Đuối nước: Làm sao để giảm bớt nỗi đau

GD&TĐ - Hàng năm, tai nạn thương tích do đuối nước gây ra đã cướp đi mạng sống của khoảng 2.000 trẻ em. Đã có nhiều chính sách, mô hình cũng như sự tham gia vào cuộc của các bộ, ngành nhưng dường như vẫn chưa đủ. Nỗi đau vẫn ập đến nhiều gia đình, cuộc sống, tương lai của nhiều trẻ đành khép lại. Làm sao để giảm bớt nỗi đau là câu hỏi, là mong muốn của mọi người, mọi nhà…

Đuối nước: Làm sao để giảm bớt nỗi đau

Hiểm họa rình rập ở mọi nơi

Theo số liệu của Bộ LĐ-TB&XH, tai nạn thương tích, đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em và thanh thiếu niên dưới 19 tuổi. Trung bình hàng năm, ở Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước, tức là mỗi ngày có khoảng 5 - 6 trẻ phải từ bỏ cuộc sống, ước mơ vì nguyên nhân này.

Theo ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), nghỉ hè là thời điểm trẻ quay trở về với gia đình, được về quê, đi du lịch… Tuy nhiên, nhiều gia đình giám sát, trông giữ trẻ nhỏ còn chưa tốt, thậm chí là chủ quan trong khi xung quanh nhà, khu vực sống có nhiều hồ ao, sông ngòi, nhiều thanh thiếu niên, trẻ nhỏ dù chưa biết bơi và chưa có kỹ năng an toàn trong môi trường nước cũng nhảy xuống tắm, lội mà không có người lớn quản lý dẫn đến đuối nước.

Ông Nam cũng cho biết, thời gian qua, Bộ LĐ-TB&XH và các bộ, ngành, các địa phương đã tích cực triển khai các hoạt động truyền thông phòng, chống đuối nước trẻ em. Tổ chức dạy bơi hướng dẫn kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em. Thí điểm các mô hình dạy bơi an toàn cho trẻ em. Tiếp tục thực hiện tiêu chí “Ngôi nhà an toàn”, “cộng đồng an toàn”, “trường học an toàn” nhằm loại bỏ các nguy cơ gây đuối nước cho trẻ em, nhiều địa phương đã chủ động kêu gọi xã hội hóa, liên kết với các doanh nghiệp đầu tư vào dạy bơi. Các mô hình dạy bơi bằng bể bơi lắp ghép được tổ chức khá nhiều tại các địa phương (Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An…).

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Hà - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, việc dạy bơi, học bơi là quan trọng, nhưng quan trọng hơn cần phải có cơ chế để xóa bỏ các nguy cơ. Nguy cơ đó có thể ở ngay trong gia đình như chậu nước nhỏ trong nhà tắm, ngoài sân… đều có thể trở thành mối nguy hiểm với trẻ. Bên cạnh đó, nhiều trẻ dù biết bơi nhưng vẫn gặp tai nạn đuối nước bởi không có hồ bơi an toàn, phải bơi ở sông hồ. Ngoài ra, ngay tại nơi các em sống vẫn tồn tại các hố nước, ao tù… là nơi có nguy cơ cao gây tai nạn đuối nước.

Điều này cho thấy, biết bơi hay bơi giỏi chỉ mới giải quyết được một nửa vấn đề. Quan trọng hơn cả là kỹ năng phòng tránh đuối nước và thoát hiểm cũng như cứu đuối.Vì vậy, song song với việc phát triển phong trào dạy bơi cho trẻ cũng cần trang bị kiến thức phòng chống đuối nước cho các em và người thân trong gia đình, cộng đồng. Có như vậy mới giảm thiểu được tình trạng đuối nước ở trẻ em.

Cho trẻ môi trường an toàn

Với trên 2.000 trẻ tử vong do đuối nước mỗi năm đã đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hàng đầu có tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước, cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước phát triển.

Do đó, nhằm hỗ trợ Việt Nam thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm tỷ lệ tử vong do đuối nước cho trẻ em, đảm bảo trẻ em có một môi trường an toàn, đảm bảo quyền sống còn của trẻ, ông Michael R.Bloomberg - Đại sứ toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới về các bệnh không lây nhiễm cho hay: Chương trình hợp tác về phòng chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam được thực hiện dựa trên những can thiệp đã được chứng minh hiệu quả tại một số quốc gia như Bangladesh. Quỹ từ thiện Bloomberg đã hỗ các can thiệp giám sát an toàn cho trẻ thông qua nhóm trông trẻ và dạy bơi cho trẻ phòng chống đuối nước từ năm 2012 và qua đó, đã giảm đáng kể số tử vong do đuối nước ở nhóm trẻ này.

Ở Việt Nam, một khoản hỗ trợ trị giá 2,4 triệu USD cho giai đoạn (2018 - 2020) của chương trình kéo dài trong năm năm không chỉ đánh dấu mối quan hệ đối tác chung nhằm giảm thiểu tỷ lệ tử vong ở trẻ em mà còn đem lại cho các em môi trường sống an toàn thông qua các chương trình can thiệp như hỗ trợ các biện pháp đảm bảo trông giữ trẻ an toàn đặc biệt là trẻ dưới năm tuổi tại gia đình, cộng đồng; Dạy bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em từ 6 - 15 tuổi.

8 địa phương được hưởng lợi đầu tiên gồm Lào Cai, Yên Bái, Ninh Bình, Quảng Bình, Thanh Hóa, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Sóc Trăng… hy vọng sẽ đem lại cho trẻ cuộc sống tốt đẹp hơn cũng như trang bị thêm kỹ năng cho cha mẹ, cộng đồng về những nguy cơ mất an toàn với trẻ mà lâu nay người lớn thường chủ quan bỏ qua.

Mặc dù tỷ lệ tử vong do đuối nước ở trẻ em Việt Nam đặc biệt cao, nhưng vấn đề này hoàn toàn có thể phòng tránh được. Những gì chúng ta cần là sự phối hợp liên ngành và tham gia mạnh mẽ của các cộng đồng liên quan đến trẻ em, cha mẹ và người chăm sóc trẻ em. - Ông Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.