gió buổi chiều mát hoặc sáng sớm. Chỉ sử dụng các loại thuốc nông nghiệp có trong danh mục sử dụng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nếu không may bị dính thuốc trừ sâu vào bất cứ bộ phận nào trên cơ thể cần rửa sạch ngay và đến bệnh viện kiểm tra.