Người đàn ông hoại tử vùng sinh dục và hậu môn do mắc hội chứng hiếm gặp

GD&TĐ - Bệnh nhân G.X.S (nam 59 tuổi) đã gặp biến chứng nghiêm trọng của hội chứng Fournier (hoại tử vùng sinh dục và hậu môn).

Các bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC.
Các bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC.

Bệnh nhân (dân tộc Mông, Hà Giang) cho biết, trước khi nhập viện 13 ngày, ông có triệu chứng sưng nóng, đỏ đau ở vùng bìu.

Tin tưởng vào các phương pháp điều trị truyền thống, bệnh nhân đã tìm đến thầy lang trong khu vực để thăm khám và đắp thuốc lá tại nhà.

Tuy nhiên, sau khi áp dụng phương pháp này, tình trạng bệnh không giảm và trở nên trầm trọng hơn. Bệnh nhân hoại tử toàn bộ vùng da bìu tầng sinh môn lan lên thành bụng.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng: sốt, vùng bìu tầng sinh môn và thành bụng hoại tử bốc mùi thối, nhiều mủ và giả mạc và rất đau đớn.

Sau 2 ngày điều trị tại cơ sở y tế ban đầu nhưng không có cải thiện, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Bệnh nhân được chỉ định nhập viên tại khoa Hồi sức tích cực. Bệnh nhân được chẩn đoán mắc hội chứng Fournier, theo dõi nhiễm khuẩn huyết với biểu hiện rõ rệt: vùng bìu tầng sinh môn hoại tử nhiều mủ và lan lên cả thành bụng.

Hội chứng này là một tình trạng hoại tử mô mềm vùng sinh dục và hậu môn, một biến chứng rất nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong.

ThS.BS Hà Việt Huy, Khoa Hồi sức tích cực, cho biết: “Vùng sinh dục và hậu môn là khu vực có rất ít mạch máu nuôi dưỡng. Vì vậy, điều trị nội khoa thường không mang lại hiệu quả. Trong trường hợp này, chỉ có phẫu thuật ngoại khoa mới có thể cứu sống bệnh nhân".

Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến khoa Ngoại Tổng hợp - Tiết niệu & Nam học để thực hiện phẫu thuật.

Theo Bác sĩ CKII. Trần Thượng Việt - Trưởng khoa, người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân chia sẻ: “Chúng tôi đã cắt lọc toàn bộ vùng bìu, tầng sinh môn bị hoại tử và phần thành bụng hoại tử. Tuy nhiên, tình trạng hoại tử vẫn có thể tiếp tục tiến triển và có khả năng bệnh nhân sẽ phải trải qua thêm một đến vài lần phẫu thuật nữa.”

Sau phẫu thuật cắt lọc ổ hoại tử, bệnh nhân đã được chuyển lại khoa Hồi sức tích cực để tiếp tục điều trị.

Theo bác sỹ Huy, hội chứng Fournier thường gặp ở những bệnh nhân có hệ miễn dịch suy giảm. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như mất máu, sốc nhiễm khuẩn nguy cơ tử vong rất cao.

Trong trường hợp này, việc bệnh nhân tự ý điều trị bằng các loại thuốc lá không rõ thành phần đã tạo điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn phát triển, khiến tình trạng bệnh diễn tiến nhanh và phức tạp hơn.

“Hội chứng Fournier, dù là bệnh hiếm gặp, nhưng vẫn có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Bệnh nhân và cộng đồng cần tránh việc tự ý điều trị bằng các phương pháp truyền miệng, đặc biệt là sử dụng thuốc lá hoặc các bài thuốc dân gian không rõ nguồn gốc.

Khi có các triệu chứng bất thường như sưng, nóng, đỏ đau vùng sinh dục hoặc hậu môn, bệnh nhân cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời", bác sĩ Huy khuyến cáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ